(Tổ Quốc) - Hơn ba năm sau vụ tử tử của một công nhân, Toyota cho biết họ đang tăng cường các biện pháp chống các hành vi "quấy rối quyền lực" người lao động cũng như đạt được thỏa thuận với gia đình công nhân qua đời.
Năm 2017, một nhân viên 28 tuổi của Toyota đã tự tử sau khi bị sếp của anh ta nhục mạ. Văn phòng lao động khu vực cũng đã xác nhận trường hợp tử vong này có liên quan tới công việc.
Theo thông tin chính thức, người tử vong là một kỹ sư 28 tuổi. Anh ta từng nhiều lần bị người quản lý trực tiếp chế giễu, bắt làm việc liên tục trong nhiều ngày hay thậm chí nguyền rủa anh ta đi chết đi. Tuy nhiên, danh tính của người đàn ông xấu số được giữ kín để đảm bảo sự riêng tư của gia đình nạn nhân.
Luật sư của nạn nhân và gia đình anh ta cho rằng Toyota phải chịu trách nhiệm về việc quản lý yếu kém trong hệ thống, dẫn tới việc người kỹ sư này phải chịu tình trạng quấy rối quyền lực kéo dài. Tuy nhiên, số tiền mà gia đình nạn nhân được bồi thường không được tiết lộ.
Thỏa thuận đền bù diễn ra sau khi Toyota cam kết mạnh mẽ về việc ngăn chặn tình trạng tương tự. Chủ tịch Toyota Akio Toyoda cũng đã phải gặp và xin lỗi gia đình nhân viên quá cố. Ông cũng hứa tạo ra sự thay đổi to lớn.
Đã có 2.000 khiếu nại được nộp liên quan đến những thương tích và tử vong trong công việc bắt nguồn từ vấn đề sức khỏe tâm thần ở Nhật Bản trong năm 2019. Con số này nhiều gấp đôi so với một thập kỷ trước đó.
Những năm gần đây, Nhật Bản đã nỗ lực tăng cường các biện pháp nhằm trấn áp các công ty liên tục yêu cầu người lao động phải tăng ca kéo dài, gây ra những áp lực không đáng có với người lao động. Thậm chí, Giám đốc quảng cáo của Dentsu Group Inc. đã từ chức vào năm 2016 vì cái chết của một nhân viên làm việc quá sức.
Trở lại với câu chuyện của nhà sản xuất ô tô số 1 thế giới. Người phát ngôn của Toyota vừa cho biết đầu năm nay, công ty đã đạt thỏa thuận với gia đình người công nhân xấu số. Gia đình nạn nhân cũng tán thành nỗ lực của Toyota trong việc ngăn chặn những trường hợp nhạo báng nơi làm việc trong tương lai.
"Trong những năm kể từ khi nhân viên nêu trên qua đời, Toyota đã nỗ lực xóa bỏ tình trạng 'quấy rối quyền lực', một hình thức quấy rối tại nơi làm việc trong đó người có quyền lực lớn hơn, sử dụng quyền lực đó, để chèn ép hoặc xỉ nhục những người cấp thấp hơn họ", Toyota cho biết.
Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng đã sửa đổi quy chế làm việc để xác định rõ hơn các hành vi "quấy rối quyền lực" và đưa ra các biện pháp kỷ luật những đối tượng liên quan. Họ cũng tăng cường giao tiếp với nhân viên thông qua khảo sát và các trung tâm tư vấn. Công ty cũng sẵn sàng mời các bác sĩ chuyên khoa tới để nhân viên giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần của người lao động.
"Chúng tôi coi trọng thực tế là mạng sống quý giá của một trong những nhân viên của chúng tôi đã bị mất. Chúng tôi đang xem xét và triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn những sự việc đau lòng như vậy tái diễn. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng văn hóa làm việc mở, nơi mà mọi người lao động đều có thể yên tâm làm việc", Toyota cho biết trong một tuyên bố.
Linh Anh