(Tổ Quốc) - Cuộc sống là tám gương phản chiếu thái độ của mỗi cá nhân. Đó là lý do vì sao có người thành công và có kẻ thất bại.
Nhà tâm lý học người Anh Richard Wiseman tin rằng những điều may rủi đến với mỗi người trong cuộc sống không đơn thuần là do “số mệnh sắp đặt”. Vì vậy ông đã dành thời gian nghiên cứu về hiện tượng may rủi và ghi lại một thí nghiệm trong cuốn sách “Luck Factor” - Yếu tố may mắn của mình như sau:
Richard Wiseman cùng đồng đội của mình tuyển chọn một nhóm những người bất kỳ để tham gia thí nghiệm đánh giá độ may mắn và xui xẻo của bản thân. Những người đó sẽ được chia thành hai nhóm và được yêu cầu đến một quán cà phê để mua cà phê.
Wiseman đã thiết kế hai tình huống nhỏ cho mỗi đối tượng:
1. Ông đặt 1 đô la gần cửa ra vào quán cà phê
2. Sắp xếp cho một doanh nhân giàu có giả vờ ngồi đợi trong quán cà phê
Kết quả là, đối với nhóm người luôn nghĩ rằng mình không bao giờ gặp may mắn thì hầu như không một ai nhìn thấy đồng đô la rơi trước cửa quán cà phê chứ chưa nói đến việc để ý đến người doanh nhân giàu có.
Mặt khác đối với nhóm còn lại, nhóm những người luôn tin rằng may mắn sẽ đến với họ trong cuộc sống thì hầu hết họ đều nhặt được đồng đô la. Thêm vào đó, phần lớn người trong số họ đều có thể vui vẻ trò chuyện với người doanh nhân trong khi chờ cà phê.
Qua kết quả của cuộc thí nghiệm trên Wiseman phát hiện ra rằng những người cho rằng mình may mắn thường nhạy cảm hơn với thế giới bên ngoài, họ có óc quan sát và để ý đến mọi thứ xung quanh nhiều hơn. Minh chứng là họ dễ nhặt được tiền và sẵn sàng giao tiếp với người lạ.
Còn những người nghĩ rằng họ không may mắn thường có xu hướng hồi hộp, lo lắng thái quá và dễ dàng đánh mất những cơ hội tốt ngay trước mắt.
Ngưng phàn nàn nếu không muốn mọi thứ tồi tệ hơn
Có câu chuyện về nhân sự mới trong một công ty nọ như sau: Nhân viên kỳ cựu phán đoán rằng “người mới” này sẽ không thể trụ được quá hai tháng. Ngay lập tức, mọi người hiếu kỳ tại sao anh ấy lại nói như vậy. Anh ấy nói rằng theo sự quan sát của bản thân thì “người mới” này thường xuyên ủ rũ và than vãn rằng: “Tôi thật xui xẻo”.
Nếu làm việc nhóm không hiệu quả, không giải quyết được vấn đề đặt ra “người mới” đổ lỗi cho đồng nghiệp không nghiêm túc. Nếu kế hoạch viết ra bị trả lại “người mới” quay ra trách lãnh đạo thiếu sự sáng tạo, đổi mới.
Anh đồng nghiệp kia đã thử nói chuyện với “người mới” và khuyên anh ta cố gắng giữ tinh thần tốt khi làm việc, đừng phàn nàn và người khác mà hãy thay đổi bản thân và cố gắng làm việc chăm chỉ. Nhưng có vẻ như cuộc nói chuyện không được thuận lợi, “người mới” dường như không đồng tình và bỏ ngoài tai những lời khuyên. Vì vậy anh cho rằng “người mới” khó có thể qua được thời gian thử việc tại công ty.
Phàn nàn là một liều thuốc độc. Nó không hề giải quyết được bất kỳ vấn đề thực tế nào trong cuộc sống. Thay vào đó, nó sẽ khiến cho bản thân bạn ngày càng có thêm nhiều áp lực, suy nghĩ tiêu cực và khiến cuộc sống trở nên tồi tệ hơn.
Thực tế, cuộc sống chính là một tấm gương phản chiếu con người bạn. Bạn cười thì nó sẽ cười cùng bạn, bạn khóc thì nó cũng sẽ khóc giống như bạn. Vì vậy hãy thay đổi bản thân, suy nghĩ tích cực, chăm chỉ làm việc thì may mắn và hạnh phúc sẽ sớm đến gõ cửa.
Niềm tin giúp bạn chiến thắng những điều không tưởng
Vào năm 1955, một bác sĩ người Đức là Lindemann đã quyết định một mình băng qua Đại Tây Dương chỉ với một chiếc thuyền nhỏ. Hành động này của ông nhanh chóng được nhiều người chú ý. Hầu hết họ đều cho rằng việc làm của ông là không thể và ông đang đánh cược với chính mạng sống của mình.
Nhưng sau tất cả, Lindemann đã thành công và trở thành người đầu tiên trên thế giới vượt Đại Tây Dương với một chiếc thuyền nhỏ. Sau này, Lindemann chia sẻ lý do lớn nhất giúp ông có thể vượt qua Đại Tây Dương là ông luôn khắc ghi trong tâm trí câu nói: “Tôi có thể làm được”.
Qua câu chuyện của Lindemann chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy khi chúng ta khao khát những điều tốt đẹp sẽ xảy ra, chúng ta có xu hướng khám phá ra những giá trị tốt đẹp của bản thân và ngày càng lạc quan, tự tin hơn. Ngược lại chúng ta càng lo lắng, suy nghĩ về những điều tồi tệ thì sẽ chẳng có phép màu nào xảy đến với chúng ta!
May rủi không do trời ban mà do chính bản thân tạo ra
May mắn hay xui xẻo bản chất không phải là một thứ siêu hình huyền bí nào cả, cái gọi là may hay xui chẳng qua là thái độ chủ quan của chúng ta đối với thế giới xung quanh. Suy nghĩ chính là thứ quyết định hướng đi của cuộc đời bạn.
Câu chuyện kể về một người phụ nữ tên là Selma cùng chồng mình đóng quân tại một căn cứ quân sự trên sa mạc là một ví dụ điển hình. Chồng cô hàng ngày luyện tập trên sa mạc, cô ở một mình trong căn nhà nhỏ của quân đội, không chỉ nóng nực, vất vả mà còn cảm thấy cô đơn.
Selma cảm thấy môi trường sống quá khó khăn nên đã viết thư cho cha để than thở về khó khăn của mình, và câu trả lời cô nhận được từ cha của mình chỉ vỏn vẹn có 3 dòng:
“Hai tù nhân nhìn ra từ song sắt của phòng giam:
Một người nhìn thấy bụi bẩn
Người còn lại đã nhìn thấy các vì sao”.
Selma đọc đi đọc lại những lời của cha cô và tự cảm thấy xấu hổ về bản thân mình. Từ đó cô bắt đầu tìm kiếm sự thay đổi để cải thiện cuộc sống.
Selma không chỉ chăm chỉ học tiếng địa phương, kết bạn với những người xung quanh mà còn chuyên tâm nghiên cứu nhiều loại động thực vật khác nhau trên sa mạc. Cô dành thời gian cùng chồng ngắm bình minh và hoàng hôn trên sa mạc, tìm kiếm vỏ ốc xà cừ còn sót lại hàng chục nghìn năm trước.
Hai năm sau, Selma - người phụ nữ từng có khuôn mặt u ám đã trở nên tươi tắn hơn, cô còn xuất bản một cuốn tự truyện và được đánh giá rất cao.
Cuộc sống luôn vận hành theo cách riêng của nó, lúc tốt lúc xấu phụ thuộc vào cách suy nghĩ và cách đối diện của bạn với nó. Khi chúng ta không thể thay đổi sự thật, ít nhất chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ của mình. Tạo lập cho bản thân một thái độ sống đúng đắn, nâng cao giá trị của bản thân thì cuộc sống sẽ mỉm cười với bạn.
Theo Aboluowang
Thùy Anh