(Tổ Quốc) - Trong năm 2022 OCB hướng tới mục tiêu lợi nhuận trên 7.100 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng xấp xỉ 30%.
Sáng nay ngày 23/4/2022, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Ban kiểm tra tư cách cổ đông cho biết, tại thời điểm 8h20, tổng số cổ đông tham dự trực tiếp và uỷ quyền là 147 cổ đông, tương đương hơn 1,1 tỷ cổ phần, chiếm hơn 81% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Năm 2021 tăng trưởng mạnh, ngân hàng số tiếp tục tạo đột phá
Theo báo cáo của Hội đồng quản trị do ông Trịnh Văn Tuấn - chủ tịch HĐQT trình bày tại đại hội, năm 2021, ngân hàng đã đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế tăng 25%, đạt 5.519 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra. Ngân hàng cũng đã tăng vốn thành công lên 13.699 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ mức 1,42% năm 2020 xuống còn 0,97% vào cuối năm 2021. CIR (hệ số chi phí theo thu nhập) được cải thiện từ mức 29,1% về còn 26,9%. Tỷ suất lợi nhuận bình quân trên tài sản (ROAA) và trên vốn chủ sở hữu (ROAE) của OCB thuộc top đầu ngành, lần lượt đạt 2,59% và 22%.
Nói sâu hơn về hoạt động huy động vốn, theo ông Trịnh Văn Tuấn, cơ cấu tiền gửi của OCB đã được đa dạng hoá, tập trung đẩy mạnh các nguồn vốn có chi phí thấp như tiền gửi không kỳ hạn (CASA) với số dư CASA tăng 49,4% so với năm 2020, nhờ đó đưa tỷ lệ CASA tăng lên mức 15,8% từ 12% của năm 2020. CASA tăng trưởng tốt ở cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhờ ngân hàng chủ động đưa ra nhiều sản phẩm mới sáng tạo, phù hợp với các phân khúc khách hàng mục tiêu của OCB như tài khoản số đẹp, số tự chọn, thẻ tín dụng trả góp, thẻ tín dụng cho y bác sĩ, các gói sản phẩm, nâng cấp app OMNI với nhiều tiện ích.
Về ngân hàng số, năm qua OCB tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ và chuyển đổi số với việc nâng cấp và mở rộng hệ thống OCB OMNI, cung cấp cho khách hàng loạt tiện ích và công nghệ hiện đại. Nhờ tiên phong chuyển đổi số, OCB đã kiểm soát chi phí hoạt động hiệu quả với chỉ số CIR ở mức 26,9% - nằm trong nhóm thấp nhất toàn ngành. Ngân hàng cũng thu hút được 600 nghìn khách hàng mới và ngân hàng số trở thành kênh thu hút chính khách hàng mới cho OCB, đóng góp 58% số lượng khách hàng mới hàng năm. Số lượng giao dịch qua kênh số năm qua cũng tăng gấp đôi so với 2020, chiếm 85% số lượng giao dịch toàn hàng trong năm.
Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn báo cáo tại đại hội
Năm 2022 sẽ tăng lợi nhuận xấp xỉ 30%, tăng tiếp vốn điều lệ qua chi trả cổ phiếu thưởng
Năm 2022, OCB dự kiến tổng tài sản tăng 25% lên 230.112 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 23% lên 155.003 tỷ, dư nợ cho vay tăng 25% lên 129.493 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 29%, đạt 7.110 tỷ; kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 1%.
Năm 2022 là năm thứ 2 của giai đoạn phát triển 5 năm 2021-2025 với định hướng đưa OCB trở thành ngân hàng trong Top NHTM CP tư nhân tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục tăng trưởng quy mô khách hàng, tập trung vào hoạt động bán lẻ và phân khúc ưu tiên của OCB, tiếp tục lộ trình chuyển đổi số toàn diện OCB, nâng cấp ứng dụng OCB OMNI, số hóa hành trình khách hàng, kết nối hệ sinh thái và số hóa quy trình nội bộ,… Đồng thời, OCB sẽ triển khai nâng cao hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực nâng cao của Basel II và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS 9.
OCB cũng triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm 4.186 tỷ đồng lên 17.885 tỷ đồng. Theo ngân hàng, với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng.
Cụ thể, OCB sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 4.127 tỷ đồng thông qua việc phát hành 412,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30% và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Với số tiền thu được từ việc tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng phần lớn để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay (hơn 3.200 tỷ), bên cạnh đó còn để đầu tư công nghệ, nâng cấp tài sản, trang bị tài sản cố định,…
Hỏi đáp cổ đông
Cổ đông hỏi:
Cơ sở nào OCB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%?
Vì sao ngân hàng đặt mục tiêu tăng cho vay bất động sản trong khi NHNN đang hạn chế?
Tình hình cho vay tại FLC, Đại Nam như thế nào?
Vì sao ngân hàng lại tăng mạnh đầu tư chứng khoán?
Dư nợ cho vay bất động sản của OCB hiện nay sao?
Tình hình kinh doanh quý 1 ra sao?
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng trả lời:
Về cho vay FLC: Đây là tập đoàn có nhiều dự án triển khai ấn tượng ở Quảng Ninh, Quy Nhơn, Bình Định, Thanh Hoá. Định hướng phát triển của OCB là đẩy mạnh phát triển mảng bán lẻ. Thời gian qua, ngoài FLC, OCB cũng cho vay các chủ đầu tư khác như Khang Điền, Nam Long, Sơn Kim Land (Sơn Kim không liên quan gì OCB).
OCB cho vay tập đoàn FLC chủ yếu tập trung vào 2 dự án ở Quảng Ninh. Khi cho vay OCB căn cứ vào từng dự án cụ thể, có đầy đủ pháp lý, giải phóng mặt bằng xong mới cho vay.
Việc quản lý rủi ro ở OCB rất chặt chẽ, các khoản vay này đều có tài sản đảm bảo bằng bất động sản là trên 2.000 tỷ, đất đai mà ngân hàng nhận là có sổ chứ không phải hình thành trong tương lai.
Ngoài dư nợ cho vay FLC, OCB cũng cho vay Bamboo Airways. Giống như Sacombank, hiện nay OCB cũng đang thương thảo thu nợ trước hạn dự kiến 1.500 tỷ.
Trước khi sự việc ông Trịnh Văn Quyết xảy ra, đây là khách hàng tốt, luôn đảm bảo trả nợ đúng hạn. Hiện tại, các bên cũng phối hợp với Ngân hàng xử lý việc này. Quan điểm của Ban lãnh đạo ngân hàng là với những dự án đang triển khai, có nguồn thu thì tạo điều kiện để họ bán và thu tiền về.
Hiện nay vụ việc này cũng được báo cáo chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước. Chúng tôi cho rằng, sự việc của ông Trịnh Văn Quyết là vấn đề cá nhân.
Sự kiện cho vay đối với Tập đoàn Đại Nam. Các khoản nợ của Đại Nam không đáng lo, tất cả đều có sổ đỏ. Tuy nhiên "30 năm làm ngành ngân hàng chưa bao giờ gặp trường hợp như chị Nguyễn Phương Hằng" - ông Tùng chia sẻ với cổ đông. Đại Nam ngày hôm qua đã trả cho OCB 450 tỷ đồng, dự kiến với nguồn thu của mình, Đại Nam sẽ thừa sức trả cho OCB và các ngân hàng.
Về triển vọng kinh doanh, bắt đầu năm 2022 có nhiều triển vọng lạc quan vào tình hình kinh tế, tuy nhiên gần đây có nhiều bất thường như lạm phát tăng nhanh ở phương tây, các nước phát triển, căng thẳng Ukraine-Nga ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong nước thì bất động sản nóng sốt... Tuy nhiên với sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN tình hình ngành ngân hàng sẽ đi đúng định hướng, kế hoạch.
Sự việc liên quan FLC và Đại Nam có ảnh hưởng tới kế hoạch tín dụng của ngân hàng thời gian tới, song OCB sẽ kiểm soát tín dụng bất động sản, mở rộng cho vay bán lẻ. Khả năng kiểm soát nợ xấu dưới 1% là khả thi.
Quý 1 tổng tài sản tăng 2%, dư nợ tăng 6%, lợi nhuận trước thuế 1.115 tỷ đồng (trước CIC). Tuy nhiên, do thay đổi về chính sách trích lập dự phòng rủi ro, Ngân hàng trích bổ sung dự phòng phân nhóm nợ theo CIC trong BCTC quý 1 nên lợi nhuận đạt 836 tỷ.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% trong cả năm là thách thức tuy nhiên OCB sẽ phấn đấu đạt được khi đáp ứng đầy đủ các quy định của NHNN để được cấp room tín dụng ưu tiên.
Về việc hạn chế cho vay bất động sản, chủ trương của Nhà nước là hạn chế về cho vay kinh doanh bất động sản, còn đáp ứng các nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn được khuyến khích, OCB cũng mở rộng theo hướng này.
Về đầu tư chứng khoán tăng như cổ đông phản ánh, đó là đầu tư trái phiếu Chính phủ chứ không phải cổ phiếu chứng khoán thông thường.
Cổ đông biểu quyết thông qua các tờ trình
Cổ đông biểu quyết thông qua các tờ trình
Tất cả các tờ trình đều được cổ đông thông qua với tỷ lệ tán thành đạt trên 99%.
Ánh Dương - H. Kim