(Tổ Quốc) - Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê TP.HCM, tính chung 11 tháng, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần của khu vực FDI vào TP.HCM đạt 3,5 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê TP.HCM, lũy kế từ đầu năm đến 11/2022, toàn thành phố có 807 dự án FDI cấp mới với số vốn đăng ký đạt 477 triệu USD; có 2.219 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp đạt 1,5 tỷ USD; 164 dự án xin điều chỉnh vốn, phần vốn điều chỉnh tăng thêm 1,5 tỷ USD. Tính chung 11 tháng, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần của khu vực FDI đạt 3,5 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, trong 11 tháng đầu năm 2022, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành nghề được đầu tư nhiều nhất ở TP.HCM, với tổng vốn đầu tư bao gồm cả vốn đăng ký điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần đạt khoảng 993,7 triệu USD. Trong đó, thành phố đã cấp mới cho 14 dự án, với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 26,1 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 18 dự án, với lượng vốn đăng ký điều chỉnh đạt 915 triệu USD; chấp thuận cho 66 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, với phần vốn góp đạt 52,7 triệu USD.
Sau công nghiệp chế biến, chế tạo, các hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là ĩnh vực được đầu tư nhiều thứ hai ở TP.HCM, với tổng vốn đầu tư đạt 827,6 triệu USD.
Sau công nghiệp chế biến, chế tạo, các hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là ĩnh vực được đầu tư nhiều thứ hai ở TP.HCM, với tổng vốn đầu tư đạt 827,6 triệu USD. Tiếp theo là lĩnh vực thông tin và truyền thông; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; hoạt động kinh doanh bất động sản. Theo đó, tổng vốn đầu tư bao gồm cả vốn đăng ký điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần vào những lĩnh vực này lần lượt là 486 triệu USD, 457 triệu USD và 239 triệu USD.
Nếu phân theo quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào TP.HCM, Singapore đã đầu tư nhiều nhất cho thành phố trong 11 tháng năm 2022, với tổng vốn đầu tư đạt 1,9 tỷ USD. Trong đó, 148 dự án cấp mới, với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 159,1 triệu USD; 37 dự án điều chỉnh vốn, với lượng vốn đăng ký điều chỉnh đạt 1,1 tỷ USD; 258 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, với phần vốn góp đạt 593 triệu USD.
Sau Singapore, quốc gia đầu tư vào TP.HCM cao thứ hai trong 11 tháng đầu năm là Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư đạt 424 triệu USD. Trong đó, 112 dự án cấp mới, với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 54,9 triệu USD; 31 dự án điều chỉnh vốn, với lượng vốn đăng ký điều chỉnh đạt 86,5 triệu USD; 848 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, với phần vốn góp đạt 283 triệu USD.
Bên cạnh đó, tính từ đầu năm đến tháng 11/2022, TP.HCM còn nhận được dòng vốn đầu tư từ British Virgin Islands, Nhật Bản và Malaysia, với tổng vốn đầu tư lần lượt là 240 triệu USD, 180 triệu USD và 161 triệu USD.
Trọng Trần