Đã qua thời lợi nhuận trăm tỷ, nhiều ngân hàng giờ đếm lãi nghìn tỷ theo tháng

(Tổ Quốc) - Kết thúc quý I, có 8 ngân hàng đạt được mức lợi nhuận trên 3.000 tỷ. Trong đó, nhiều nhà băng lãi bình quân 2.000 - 3.000 tỷ/tháng như VPBank, Vietcombank, Techcombank.

VPBank mới đây đã khiến thị trường dậy sóng khi báo lãi hợp nhất trước thuế 11.146 tỷ đồng trong quý I, gấp 2,8 lần cùng kỳ 2021. Đây mức lãi kỷ lục mà một ngân hàng đạt được trong 3 tháng đầu năm. Với con số này, bình quân mỗi tháng trong quý I, VPBank kiếm được hơn 3.700 tỷ đồng.

Năm nay, VPBank lên kế hoạch lợi nhuận ở mức 29.700 tỷ. Như vậy, dự kiến trong 3 quý tiếp theo, ngân hàng có thể lãi tối thiểu hơn 18.500 tỷ, tương đương trên 2.000 tỷ/tháng.

Dù không có khoản thu nhập bất thường từ bancassurance như VPBank nhưng Vietcombank vẫn duy trì được đà tăng trưởng khi báo lãi 9.950 tỷ, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Con số này cũng đưa Vietcombank trở thành ngân hàng thứ hai trong hệ thống lãi hơn 3.000 tỷ/tháng.

Trong năm 2022, ban lãnh đạo ngân hàng dự kiến lợi nhuận đạt tối thiểu 30.700 tỷ, tương ứng trên 2.500 tỷ/tháng. Với những gì đạt được trong quý I, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng khẳng định với cổ đông sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm, duy trì mục tiêu tổ chức tín dụng có hiệu quả và chất lượng tốt nhất như những năm qua.

Kết thúc 3 tháng đầu năm, Techcombank ghi nhận khoản lãi gần 6.800 tỷ, tăng 23% so với cùng kỳ. Tuy không đạt được mức lãi cao như VPBank và Vietcombank, song đây là quý thứ 11 liên tiếp ngân hàng có lợi nhuận bình quân hàng tháng trên 1.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở kế hoạch lợi nhuận cả năm là 27.000 tỷ, từ nay đến cuối năm, Techcombank dự kiến lãi tối thiểu hơn 2.200 tỷ/tháng.

Trong quý I, MB ghi nhận khoản lãi kỷ lục hơn 5.900 tỷ, tăng 76% so với cùng kỳ 2021. Năm 2022, MB đặt mục tiêu lãi trước thuế 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với mức thực hiện năm trước.

CEO MB cho cho biết cơ hội tăng trưởng của ngân hàng trong năm 2022 là lớn nhờ tiến trình chuyển đổi số và các mô hình kinh doanh trọng yếu bắt đầu phát huy kết quả. Bên cạnh đó, ông Thái cũng kỳ vọng năm nay việc nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD sẽ ra không gian tăng trưởng cho ngân hàng.

Trong 5 năm tới, ngân hàng đặt ra mục tiêu tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế của MB sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2026. Cụ thể, MB phấn đấu đạt doanh thu 120.000 tỷ đồng (tương đương tăng 24%/năm) và lợi nhuận 45.000 tỷ đồng (tương đương tăng 21%/năm) vào năm 2026.

VietinBank và BIDV cũng là hai ngân hàng kiếm được hàng nghìn tỷ mỗi tháng. Tuy nhiên, lợi nhuận của hai đơn vị này chỉ bằng một nửa so với VPBank và Vietcombank. Hai cái tên còn lại lọt vào danh sách lãi nghìn tỷ mỗi tháng là ACB (4.114 tỷ đồng) và SHB (3.226 tỷ đồng).

Ngoài những ngân hàng kể trên, ban lãnh đạo VIB cũng kỳ vọng thời gian tới có thể lãi ít nhất mỗi tháng 1.000 tỷ đồng. Trước đó, quý IV/2021 là quý đầu tiên VIB ghi nhận lợi nhuận 1 tháng trên 1.000 tỷ, tương đương hơn 3.000 tỷ/quý.

Trong kế hoạch kinh doanh 2022, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.500 tỉ đồng, tăng 31,1% so với 2021. Kết thúc quý I, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.300 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và thực hiện được gần 22% kế hoạch đề ra.

Yếu tố nào giúp các ngân hàng lãi lớn?

Theo thống kê từ báo tài chính quý I, tổng lợi nhuận trước của 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đạt 68.174 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ 2021. Một trong những nhân tố chính giúp các ngân hàng lãi lớn trong quý I đến từ thu nhập lãi thuần khi tín dụng bật tăng trở lại.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng hết quý I/2022 đạt 5,04%, gấp 4 lần cùng kỳ 2021 (tăng 1,26%). Trong đó, một số nhà băng có tốc độ tăng trưởng chạm trần tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp lần đầu.

Chia sẻ với giới phân tích mới đây, ban lãnh đạo MB tỏ ra rất lạc quan về tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận trong năm 2022. Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái cho biết MB được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% nhưng đến nay đã tăng trưởng 10%, tương đối nhanh so với hạn mức được cấp. Năm 2022, MB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến. Trước đó, tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt 25% trong năm 2021.

Tương tự, Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, trong quý I/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 7% và đến ngày 29/4 đạt 8,8%. Với kết quả đạt được, lãnh đạo Vietcombank tin tưởng vững chắc sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022 đã đề ra.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của NHNN được thực hiện vào tháng 12/2021, các tổ chức tín dụng ước tính, tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 5,3% trong quý I và dự báo tăng 14,1% cả năm 2022. Mức tăng trưởng này tương đối sát với kế hoạch điều hành của Ngân hàng Nhà nước đưa ra hồi đầu năm.

Bên cạnh thu nhập lãi thuần, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận những khoản thu đột biến trong quý I đến từ phí bảo hiểm trả trước và thu hồi nợ xấu như VPBank, ACB, Vietinbank và Sacombank..

Với dự báo tăng trưởng tín dụng tích cực, giới phân tích nhận định lợi nhuận các ngân hàng sẽ diễn biến tốt trong năm 2022.

SSI Research ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình của các ngân hàng năm nay sẽ đạt 21%, cao hơn mức tăng trưởng 13% của 96 công ty trong phạm vi nghiên cứu. Ước tính này chưa bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí bancassurance hoặc thoái vốn công ty con của VietinBank, HDBank, Techcombank, MB...

Trong khi đó, Chứng khoán BIDV kỳ vọng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ tốt hơn so với dự báo trước đó, cụ thể lên mức 36,4% (so với mức 22,2% trước đó) nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp trong năm 2021.

Tại báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng Việt Nam mới phát hành, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) nhận định hiệu quả kinh doanh sẽ cải thiện khi tác động từ đại dịch Covid- 19 suy giảm.

Theo Moody's, lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam đã diễn biến tích cực trong năm 2021 bất chấp ảnh hưởng từ sự bùng phát của dịch bệnh. Tổ chức này dự báo, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) của các ngân hàng được xếp hạng sẽ tiếp tục tăng trong 2022 khi áp lực dự phòng rủi ro giảm dần.

Quang Hưng

Tin Cùng Chuyên Mục
 Ngân hàng không nghỉ Tết

Ngân hàng không nghỉ Tết

Nhờ ứng dụng số hóa, nhiều ngân hàng đã hoạt động xuyên Lễ, Tết, không để gián đoạn dịch vụ. Trong đó, Ngân hàng số và các điểm giao dịch số đóng vai trò quan trọng trong việc mang đến các dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại cho khách hàng.
Tin mới