Cuộc đua hút tiền gửi thêm “nóng”, hôm nay 7/9 một ngân hàng tăng tiếp lãi suất

(Tổ Quốc) - Cuộc đua hút khách gửi tiền của các ngân hàng ngày càng "nóng" khi sự tham gia tăng lãi suất của các thành viên trong hệ thống ngày càng nhiều, đến hiện tại hầu như không còn ngân hàng nào "chịu ngồi yên". Thậm chí có những nhà băng đã tăng lãi suất đến vài lần, hoặc tổng hợp tất cả các chương trình khuyến mãi, ưu đãi khách VIP… theo dạng lớn chưa từng có để cạnh tranh.

Chẳng hạn như Vietcombank vốn rất ít tham gia vào việc tăng lãi suất thì giờ đây cũng đã "hành động". Hay như Techcombank có truyền thống huy động với lãi suất thấp, nhiều thời điểm còn thấp hơn cả các ông lớn trong nhóm Big4, song hiện tại cũng đẩy lãi suất lên tới trên dưới 6%/năm. Nếu là khách VIP ở nhà băng này, mức cộng lãi suất so với khách hàng thông thường còn được thêm 0,5% - 1%/năm tùy thuộc số tiền – điều mà trước đây hầu như không áp dụng. Ở VPBank vẫn thường xuyên cộng thêm lãi suất từ 6 tháng trở lên cho khách VIP, mức cộng từ 0,3 – 0,5%/năm cho khoản tiền từ 300 triệu trở lên, thì hiện tại cộng còn cao hơn tùy số tiền (có thể thỏa thuận với chuyên viên chăm sóc khách hàng), đưa lãi suất cao nhất lên trên dưới 7%/năm.

Mới nhất, trong ngày hôm nay 7/9, Ngân hàng Bản Việt thông báo kể từ ngày 08/9 sẽ tăng lãi suất đồng loạt từ kỳ hạn 1 tháng trở lên. Cụ thể, hình thức gửi online kỳ hạn 1 tháng đến 3 tháng tăng 0,05% lên kịch trần 4%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,2% lên 6,6%/năm. Nếu khách hàng tham gia sản phẩm Tiết kiệm linh hoạt với kỳ hạn ngày từ 184 ngày trở lên: mức gửi từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng lãi suất áp dụng 6,7%/năm, với mức gửi từ 300 triệu đồng trở lên lãi suất áp dụng 6,8%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng 0,2% lên 7,1%/năm và kỳ hạn 24 tháng tăng 0,3% lên 7,3%/năm. Với gửi tại quầy, ngân hàng này đang khuyến mãi nay đến 7/10 với khách hàng gửi tiền từ 300 triệu đồng trở lên sẽ có lãi suất ưu đãi 6,9%/năm kỳ hạn 6 tháng và 7,3%/năm kỳ hạn 12 tháng. 

Trước Bản Việt, một số ngân hàng cũng đã tăng lãi suất các kỳ hạn 6 tháng trở lên, gần nhất vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 này là ACB, Nam A Bank, MB, Sacombank với mức tăng từ 0,2 – 0,95%/năm tùy các kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất ở các ngân hàng đều trên dưới 7%/năm mà không cần điều kiện gì bắt buộc về số tiền hàng chục hay hàng trăm tỷ đồng.

Ngân hàng An Bình là trường hợp hi hữu khi vừa đẩy lãi suất lên cao nhất thị trường là 8,8%/năm. Tuy nhiên mức lãi suất này thì hầu như "niêm yết cho có" bởi chẳng khách hàng nào được chạm tới vì yêu cầu phải gửi 1.500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ. Theo giới quan sát, việc niêm yết lãi suất "chơi trội" thế này dễ khiến cho khách hàng hiểu lầm rằng cứ mang tiền tới gửi là được hưởng lãi cao. Và tất nhiên, đây cũng là mức lãi suất tham chiếu khi khách hàng muốn vay vốn tại An Bình (vì các ngân hàng luôn lấy mức lãi suất tiết kiệm cao nhất làm tham chiếu, cộng thêm mức chênh từ 3-5%/năm để đưa ra mức lãi suất cho vay).

Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi là do thanh khoản đang căng thẳng tạm thời. Trên liên ngân hàng, gần đây các nhà băng đã phải vay mượn nhau với lãi suất trên 5% ở kỳ hạn qua đêm và 1 tuần – mức cao hiếm có trong vài năm trở lại đây.

Ngoài ra, việc một số ngân hàng được cấp room tín dụng bổ sung từ ngày hôm nay 7/9 (Ngân hàng Nhà nước thông báo đã cấp room và thông báo tới từng thành viên có đề nghị nới room) cũng làm tăng áp lực huy động vốn để có nguồn cho vay theo room mới.

Một nguyên nhân nữa khiến cho lãi suất tăng, đặc biệt các kỳ hạn dài, là từ đầu tháng 10 tới đây, quy định tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ mức 37% xuống còn 34% theo lộ trình của Thông tư 08/2020/TT-NHNN.

Hằng Kim

Tin mới