(Tổ Quốc) - Trong 5 tháng đầu năm, Bình Dương là địa phương duy nhất ghi nhận lượng vốn FDI đăng ký cấp mới đạt trên 1 tỷ USD. Thậm chí, lượng vốn đăng ký cấp mới vào Bình Dương cao gấp 3,6 lần địa phương xếp thứ hai là Hải Phòng.
Báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho ra rằng, tính đến ngày 20/5/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 11,71 tỷ USD.
Trong đó, nếu xét về số lượng các dự án, TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu với 233 dự án được cấp phép trong giai đoạn 1/1 đến 20/5/2022. Theo sau là Hà Nội với 118 dự án, vốn đăng ký 91,7 triệu USD. Các tỉnh thành khác trong top 10 lần lượt là Bắc Ninh với 38 dự án, Hải Phòng 30 dự án, Bình Dương 26 dự án...
Tuy nhiên, nếu xét theo lượng vốn FDI, Bình Dương so với quý 1/2022 vẫn đứng đầu cả nước về vốn FDI được cấp phép mới, với vốn đăng ký khoảng 1,7 tỷ USD. Xếp thứ 2 là Hải Phòng với tổng vốn đăng ký khoảng 494,4 triệu USD của 30 dự án. Theo sau lần lượt là các tỉnh Long An, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh…
Có thể thấy, trong 5 tháng đầu năm, Bình Dương là địa phương duy nhất ghi nhận lượng vốn FDI đăng ký cấp mới đạt trên 1 tỷ USD. Thậm chí, lượng vốn đăng ký cấp mới vào Bình Dương cao gấp 3,6 lần địa phương xếp thứ hai là Hải Phòng.
Vậy dự án nào đã đưa Bình Dương vượt xa các địa phương khác trong cuộc đua thu hút vốn FDI?
Theo đó, dự án có vốn đầu tư lớn nhất là dự án Lego của Đan Mạch, với tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, chiếm 54,7% tổng vốn đầu tư vào Bình Dương. Bên cạnh đó, vào giữa tháng 5, Tập đoàn Pandora, thương hiệu trang sức Đan Mạch đã ký thỏa thuận xây dựng cơ sở chế tác trang sức mới tại KCN VSIP 3 với tổng vốn đầu tư trên 100 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất đầu tiên tại Việt Nam, đáp ứng 60 triệu sản phẩm trang sức mỗi năm và tạo ra việc làm cho hơn 6.000 người.
Dự kiến, dự án sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm 2023 và bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2024. Đây là cơ sở thứ 3 của Pandora trên thế giới, đồng thời là cơ sở sản xuất đầu tiên được xây dựng ngoài Thái Lan.
Ngoài hai tập đoàn trên, Bình Dương cũng thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, chất lượng cao như: Dự án dịch vụ hỗ trợ hợp tác phát triển TP thông minh Bình Dương (500 triệu USD); Dự án kinh doanh bất động sản của Công ty TNHH Gamuda Land Bình Dương (54,8 triệu USD). Đáng chú ý là dự án KCN VSIP III với vốn đầu tư 285 triệu USD (nơi đặt nhà máy của 2 tập đoàn đến từ Đan Mạch).
Tại các buổi tiếp và làm việc với các nhà đầu tư đến từ Đan Mạch, bàn về các giải pháp thu hút hiệu quả những dự án hợp tác đầu tư để đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND Bình Dương, khẳng định địa phương vẫn tiếp tục thực hiện phương châm luôn nỗ lực sát cánh, đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài làm ăn hiệu quả, lâu dài.
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 (PCI 2021) mới được công bố, trong năm 2021, Bình Dương là địa phương có kết quả tốt nhất trong Chỉ số Cơ sở hạ tầng PCI 2021. Cụ thể, Bình Dương là địa phương dẫn đầu trong Top các địa phương có Chỉ số Cơ sở hạ tầng PCI 2021 cao nhất cả nước với mức đánh giá cao về hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng đường bộ.
Hiện Bình Dương đang tiếp tục xây dựng hình ảnh địa điểm đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh luôn lắng nghe và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư Đan Mạch để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Giang Anh