(Tổ Quốc) - Trả lời phỏng vấn của phóng viên Trí Thức Trẻ về việc liệu Việt Nam có tiềm năng để trở thành quốc gia xuất khẩu khẩu trang hàng đầu thế giới, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink nói: "Tôi nghĩ rằng tiềm năng của Việt Nam là không giới hạn".
Chiều ngày 05 tháng 06, tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ở Hà Nội, nhiều doanh nghiệp và tổ chức từ thiện đã trao 1.400.000 vật phẩm y tế cho chính phủ Mỹ để ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó có gần 1.300.000 khẩu trang và 100.000 đôi tất chống trượt.
Tổ chức Operation USA là đơn vị tiếp nhận lô hàng này tại Mỹ, sau đó phân phát đến những cộng đồng có nhu cầu sử dụng các vật phẩm y tế này nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trong đại dịch. Tổ chức này chuyển hàng đến Los Angeles, trước tiên là cộng đồng cần sự giúp đỡ ở California, sau đó chuyển đến các nơi lân cận.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink thể hiện sự cảm kích trước sự hỗ trợ kịp thời của các doanh nghiệp, tổ chức, bệnh viện ở Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ… dành cho chính phủ và người dân Mỹ trong đại dịch này. Ngài Đại sứ cho rằng Việt Nam đã chiến đấu một cách "phi thường" để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong khi là một trong những nước đầu tiên bị lây nhiễm và có đường biên giới dài với Trung Quốc.
"Hiện nay Mỹ đang trải qua mối đe doạ rất lớn vì Covid-19, chúng tôi sẽ vượt qua thời kỳ thách thức này. Trong thời gian qua tôi nhận được rất nhiều lời đề nghị giúp đỡ của các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam để gửi tặng vật phẩm y tế đến các bác sĩ và người dân Mỹ. Tôi vô cùng cảm động về điều này", Đại sứ cho biết.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Trí Thức Trẻ về việc liệu Việt Nam có tiềm năng để trở thành quốc gia xuất khẩu khẩu trang hàng đầu thế giới, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink cho rằng: "Tôi nghĩ rằng tiềm năng của Việt Nam là không giới hạn, thực tế là Việt Nam đang làm rất tốt trong phản ứng COVID-19 cũng như việc cung cấp khẩu trang và thiết bị bảo hộ cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Trước những câu hỏi về lý do hoạt động phi lợi nhuận lần này, đại diện một doanh nghiệp là ông Phạm Quang Anh, giám đốc công ty may mặc Dony cho biết, việc chuyển đổi từ may mặc thông thường sang sản xuất khẩu trang khiến doanh nghiệp thay đổi tình hình, doanh thu của công ty và thu nhập của công nhân đều tăng.
Chính vì thế ông quyết định dành 5% doanh thu cho các hoạt động trao tặng, ủng hộ mùa dịch. "Sau những đơn hàng lớn xuất khẩu khẩu trang sang Mỹ, thấy rằng sản phẩm của mình phù hợp nên tôi đã liên hệ để trao tặng 100.000 khẩu trang vải kháng khuẩn kháng giọt bắn, tổng giá trị hơn 10,5 tỷ đồng cho chính phủ Mỹ."
Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là ổ dịch nghiêm trọng nhất thế giới với số ca dương tính mới trong 24 giờ qua cao nhất, song số ca tử vong đang có đà giảm trong mấy ngày qua.
Tính tới sáng 5/6 theo giờ Việt Nam, Mỹ ghi nhận thêm 1.029 ca tử vong và 22.105 ca dương tính mới, qua đó nâng tổng số người thiệt mạng và mắc COVID-19 tại đây lên lần lượt 110.171 ca và 1.923.049 ca.
Từ ngày 15/4, bang New York đã bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở nơi cộng cộng. Sau đó, 3 hãng hàng không lớn của Mỹ là American Airlines, Delta Airlines và United Airlines và các hãng khác có chính sách buộc hành khách phải đeo khẩu trang khi lên tàu bay. Tiếp viên phải cung cấp khẩu trang cho khách chưa có và có thể từ chối không cho lên máy bay đối với bất cứ người nào không đeo khẩu trang.
H.A