Cuộc đua thương mại điện tử ở ASEAN sẽ ra sao trong tương lai?

(Tổ Quốc) - Thương mại điện tử với giá trị ngành đã tăng từ 5,5 tỷ USD năm 2015 lên 38 tỷ USD vào năm ngoái. Thêm vào đó, không chỉ là những nền tảng lớn như Shopee và Lazada, Sendo tại Việt Nam hay Tokopedia và Bukalapak tại Indonesia cũng là những thương hiệu có rất nhiều tiềm năng.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, rất nhiều cửa hàng khắp nơi thế giới buộc phải ngừng hoạt động. Điều này khiến cho người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trên các nền tảng trực tuyến. Trong khi các doanh nghiệp truyền thống đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, lượng giao dịch qua thương mại điện tử ngày càng tăng cao.

Giám đốc thương mại Shopee, ông Zhou Junjie cho biết trong 4 tháng đầu năm 2020, doanh số bán hàng tại Indonesia tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm ngoái, với hơn 185 triệu đơn hàng được đặt qua nền tảng này trên thị trường trong nước.

Theo ông Zhou Junjie, thị trường thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á sẽ còn phát triển mạnh. Hiện nay, Shopee là ứng dụng được xếp hạng hàng đầu do người tiêu dùng lựa chọn tại Việt Nam, Đài Loan, Indonesia và Malaysia.

Theo nghiên cứu từ Google, Temasek, và Bain & Company vào năm ngoái, giá trị của ngành thương mại điện tử khu vực ASEAN đã tăng hơn 600% chỉ trong 4 năm, từ 5,5 tỷ USD trong năm 2015 lên đến hơn 38 tỷ USD vào năm 2019, ước tính vào năm 2025, con số này sẽ vượt mức 150 tỷ USD.

Cuộc đua thương mại điện tử ở ASEAN sẽ ra sao trong tương lai? - Ảnh 1.

Đại dịch đã giúp thúc đẩy xu hướng tiêu dùng này. Shopee và các hãng bán lẻ trực tuyến khác cho rằng người tiêu dùng sẽ dần thay đổi hành vi mua sắm trong tương lai.

Phó Chủ tịch, Trưởng bộ phận CNTT khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Frost & Sullivan, ông Richard Wong khẳng định: "Trong bối cảnh đại dịch và kinh tế đóng cửa, hầu hết người tiêu dùng tại các quốc gia Đông Nam Á đều lựa chọn tìm kiếm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của họ trên nền tảng thương mại trực tuyến".

Ông Richard Wong cho biết số lượng giao dịch trực tuyến hàng tạp hóa và thực phẩm trong khu vực tăng từ 50% trong tháng 3 lên đến 400% vào tháng 5 năm nay. Tại một số công ty thương mại điện tử khác, tổng giá trị hàng hóa cũng tăng ít nhất 50% so với cùng kỳ.

Đồng thời, báo cáo mới đây Lazada cũng cho biết tại Singapore, Redmart - một mô hình siêu thị online đã đạt doanh số trung bình hàng tuần tăng gấp ba lần trong thời gian đại dịch vừa qua. 

Ông Wong nhấn mạnh: "Sự phát triển thương mại điện tử không chỉ đem lại lợi ích cho các nền tảng lớn như Shopee và Lazada, mà còn làm tăng tính cạnh tranh đối với các doanh nghiệp khác, ví dụ như Sendo tại Việt Nam, Tokopedia và Bukalapak tại Indonesia. Đây là những quốc gia có lợi thế trong việc thu hút người dùng, thu hút các doanh nghiệp địa phương cũng như lợi thế trong các chiến dịch quảng bá địa phương".

Theo thống kê từ nhà tổng hợp mua sắm trực tuyến iPrice có trụ sở tại Malaysia, trong quý 3 năm ngoái, Shopee và Sendo là những kênh phổ biển nhất về lưu lượng truy cập web tại Việt Nam. Sendo là nền tảng không chỉ dành riêng khách lẻ mà còn cho những doanh nghiệp. Đến tháng 2, Sendo đã có hơn 300.000 người bán và 10 triệu người mua ở trên khắp đất nước, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Tokopedia là nền tảng đầu tiên và hiện đang có lợi thế dẫn đầu trong thị trường thương mại điện tử tại Indonesia. Một lợi thế nữa đó là Tokopedia hoạt động bằng cách kết nối người mua với người bán mà không đòi hỏi cơ sở hạ tầng logistic lớn hay nguồn vốn nhiều. Tháng 1 vừa qua, Tập đoàn quản lý tài sản vốn nhà nước Singapore, Temasek Holdings đã đầu tư 500 triệu USD vào Tokopedia.

Báo cáo về Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek cùng với đối tác mới Bain & Company cũng chỉ ra rằng trong khi Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đang tăng trưởng ở mức từ 20% đến 30% hằng năm thì hai đại diện dẫn đầu trong khu vực là Việt Nam và Indonesia có tốc độ tăng trưởng vượt mức 40% một năm.

Theo báo cáo, những thách thức trước đó, ví dụ như mảng logistics của thương mại điện tử, cũng đã chuyển thành cơ hội cho những doanh nghiệp startup cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp thu và tận dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số để mở rộng quy mô một cách nhanh chóng.

Đồng thời, các khu vực mà hầu hết người tiêu dùng vẫn chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt cũng là lợi thế cho các dịch vụ giao hàng bằng tiền mặt được phát triển. Chẳng hạn như tại Úc, công ty Shippit đang có những dự án hợp tác cùng Shopify, nền tảng thương mại điện tử tại Canada.

Giám đốc phát triển thị trường, ông Lavneesh Arora cho biết: "Có thể coi phần mềm Shippit là một yếu tố hỗ trợ thương mại điện tử: chúng tôi cung cấp dịch vụ vận chuyển tiền mặt. Điều này cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến như Shopify tiếp cận phần lớn của thị trường mà trước đó họ không thể tiếp cận".

Hiện nay, các doanh nghiệp 'gạch vữa' cũng tìm cách để tiếp cận thị trường này. Suntec City, một trung tâm mua sắm ở trung tâm Singapore, đã tổ chức livestream lễ hội mua sắm vào tháng 6 vừa qua trên ứng dụng riêng của họ. Thông qua buổi livestream này, hơn 40 thương hiệu cùng 16 cửa hàng tham gia được quảng bá cũng như thông báo về các chương trình ưu đãi sản phẩm.

Anthony Yip, Phó Chủ tịch điều hành APM Property Management của Suntec City, cho biết công ty đã được thúc đẩy động lực từ webcast và các nền tảng mua sắm kỹ thuật số tại Trung Quốc - đặc biệt là 'gã khổng lồ' trong thương mại điện tử Taobao. Năm 2019, nền tảng mua sắm trực tuyến này đã tạo ra khoảng 128 tỷ USD, cùng với 400 triệu người tiêu dùng và hơn 60.000 lượt xem livestream các chương trình mua sắm.

Ông Yip nói thêm "Điều này làm chúng tôi nhận ra rằng người tiêu dùng luôn muốn trải nghiệm nhiều hơn khi mua sắm trực tuyến".

"Các chương trình livestream mua sắm được tạo ra bởi các thương hiệu sẽ đem lại hiệu ứng cao hơn cho khán giả. Khi đó, người mua hàng có thể tương tác và lựa chọn sản phẩm ở bất cứ nơi nào mà không cần phải đi đến trung tâm thương mại", ông giải thích.

Không chỉ có Suntec City áp dụng hình thức này để thu hút người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến. Giám đốc thương mại Shopee, ông Zhou Junjie cho rằng thương mại điện tử cần được phát triển hơn nữa chứ không chỉ là những công cụ 'vuốt, bấm nút, thanh toán'. Nền tảng mua sắm trên Shopee đang dần trở thành mạng xã hội để mọi người có thể tương tác và kết nối với nhau".

Tương tự như các buổi livestream, người dùng ứng dụng Shopee cũng có thể xem các buổi hòa nhạc K-pop. Hiện nay, Shopee đang hợp tác cùng với công ty giải trí và truyền thông Hàn Quốc CJ ENM. KCON. Điều này cho phép người dùng ứng dụng có thể xem các buổi biểu diễn miễn phí từ hơn 30 nhóm nhạc Kpop, cũng như các cuộc phỏng vấn độc quyền với các ngôi sao yêu thích của họ.

Thêm vào đó, những sự kiện này đều miễn phí và kéo dài trong 7 ngày, thu hút hàng triệu lượt xem. Nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ, thậm chí là các cá nhân cũng đang dần áp dụng các nền tảng trực tuyến vào kinh doanh.

Chloe Ng, 34 tuổi, Singapore, đã bắt đầu bán các sản phẩm làm đẹp trên Instagram trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Cô chia sẻ: "Tôi đã dần nhận ra tầm ảnh hưởng lớn của các nền tảng trực tuyến, điển hình như Instagram. Lợi ích của việc này đó là bạn có thể quản lý thời gian của riêng mình, đặc biệt là chi phí hàng tồn kho cũng như vốn rất thấp".

Q.L

SCMP

Tin mới