(Tổ Quốc) - USD giảm phiên thứ 2 liên tiếp, lùi khỏi mức cao nhất 19 tháng đạt được vào cuối tuần trước, do dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự kiến và sau khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm bớt khả năng tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm nay, khiến nhà đầu tư lại hướng tới các tài sản rủi ro.
Dollar index – so sánh đồng bạc xanh với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ - giảm 0,3% trong phiên vừa qua, xuống 96,423, lùi xa hơn nữa khỏi mức cao nhất 19 tháng đạt được vào tuần trước.
Tỷ lệ đặt cược vào việc Fed tăng lãi suất nhanh và mạnh (với khoảng 5 lần tăng trong năm nay, bắt đầu từ tháng 3) đã giảm xuống. Theo dữ liệu của Refinitiv, tỷ lệ dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản đã giảm từ 32% hồi cuối tuần trước xuống 16% trong ngày 1/2.
Dữ liệu sản xuất của Mỹ công bố ngày 1/2 thấp hơn kỳ vọng cũng góp phần gây thêm áp lực giảm cho đồng USD.
Chỉ số đo lường hoạt động sản xuất của Mỹ (PMI sản xuất) tháng 1 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 14 tháng, xuống 57,6, từ mức 58,8 của tháng 12/2021 trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19. Chi tiêu xây dựng của nước này cũng thấp hơn dự báo khi giảm 0,2% trong tháng 1.
Sau khi giảm gần 5% trong tháng 1/2022, thị trường chứng khoán thế giới bước sang tháng Hai ổn định hơn một chút và thị trường tiền tệ cũng thay đổi hướng đi. Đồng USD quay đầu giảm khỏi mức cao kỷ lục 1,5 năm, trong khi các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro như đô la Australia và bảng Anh tăng giá trở lại.
Các quan chức Fed hôm thứ Hai tiếp tục điệp khúc rằng sẽ tăng lãi suất vào tháng 3, nhưng với lời lẽ thận trọng hơn và đề cập đến những gì có thể xảy ra sau động thái đó, đồng thời biểu lộ mong muốn duy trì các kịch bản lãi suất khác nhau do không chắc chắn về triển vọng lạm phát.
Chủ tịch Fed Philadelphia, Patrick Harker, hôm thứ Hai (31/1) cũng thận trọng không kém khi bác bỏ khả năng tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 3 tới, và nói rằng cần phải có đủ yếu tố thuyết phục mới có thể làm điều đó.
Louis Navellier, giám đốc đầu tư của công ty Navellier and Associates cho biết những nhận xét mới nhất của các quan chức Fed đã khơi dậy "niềm tin rằng Fed còn nhiều băn khoăn", đề cập đến xu hướng của Fed trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc đẩy lùi thời hạn tăng lãi suất.
Trong khi Fed tìm cách điều chỉnh các dự báo về việc tăng lãi suất nhanh và mạnh, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới hoặc đã tăng lãi suất tham chiếu của mình, hoặc đưa ra kế hoạch thắt chặt tiền tệ cho riêng mình.
Jonas Goltermann, nhà kinh tế thị trường cấp cao thuộc Capital Economics, cho biết: "Do chênh lệch lợi suất đã chuyển sang hướng sang có lợi cho Mỹ, việc đồng bạc xanh không thể tiến xa hơn là điều hơi khó hiểu", "Nhưng yếu tố quan trọng có lẽ là sự thay đổi lập trường gần đây nhất của Fed phù hợp với mong muốn của các đa số ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển".
Các ngân hàng trung ương Na Uy, New Zealand và Anh đã thắt chặt chính sách lãi suất và báo hiệu sắp tiếp tục các đợt thắt chặt tiếp theo. Các nhà đầu tư chuyển hướng chú ý từ Fed sang các ngân hàng trung ương khác.
Đồng euro phiên 1/2 tăng 0,1% lên 1,1244 USD
Một số người tham gia thị trường tin rằng đồng euro trên thực tế có thể hấp dẫn hơn suy nghĩ trước đây khi đề cập đến quỹ đạo tăng lãi suất và sự khác biệt giữa Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Fed có thể thu hẹp dần lại, mặc dù ECB vẫn duy trì lập trường chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo và đẩy lùi bất kỳ kỳ vọng tăng lãi suất nào trong năm nay.
Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát của Đức công bố hôm 1/2 cao hơn nhiều so với dự đoán, theo đó giá tiêu dùng tháng 1/2022 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, ủng hộ quan điểm không loại trừ khả năng ECB sẽ thay đổi lập trường chính sách theo hướng ‘diều hâu’ hơn trước.
So với các tiền tệ khác, USD giảm 0,6% so với yen Nhật; đô la Australia giảm lúc đầu phiên sau khi Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) bác bỏ khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới. Tuy nhiên, AUD kết thúc phiên tăng 0,6% lên 0,7114 AUD.
Bảng Anh cũng tăng 0,5% lên 1,3517 USD. Thị trường tiền tệ kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tăng lãi suất lần thứ hai trong vòng chưa đầy hai tháng vào thứ Năm (3/2).
Đô la Canada cũng tăng giá khi USD yếu đi, lúc kết thúc phiên tăng 0,2% lên 1,2685 CAD, sau khi đã tăng ở phiên liền trước. Dự báo Ngân hàng Trung ương Canada sẽ tăng lãi suất trong tháng 3 tới và tăng tổng cộng sáu lần trong năm nay.
Giá dầu, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Canada, duy trì ở gần mức cao nhất trong 7 năm cũng hỗ trợ CAD tăng giá. Bên cạnh đó, nền kinh tế Canada đã tăng 0,6% trong tháng 11 so với tháng liền trước, gấp đôi mức dự đoán là tăng 0,3%, trong khi ước tính sơ bộ cho thấy GDP quý 4 tăng với 6,3% so với cùng quý năm trước.
Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số chứng khoán trên Phố Wall đều tăng điểm trong phiên vừa qua, trong đó cổ phiếu dầu mỏ cao kỷ lục. Cụ thể, Dow Jones tăng 0,78%, S&P tăng 0,69% và Nasdaq tăng 0,75%
Cập nhật tỷ giá các đồng tiền lớn trên thế giới.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, Bitcoin tiếp tục đà tăng, trong 24 giờ qua dao động quanh mức 38.105 đến 39.181 USD khi thị trường gia tăng nhu cầu đối với các tài sản rủi ro. Sáng 2/2, Bitcoin ở mức khoảng 38.500 USD.
Trong lịch sử, tháng Hai thường là giai đoạn đồng Bitcoin hưởng lợi từ nhu cầu theo mùa đối với các tài sản đầu cơ, và có vẻ như năm nay không khác với mọi năm khi các nhà đầu tư dường như đã sẵn sàng xuống tiền cho các tài sản như vậy.
Giá vàng cũng tiếp tục tăng do USD yếu đi và căng thẳng liên quan đến Ukraine tiếp diễn thúc đẩy một số nhà đầu tư tìm tới vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Kết thúc phiên 1/2, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.800,36 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 4/2021 tăng 0,3% lên 1.801,50 USD/ounce.
Lượng vàng nắm giữ của Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust GLD, đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 8.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Vũ Ngọc Diệp