(Tổ Quốc) - Không chỉ các ngân hàng nhỏ đua nhau tăng lãi suất huy động thời gian qua mà các ngân hàng tư nhân lớn cũng nhập cuộc mạnh mẽ.
Techcombank tuần vừa qua đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân, từ ngày 23/5/2022.
Đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất của Techcombank là 6,2%/năm, kỳ hạn 36 , dành cho khách hàng VIP 1, tăng 0,3 %/năm so với trước đó. Với gửi online, lãi suất cao nhất là 6,5%/năm.
Nhà băng này cũng cộng thêm lãi suất khoảng 0,3-0,45 điểm % ở nhiều kỳ hạn khác. Đây là một trong những lần điều chỉnh lãi suất mạnh nhất của Techcombank trong hơn nửa năm trở lại đây. Trong các lần trước, Techcombank thường chỉ tăng/giảm nhẹ lãi suất, khoảng 0,1-0,2 điểm %.
Với khách hàng thường, khi gửi kỳ hạn 36 tháng tại quầy, số tiền dưới 1 tỷ tại Techcombank sẽ có lãi suất 5,85%/năm, trên 1 tỷ có lãi suất 5,95%/năm, tăng 0,45%/năm so với trước. Còn đối với gửi theo hình thức online, lãi suất kỳ hạn 36 tháng sẽ là 6,3%/năm.
Còn nhớ cùng kỳ năm ngoái, lãi suất của Techcombank thuộc nhóm thấp nhất hệ thống, cao nhất chỉ 5,6%/năm. Sau 1 năm, lãi suất tại nhà băng này đã tăng thêm khoảng 0,3-0,7%/năm (tuỳ vào từng kỳ hạn).
Thêm một ngân hàng lớn khác liên tục điều chỉnh lãi suất từ đầu năm đến nay là VPBank. Nhà băng này có biểu lãi suất huy động mới hiệu lực từ ngày 17/5/2022 và tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn trên kênh tiền gửi online.
Cụ thể, tại kỳ hạn 36 tháng, khi gửi số tiền dưới 300 triệu, lãi suất huy động của VPBank hiện là 6,4%/năm, tăng 0,3 điểm phần trăm so với trước. Tương tự, cũng với khoản tiền đó, khi gửi kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tăng từ 6% lên 6,3%/năm; kỳ hạn 13 tháng tăng từ 5,9%/năm lên 6,2%/năm. Trong khi đó, VPBank giữ nguyên các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống.
Hiện lãi suất cao nhất ở VPBank là 6,9%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi từ 50 tỷ trở lên, kỳ hạn 36 tháng theo hình thức trực tuyến. Trong khi đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất là 6,7%/năm.
VPBank đang là ngân hàng thuộc top đầu về lãi suất huy động trong nhóm các ngân hàng lớn. Nhà băng này cũng có tăng trưởng tiền gửi khách hàng cao nhất trong quý 1/2022 (tăng 13,4%).
Các ngân hàng Big 4 vẫn đang giữ nguyên lãi suất gửi tại quầy. Trong đó, Vietcombank, Agribank và BIDV cao nhất là 5,5%/năm, VietinBank là 5,6%/năm.
Đáng chú ý, tại Vietcombank mới đây đã cập nhật thêm lãi suất tiền gửi trực tuyến trên website của mình, cao hơn so với gửi tại quầy 0,1 điểm % ở một số kỳ hạn. Cụ thể, tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất gửi online của Vietcombank là 5,6%/năm trong khi gửi tại quầy là 5,5%/năm. Tương tự, ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất gửi online là 5,4%/năm, cao hơn ở quầy 0,1%/năm.
Ngoại trừ nhóm Big 4, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng lên đáng kể thời gian trở lại đây. So với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất đã tăng khoảng 0,5-1%/năm, mức lãi suất trên 7%/năm đã không còn hiếm mà xuất hiện ở SCB, NamABank, VietCapitalBank, VietABank, VietBank,…
Động thái tăng lãi suất đã giúp tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng khả quan ngay trong những tháng đầu năm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố, sdư tiền gửi của khách hàng cuối tháng 3/2022 đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 390.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 3,6%.
Trong đó, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,47 triệu tỷ đồng, tăng gần 174.000 tỷ trong 3 tháng đầu năm, tương đương tăng 3,28%. Mức tăng này lớn hơn cả tăng trưởng đạt được trong năm 2021 (chỉ hơn 158.000 tỷ đồng). Ngoài ra, đáng chú ý, tiền gửi dân cư tăng trưởng dương cả trong 3 tháng đầu năm trong khi cùng kỳ các năm trước sẽ sụt giảm 1-2 tháng do yếu tố mùa vụ Tết Nguyên Đán.
Tiền gửi của doanh nghiệp cũng tăng ấn tượng, sau khi sụt giảm trong tháng 1 vì yếu tố mùa vụ thì đã tăng mạnh trở lại trong tháng 2 và tháng 3. Riêng trong tháng 3, doanh nghiệp đã gửi ròng vào ngân hàng thêm gần 230.000 tỷ đồng. Theo đó, cuối quý 1, tiền gửi của nhóm khách hàng này đạt hơn 5,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm.
Thanh Anh