Cuộc đua đón FDI khu vực Đông Nam Á đang khốc liệt ra sao?

(Tổ Quốc) - Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Việt Nam đều quyết tâm tận dụng cơ hội từ thương chiến và cả đại dịch.

Khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhắc đến một khu công nghiệp mới ở Batang, trên đảo Java, ông gửi đến thế giới một thông điệp rất rõ ràng: Indonesia đang mở cửa cho việc kinh doanh.

"Chúng tôi muốn các công ty từ Trung Quốc đại lục, và tất nhiên là cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ và bất cứ nơi nào khác trên thế giới chuyển đến đây", Tổng thống Joko Widodo cho biết hôm 30/6 trong khi tham quan khu công nghiệp mới này.

Sự thúc đẩy này là một phần của phong trào đón FDI lớn trên khắp Đông Nam Á. Các quốc gia ASEAN đang tăng cường nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, đặt mục tiêu đón các công ty đa quốc gia - những người đang suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng của họ sau khi Covid-19 gây ra sự gián đoạn lớn trên khắp Trung Quốc.

Mỗi quốc gia đều tung ra ưu đãi cho các công ty mới để mời gọi họ chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang, tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhưng với việc Liên Hợp Quốc dự báo ​​đầu tư nước ngoài vào các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ giảm tới 45% trong năm nay, phần lớn là do đại dịch, sẽ khiến Đông Nam Á phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt vì "chiếc bánh" FDI.

"Nếu các quốc gia khác đang yêu cầu 1 triệu [hecta] đất, thì chúng tôi có thể cung cấp 500.000", ông Widodo nói. Indonesia có kế hoạch thành lập 19 khu công nghiệp vào năm 2024. Họ cũng đang cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% trong năm nay, sau đó xuống 20% ​​vào năm 2022, sớm hơn một năm so với kế hoạch trước đó.

Các quốc gia khác trong khu vực cũng đang tăng cường nỗ lực.

Ủy ban Đầu tư của Thái Lan đã phê duyệt các ưu đãi cho ngành nông nghiệp vào ngày 17/6, nhắm vào các công ty nước ngoài chuyển hoạt động từ Trung Quốc. Malaysia, trong một phần của gói kích thích kinh tế được công bố vào ngày 5/6, đã đề nghị miễn thuế 15 năm cho các nhà sản xuất mới đầu tư trên 117 triệu USD vào nước này.

Myanmar sẽ ưu tiên sàng lọc các khoản đầu tư theo kế hoạch của các công ty quốc tế, mạnh về tài chính, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu thu hút thêm các công ty châu Âu sau khi thỏa thuận hợp tác kinh tế với Liên minh châu Âu có hiệu lực vào ngày 1/8.

Xu hướng là các quốc gia đang tập trung vào ngành chăm sóc sức khỏe, sau khi dịch Covid-19 đánh động về sự phụ thuộc vào khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế Trung Quốc. Ông Widodo kêu gọi các công ty liên quan đến chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ thiết lập cửa hàng ở Indonesia trong cuộc gọi với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 4. Indonesia cũng đưa ra các ưu đãi thuế cho các nhà sản xuất thiết bị y tế vào ngày 10/6.

Thái Lan sẽ xem xét gia hạn giảm thuế cho các công ty đầu tư vào thiết bị y tế và sản xuất thuốc, nỗ lực trở thành trung tâm cho các lĩnh vực liên quan đến chăm sóc sức khỏe.

Những nỗ lực này được thúc đẩy bởi việc các công ty có trụ sở tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cân nhắc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Theo ngân sách bổ sung được thông qua vào tháng 4, Nhật Bản đã phê duyệt 219 triệu USD trợ cấp cho các công ty mở rộng sản xuất sang Đông Nam Á và các nơi khác.

H.A

Tin mới