(Tổ Quốc) - Là một trong ba cố vấn của Viet Solutions 2021, TS Vũ Duy Thức - Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Kambria & OhmniLabs cho rằng, thay vì startup phải tự “bươn chải” như cách đây 10 năm, thì các cuộc thi như Viet Solutions, cũng như mô hình vườn ươm “3 nhà” mà cuộc thi đưa ra sẽ tạo ra một môi trường rất thuận lợi để các công ty công nghệ phát triển các ý tưởng, giải pháp chuyển đổi số.
Vì sao anh quyết định trở thành cố vấn của cuộc thi Viet Solutions năm nay?
Tôi rất vui khi được tham gia với vai trò cố vấn và giám khảo của Viet Solutions năm nay. Với tôi, đây là cuộc thi rất thú vị, thu hút được rất nhiều ý tưởng, giải pháp có tiềm năng tham gia và thực sự sẽ giải quyết được nhiều bài toán cho Việt Nam.
Vừa là mentor nhưng còn đóng vai trò nhà đầu tư ở các dự án khác, và bản thân anh cũng là người khởi nghiệp, anh tìm kiếm điều gì ở sản phẩm tham dự Viet Solutions trong năm nay?
Tôi mong muốn sẽ tìm được những sản phẩm giải quyết những bài toán cụ thể và có giá trị cao cho tình hình chung của doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Covid-19 vừa là thử thách, nhưng cũng sẽ là cơ hội cho các sản phẩm tham dự Viet Solution năm nay.
Anh cảm thấy mình có thể mang lại gì cho các đội thi với vai trò là một người cố vấn?
Có lẽ những kinh nghiệm của tôi trong nhiều năm qua, đặc biệt là kinh nghiệm trong lĩnh vực về AI (trí tuệ nhân tạo), kinh nghiệm về Blockchain (công nghệ chuỗi khối) có thể giúp các đội tham gia cuộc thi.
Ngoài ra tôi cũng có mạng lưới đối tác, chuyên gia trong và ngoài nước, hy vọng có thể giúp kết nối các bạn với các chuyên gia này, hoặc các nhà đầu tư, hay khách hàng tiềm năng.
Cuộc thi năm nay được phát động, tổ chức vào đúng giai đoạn đỉnh dịch tại Việt Nam. Theo anh, điều này sẽ tác động đến cộng đồng startup muốn tham dự cuộc thi ra sao?
Việc tổ chức cuộc thi vào đúng đỉnh dịch là rất táo bạo. Tất nhiên, việc diễn ra trong thời điểm Covid-19 sẽ mang đến một số khó khăn cho các đội đến tham gia, đặc biệt nếu như phải giãn cách theo chỉ thị của Chính phủ. Tuy nhiên, Covid-19 cũng mở ra nhiều cơ hội cho các startup, bởi dịch bệnh đã thúc đẩy hết sức mạnh mẽ nhu cầu về chuyển đổi số, về ứng dụng công nghệ mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Các doanh nghiệp đang có nhu cầu rất lớn đối với các giải pháp mới, để ứng dụng những giải pháp này vào hoạt động kinh doanh. Nếu các startup tham gia vào cuộc thi nắm bắt được những cơ hội này, họ sẽ đẩy mạnh được việc ứng dụng và triển khai những sản phẩm của họ tại Việt Nam.
Khởi nghiệp từ gần 10 năm trước đây, anh thấy môi trường khởi nghiệp đã thay đổi ra sao trong 10 năm vừa qua, đặc biệt là ở Việt Nam?
Cộng đồng startup Việt Nam đã có những sự thay đổi hết sức mạnh mẽ và vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, hệ sinh thái của khởi nghiệp ở Việt Nam đã phát triển thêm nhiều thành tố nâng đỡ sự phát triển của startup, giúp họ trở thành những kỳ lân trong tương lai.
10 năm trước, startup ở Việt Nam vô cùng đơn độc. Thời điểm đó, hoàn toàn không có các quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng không có những cuộc thi, chương trình "vườn ươm" như bây giờ. Startup thường phải tự bươn chải và chủ yếu phải học hỏi thông qua các kênh không chính thống như báo chí, bạn bè…
Nên có lẽ, đây là thời điểm hết sức thuận lợi cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp, để có thể dễ dàng đạt tới thành công hơn. Theo tôi điều này là rất đáng khích lệ.
Nhưng khởi nghiệp có còn thuận lợi không, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay?
Theo tôi, điều đó vẫn còn đúng, đối với một số lĩnh vực. Dịch bệnh Covid-19 khiến một số ngành khốn đốn, nhưng vẫn có những ngành lại có nhiều cơ hội, như thương mại điện tử, dịch vụ số… trong bối cảnh "bình thường mới".
Ý tưởng, giải pháp nào có thể giúp người tiêu dùng có thể đương đầu với những khó khăn trong đại dịch thì sẽ có cơ hội rất lớn.
Anh có nhận xét gì về mô hình vườn ươm "3 Nhà": Nhà nước (Bộ TTTT), Tập đoàn (Viettel và các có thể có thêm các sếu đầu đàn khác) và giải pháp của doanh nghiệp công nghệ số, giúp nâng cánh cho các sản phẩm của startup?
Theo tôi, đây là một mô hình rất thú vị, giống như kiềng ba chân vậy. Cả ba nhân tố ở đây đều có tính tương hỗ và có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Ví dụ, các doanh nghiệp lớn có thể đặt hàng, đưa ra yêu cầu cho các startup về ý tưởng chuyển đổi số. Chính phủ có thể hỗ trợ về mặt chính sách thông qua việc triển khai và phát triển các chương trình chuyển đổi số, không chỉ ở cấp độ doanh nghiệp mà còn có thể rộng hơn, là ở cấp độ quốc gia.
Như thế, mô hình vườn ươm "3 nhà" sẽ tạo ra một môi trường rất thuận lợi để các công ty công nghệ phát triển những sản phẩm chuyển đổi số của họ.
Viet Solutions đi tìm kiếm lời giải cho những bài toán của Việt Nam. Theo anh làm thế nào để doanh nghiệp biết rằng họ đang ‘đặt câu hỏi đúng’ để giải?
Để biết được câu hỏi có phải là đặt câu hỏi đúng hay không, thì câu hỏi đó phải thực sự giải quyết được những nỗi đau của khách hàng một cách triệt để.
Ngoài ra, đó còn phải là nỗi đau mà nhiều khách hàng, nhiều doanh nghiệp đang gặp phải. Bởi lẽ, khi giải pháp của bạn giải quyết được một bài toán rồi, bạn phải nghĩ đến việc mở rộng quy mô. Làm sao bạn có thể phát triển sản phẩm của mình trên quy mô lớn hơn, làm sao để có thật nhiều doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của bạn.
Hơn nữa, câu hỏi đúng phải là cái gốc của vấn đề. Tôi rất tâm đắc với phương pháp "5 Why" (5 câu hỏi tại sao). Phương pháp này có nghĩa là: mỗi khi bạn đặt ra bất kỳ câu hỏi nào, bạn phải hỏi đi hỏi lại ít nhất 5 lần, để truy được tận gốc vấn đề đó. Chỉ khi làm vậy, một sản phẩm mới có thể mang đến giá trị lâu dài cho nhiều doanh nghiệp khác nhau.
Khi đối tượng tham gia Viet Solutions được mở rộng ra cả những ý tưởng, thì các mentor có thể hỗ trợ được gì nhiều hơn, so với việc chỉ chọn giải pháp đã hoàn thiện rồi?
Thực sự, khi các giải pháp đang ở mức độ ý tưởng thì chương trình sẽ kêu gọi được nhiều startup tham gia hơn. Mặt khác, đội ngũ mentor và Viettel cũng có thể hướng dẫn các bạn xây dựng sản phẩm một cách nhanh chóng và hoàn thiện nhất.
Từ giai đoạn ý tưởng đến khi trở thành một sản phẩm, startup rất có thể dễ bị đi lạc hướng, khiến giá trị và khả năng ứng dụng trong thực tiễn không được như các bạn kỳ vọng. Cuộc thi Viet Solutions có thể giúp các startup sẽ rút ngắn thời gian và công sức phát triển sản phẩm, giúp các bạn đi đúng hướng.
Khi cuộc thi đẩy mạnh ra việc tìm kiếm các ý tưởng, liệu có dẫn đến việc các ý tưởng chỉ là ý tưởng đơn thuần, mà chưa có tính thực tế cao?
Theo tôi việc này không quá đáng lo ngại. Các ý tưởng khi, một khi đã lọt được vào các vòng trong, thường đã hội đủ các yếu tố khác nhau, như vừa có tính thực tế cao, vừa có đội ngũ tâm huyết để phát triển sản phẩm từ những ý tưởng này. Do vậy, theo tôi những ý tưởng càng lọt vào sâu ở những vòng trong sẽ càng mang lại nhiều giá trị trong việc giải quyết những "nỗi đau" của Việt Nam.
Thái Quỳnh