(Tổ Quốc) - Những cơn sốt đất trong giai đoạn 2017 đến nay đa phần đều chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Kỷ lục trong cơn sốt đất, đó là một số lô đất được viết tới 17 hợp đồng đặt cọc và giá tăng tới 1 tỷ đồng/lô trong 1 tuần.
Khi nhắc về cơn sốt đất, rất nhiều nhà đầu tư dày kinh nghiệm thẳng thắn cho rằng: Đó chính là chiêu trò của đội cá mập, những người sở hữu vốn lớn, có khả năng tạo ra sự khan hiếm nguồn cung và làm tăng giá đất tới 50-100% chỉ trong thời gian ngắn.
Dưới đây là những chia sẻ về cách thức tạo sốt đất của nhà đầu tư Phương Ngô (Đà Nẵng) người có gần 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản.
"Thời gian vừa qua có những đợt sốt nhưng điểm chung của hiện tượng này chỉ kéo dài rất ngắn, khoảng 2-3 tuần hoặc 1 tháng. Vì sao sốt đất chỉ diễn ra trong ngắn hạn? Và vì sao, có những dự án hình thành cách đây cả chục năm nhưng bỗng dưng lại sốt lại? Những cá mập đã tạo ra chiêu trò sốt đất như thế nào?
Thực tế, giờ đây, đầu tư bất động sản không đi theo kiểu cá nhân mà đi theo nhóm. Để tạo ra sốt đất, phải có một nhóm những nhà đầu tư tiềm lực kinh tế (hay còn gọi là "cá mập) sẽ gom 100-200-300 tỷ. Họ âm thầm cho đi mua hàng trước, với 100 lô đất trong thời gian 2-3 tháng. Sau đó, họ bắt đầu kế hoạch cho môi giới và nhà đầu tư nhỏ lẻ ôm.
Đầu tiên, họ cho đội ngũ nhân viên lên tất cả các sàn môi giới, đặt mua 1-3 lô đất. Họ huy động khoảng 50 anh em môi giới, thậm chí để tạo sốt hơn nữa, huy động tới 200 người hỏi mua đất. Hãy hình dung, một khu vực nhỏ nhưng có tới 200 người đi mua và mỗi người lựa chọn 1-3 lô thì tổng số lô được khách có nhu cầu mua tới khoảng 200-300 lô đất.
Cuộc xuống tiền rầm rộ sẽ bắt đầu bằng hình thức cọc qua, cọc lại và đẩy giá lên. Nhóm "cá mập" sẽ cho 10 người đi mua, cọc 20 lô (nhưng chỉ cọc mà không mua) với mức giá 2 tỷ 2 đồng. Sau đó, nhóm "cá mập" tiếp tục chào ra 2 tỷ 5. Thị trường của thời điểm hiện tại không giống như thời điểm trước, không có đặc tính dùng dằng ở mức 2 tỷ 1 hay 2 tỷ 2 mà giá nào công bố trên thị trường thì giá đó được mặc nhiên là mức giá của thị trường. Sẽ có những nhà đầu tư khác chấp nhận 2 tỷ 5 vì thấy "sốt". Như vậy trong vòng 1 tuần, giá có thể lên 500 triệu đồng.
Chiêu thức này có thể tiếp tục tái diễn. Ví dụ như, nhóm cá mập mua vào 2 tỷ đồng nhưng bán ra 2,5 tỷ đồng. Nhóm này giả cọc thêm 200 triệu đồng. Có khách vì thấy sốt sẵn sàng mua mức giá 2,7 tỷ đồng thì "cá mập" lời đến 500 triệu đồng (lợi nhuận này đã trừ chi phí mất cọc).
Nếu chiêu thức cọc đi cọc lại, chào qua chào lại giá hàng thì giá đất sẽ tiếp tục đẩy lên. Một lô đất 2 tỷ có thể đẩy lên được 3 tỷ, thậm chí 3,5 tỷ đồng. Nếu tạo hiệu ứng tốt, nhà đầu tư có tăng lời lô đất lên tới 100%. Nếu mỗi lần ra hàng, những lô đất chỉ cần tăng 40% giá là đã rất thành công.
Nhóm đầu tư cá mập sẽ hưởng lợi từ 2 cái: một là lợi nhuận của hàng 100 lô đất và hai là tiền người ta bỏ cọc. Còn môi giới chỉ là "quân cờ" cho "cá mập".
Đó là lý do mà sốt đất chỉ diễn ra trong ngắn hạn, và giá có thể nhảy tới 500-1 tỷ đồng 1 lô. Và có những đợt sốt rất khủng khiếp. Khi sốt đất, một lô đất tôi từng chứng kiến có tới 17 hợp đồng đặt cọc. Trung bình trong cơn sốt đất, 100 lô đất ra hàng thì mỗi lô có tới ít nhất 5 hợp đồng đặt cọc.
Thông thường, những nhà đầu tư không hiểu thị trường sẽ rơi vào tình trạng mắc lưới. Các đợt sốt đất ngắn hạn đa phần là do các nhóm đầu tư, những nhóm tạo lập thị trường. Nếu nhà đầu tư nào chốt nhanh qua lại có thể lời được 1-2 lô nhưng nếu thoát hàng không kịp sẽ chôn vốn.
Chỉ cùng 1 chiêu thức, nhà đầu tư hỏi mua ồ ạt, khách cọc liên tục đã khiến thị trường đã tạo ra hiệu ứng domino cực kỳ lớn. Đó là lý do mà tại sao giá đất có thể tăng đột biến, lượng giao dịch cũng tăng đột biến.
Mấu chốt của sốt đất là chiêu thức ra hàng và tăng giá của đội cá mập. Ai là người mắc? Họ là những nhà đầu tư không chuyên hoặc có thể là môi giới vay nợ đầu tư rồi mắc.
Theo quan sát, trên thị trường, từ năm 2017 tới hiện tại, chiêu bài này được sử dụng đi, sử dụng lại. Vì lòng tham nên cá mập vẫn làm và người không có kinh nghiệm tiếp tục mắc".
Hải Nam (ghi)