(Tổ Quốc) - Tuy nhiên, có một thực tế là đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay mới đang chỉ tập trung công nghệ trong việc giải quyết bồi thường nhằm tạo ra những trải nghiệm 'tốt hơn' cho khách hàng. Các sản phẩm truyền thống cũng đã đã được đưa dần lên các kênh bán hàng online nhưng vẫn không có nhiều khác biệt theo hướng Insurtech.
Theo số liệu thống kê mới đây, năm 2020, tổng số tiền đầu tư vào Insurtech trên toàn cầu lên tới 7,5 tỷ USD. Báo cáo trích dẫn từ Vietnam Fintech Report 2020 cũng ghi nhận thêm hàng chục công ty tham gia vào lĩnh vực Insurtech tại thị trường Việt Nam trong ba năm trở lại đây. Cụ thể, trong mảng web so sánh có sự gia nhập của TheBank, TopBank.vn, SmartBuddy, eBaohiem, Bihama, Go; mảng sản phẩm đột phá có Bolttech, Global Safe, PasarPolis, Inso, Ezin, Wicare, Miin; mảng đại lý bảo hiểm công nghệ có Qoala, Global Care, Eroscare, SaveMoney; hay nổi bật là Papaya, 9Lives tham gia vào mảng dịch vụ hỗ trợ…
Con số này cho thấy xu thế và sự phát triển không ngừng của công nghệ 4.0 hiện nay sẽ tạo bùng nổ cho thị trường Insurtech, đặc biệt với sự trưởng thành của các thế hệ Y, thế hệ Z - những người đã quá quen thuộc với công nghệ và các hoạt động mua hàng trực tuyến.Cuộc cách mạng 4.0 giường như đã từng bước làm thay đổi thị trường bảo hiểm Việt Nam theo hướng công nghệ hóa đem lại sự thuận tiện cho khách hàng.
Tuy nhiên, có một thực tế là đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay mới đang chỉ tập trung công nghệ trong việc giải quyết bồi thường nhằm tạo ra những trải nghiệm "tốt hơn" cho khách hàng. Các sản phẩm truyền thống cũng đã đã được đưa dần lên các kênh bán hàng online nhưng vẫn không có nhiều khác biệt theo hướng Insurtech. Trong khi đó, tại một số nước trên thế giới, nhiều công ty bảo hiểm, đặc biệt là các start up về insurtech tại tập trung vào việc xây dựng sản phẩm bảo hiểm hoàn toàn dựa vào công nghệ AI từ khâu bán hàng, tính mức phí đến việc bán hàng và thực hiện bồi thường.
Chẳng hạn như kỳ lân bảo hiểm của Mỹ Lemonade, đã liên tục cho ra mắt những sản phẩm bảo hiểm theo tiêu chí đơn giản và công nghệ số hóa tối đa cho khách hàng. Nhiều sản phẩm bảo hiểm vi mô như bảo hiểm cho người thuê nhà, bảo hiểm tài sản nhỏ… với điều kiện, điều khoản đơn giản hơn nhiều so với bảo hiểm truyền thống. Khách hàng có thể mua và nhận tiền bồi thường chỉ trong vài phút.
Tại Việt Nam, xu hướng này mới bắt đầu hình thành và chưa được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng. Mới đây nhất PTI cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm Trời mưa Droplet với việc áp dụng AI toàn bộ trong các quá trình tính phí bảo hiểm cũng như bồi thường. Thay vì việc cố định 1 mức phí như các sản phẩm bảo hiểm thông thường, mức phí của sản phẩm này được công nghệ điện toán đám mây tính toán dựa vào kết nối với hệ thống dự báo thời tiết quốc tế để tính ra mức phí cụ thể cho mỗi đơn bảo hiểm. Điều này sẽ đảm bảo được tính khách quan và minh bạch trong việc tính phí bảo hiểm với khách hàng.
Quá trình bồi thường cũng được thay đổi với số tiền bồi hoàn được tính bằng 60% tiền cước chuyến đi. Điểm mấu chốt là kiểm tra mưa tại thời điểm đón xe để xác định phạm vi bồi thường cũng được thực hiện hoàn toàn tự động bằng AI thông qua việc kết nối với nhiều website dự báo thời tiết quốc tế. Khách hàng chỉ cần chuyển (forward) email báo cước phí của hãng xe công nghệ (be và grab) và có thể yêu cầu và nhận tiền bồi thường.
Theo bà Hoàng Thị Yến – Giám đốc PTI Digital, lý do nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chưa đầu tư nghiên cứu sản phẩm bảo hiểm mới theo hướng công nghệ số toàn bộ như sản phẩm Bảo hiểm Trời mưa của PTI là vì những sản phẩm công nghệ sẽ cần sự đầu tư rất lớn về công nghệ, nhân sự và chi phí. Trong khi đó, thị trường insurtech tại Việt Nam chỉ mới thực sự phát triển trong vài năm trở lại đây và chưa thể đem lại kết quả doanh thu ngay lập tức. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm khi muốn theo insurtech thì sẽ phải xác định là một bài toán đầu tư dài hơi, tạo thói quen sử dụng sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.
Sản phẩm Bảo hiểm Trời mưa là sản phẩm đầu tiên tại thị trường Việt Nam, ứng dụng thành công công nghệ này trong bảo hiểm, mở ra những cách thức tiếp cận mới cho các sản phẩm bảo hiểm vi mô. Cũng theo bà Yến, khi triển khai sản phẩm này, bên cạnh việc đánh giá về sự mới lạ của sản phẩm với nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ, PTI cũng phải triển khai hệ thống công nghệ, kết nối API với các bên liên quan để hệ thống có đủ dữ liệu phân tích và đảm bảo hiển thị theo thời gian thực.
PV
toquoc.vn