(Tổ Quốc) - Tại Tọa đàm Cấp cao Lãnh đạo công nghệ thông tin và an toàn thông tin (CIO/CSO) năm 2021, Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) đã cho ra mắt nền tảng điều phối, tự động hóa và phản ứng an ninh mạng VCS-CyCir.
Tọa đàm cấp cao CIO/CSO 2021 được tổ chức vào ngày 9/9/2021 với sự tham dự của ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông); ông Trần Quang Hưng – Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC); ông Nguyễn Sơn Hải – Giám đốc VCS, cùng một số lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam.
Tọa đàm có mục đích cung cấp, trao đổi giữa các tổ chức, đơn vị về việc xây dựng chiến lược, đề xuất quy trình xử lý khủng hoảng, xác định các mối đe dọa và giới thiệu giải pháp, kinh nghiệm xây dựng hệ thống phòng chống mất an toàn, an ninh thông tin trong tình hình mới.
Phương pháp tiếp cận mới trong việc giám sát và phòng ngừa rủi ro an toàn thông tin
Ông Nguyễn Sơn Hải trình bày tham luận tại Tọa đàm.
Trình bày tham luận với chủ đề "Phương pháp tiếp cận mới trong việc giám sát và phòng ngừa rủi ro an toàn thông tin", ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc VCS cho biết, bối cảnh đại dịch toàn cầu và các xu hướng công nghệ phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua đã thay đổi việc cung cấp dịch vụ của tất cả các tổ chức. Kèm theo đó là tình trạng an toàn thông tin trên thế giới đáng báo động. Theo hệ thống Viettel Threat Intelligence, Việt Nam có khoảng 3 nghìn tên miền lừa đảo vào 6 tháng đầu năm 2021, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2020. Trong năm 2021, Việt Nam có 16 vụ rò rỉ dữ liệu lớn, với khoảng 97 nghìn tài khoản bị lộ lọt, trong đó bao gồm 2 nghìn tài khoản ngân hàng, chứng khoán.
Theo ông, cách tiếp cận cũ như sử dụng khung an ninh dựa trên đánh giá rủi ro, áp dụng kiểm toán và tư vấn không còn thích hợp với bối cảnh hiện nay, cần phải có cách tiếp cận mới để quản lý, quản trị an toàn thông tin một cách linh hoạt, có tính liên tục hơn, cụ thể dưới các khía cạnh sau đây:
Phải có khả năng quan sát (visibility) mọi thứ, nhìn thấy được những thay đổi hàng ngày; Cần tăng tính liên tục của các quy trình; phải quản trị về mặt chi phí; Cần thiết kế khung an toàn thông tin với khả năng mở rộng; Cần thích ứng với các rủi ro khi bối cảnh an toàn thông tin thay đổi rất nhanh.
VCS-CyCir – Giải pháp cho giám sát và phòng ngừa rủi ro an toàn thông tin với phương pháp tiếp cận mới
Để giúp các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng hiệu quả, thành công phương pháp tiếp cận mới, trong khuôn khổ Tọa đàm, VCS ra mắt nền tảng điều phối, tự động hóa và phản ứng an ninh mạng VCS-CyCir. Giải pháp là chìa khóa giúp nâng cao hiệu quả quá trình vận hành, phản ứng sự cố an toàn thông tin cho mỗi tổ chức, doanh nghiệp.
Từ cuối 2019, VCS đã nghiên cứu và phát triển VCS-CyCir nhằm giải quyết 2 vấn đề chính: tối ưu nguồn lực, giảm tải trong phối hợp vận hành, quản lý sự cố an toàn thông tin mạng, tích hợp và điều phối các giải pháp an toàn thông tin đơn lẻ khác trên 1 nền tảng duy nhất.
Lễ ra mắt nền tảng điều phối, tự động hóa và phản ứng an ninh mạng VCS-CyCir.
Nhân dịp ra mắt, VCS đưa ra chương trình đồng hành cùng tổ chức doanh nghiệp thử nghiệm giải pháp VCS-CyCir. Bên cạnh đó, với các đơn vị chưa hoặc đã trang bị giải pháp thu thập và phân tích sự kiện an ninh SIEM nhưng chưa vận hành hiệu quả, VCS cũng đưa ra gói thử nghiệm 2 giải pháp SOAR SIEM đồng hành cùng đơn vị từ khi triển khai, tích hợp đến tối ưu hệ thống, đảm bảo việc vận hành giám sát mang lại giá trị tốt nhất cho đơn vị.
Nền tảng điều phối, tự động hóa và phản ứng an ninh mạng của VCS (VCS-CyCir).
Ánh Dương