(Tổ Quốc) - Ngày 6/9/2021, Bộ Công Thương đã chính ra thông báo về việc tổ chức đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021 với tổng lượng 108.000 tấn, thời gian thực hiện dự kiến vào ngày 29/9/2021. Đây được coi là động thái mới nhất của nhà nước nhằm hỗ trợ ngành mía đường giải quyết tình hình thiếu hụt đường nội địa trong ngắn hạn.
Đường Thế giới dự báo thiếu hụt khoảng 4,8 triệu tấn niên vụ 2020-2021
Ngay từ đầu quý II/2021, Theo dự báo của Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) đưa ra dự báo thâm hụt đường trên toàn cầu trong niên vụ 2020/21. Theo dự báo này, niên vụ 2020/21(tháng 10/2020 – tháng 9/2021) sản lượng đường thế giới ở mức 169 triệu tấn, thấp hơn mức 171,1 triệu tấn dự báo trước đây. Trong khi đó tiêu thụ toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức 174,6 triệu tấn, tăng 2,1% so với lượng tiêu thụ vụ trước. Điều này dẫn đến mức thâm hụt lên đến 4,8 triệu tấn, tăng gần 40% so với mức dự báo trước đó là 3,5 triệu tấn.
Một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm là tình hình COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Ấn Độ và Brazil, hai quốc gia sản xuất đường hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, Brazil phải hứng chịu thời tiết khô hạn nhất trong vòng 90 năm qua và sương giá trong thời gian gần đây đã làm trầm trọng thêm tổn thất đối với cây mía ở nước này, dẫn tới việc có thể kết thúc vụ sớm hơn nhiều so với thường lệ, khiến nguồn cung toàn cầu bị hạn chế khi nước này chiếm 40% sản lượng đường toàn thế giới.
Trong nửa đầu quý III/2021, tình trạng thiếu hụt đường đã phản ánh rõ nét đối với thị trường đường khi giá đường trắng và đường thô liên tiếp thiết lập đỉnh mới. Cụ thể, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE tăng 0,36 US cent tương đương 1,83% lên 20,04 US cent/lb, tăng 120% trong vòng 4 tháng. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn London cũng tăng 1,3 USD tương đương 0,3% lên 478,8 USD/tấn.
Nút thắt của ngành mía đường Việt Nam khi liên tục đối mặt với thâm hụt
Theo báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) trong tháng 5 ngành đường Việt Nam kết thúc vụ ép 2020-2021. Lũy kế tổng lượng mía ép hơn 6,7 triệu tấn mía sản xuất được 689.830 tấn đường, trong khi đó sản lượng tiêu thụ trong nước cho tiêu dùng và sản xuất ước tính là trên 2 triệu tấn/năm. Như vậy, đường mía mới chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu trong nước.
Trong trung và dài hạn, việc phục hồi vùng nguyên liệu vẫn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp, vì đây là giải pháp căn cơ và bền vững trong cạnh tranh quốc tế. Tuy vậy, đây không phải câu chuyện ngày một ngày hai khi thực tế niên vụ 20-21 giá mía tại ruộng ở nhiều khu vực xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn, tăng 100-200 ngàn đồng/tấn so với vụ 19-20, nhưng sản lượng đường cả nước vụ 20-21 vẫn giảm so với vụ 19-20 là 74.101 tấn.
Trong khi đó, Giai đoạn quý III, IV là thời điểm nhu cầu đường sản xuất tăng cho sản xuất bánh kẹo dịp Trung thu và chuẩn bị hàng hoá cho Tết nguyên đán. Trong khi vụ ép mía của các nhà máy thường bắt đầu từ tháng 12 đã gây ra tình trạng thiếu hụt "giáp hạt" - tồn kho giảm mà chưa vào vụ ép.
Nguồn cầu tăng kết hợp với những khó khăn về chuỗi cung ứng, chi phí phát sinh do dịch Covid-19 đã tạo "nút thắt cổ chai" đối với ngành mía đường phản ánh qua giá đường trong nước tăng mạnh trong giai đoạn qua khi cầu vượt quá cung. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến ngành Đường, thị trường và người tiêu dùng trong nước, cũng như tạo kẽ hở cho đường lậu hoành hành.
Tháo gỡ khó khăn trước mắt
Thực tế khốc liệt của giai đoạn hội nhập ATIGA trong niên vụ 2019-2020 khi 11/40 nhà máy đường phải đóng cửa dừng hoạt động đã cho thấy ngành đường trong nước vẫn còn non trẻ để có thể "thả nổi" trong sân chơi cạnh tranh quốc tế.
Với vai trò và công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, thuế PVTM là một chính sách xác đáng của Nhà nước giúp Ngành mía đường có thể phục hồi và cạnh tranh công bằng cùng bạn bè quốc tế trong trung hạn. Song song đó, đấu giá hạn ngạch thuế quan có thể xem là một công cụ hữu ích nhằm tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp trong ngắn hạn khi nguồn cung từ vùng nguyên liệu vẫn chưa phục hồi và đáp ứng cho hoạt động sản xuất.
Dự kiến sản lượng cả nước sẽ tăng từ 10-20% trong niên độ 2021-2022 nhưng nhiều nhà máy đường vẫn sẽ gặp khó khăn khi sản lượng mía mới chỉ đáp ứng hơn 50% công suất vận hành khiến chi phí sản xuất và giá thành tăng cao, trong khi lợi nhuận khó đáp ứng nhu cầu tái đầu tư vùng nguyên liệu. Việc thực hiện đấu giá hạn ngạch thuế quan kịp thời, không những giúp tăng ngân sách cho Nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mía đường trong nước bổ sung nguồn cung nguyên liệu mà còn góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Cho dù có đấu giá hạn ngạch thành công, lượng quota năm 2021 cũng như muối bỏ bể trong điều kiện thiếu trầm trọng nguồn cung và nhu cầu sản xuất chuẩn bị tăng mạnh khi nền kinh tế chuẩn bị chuyển qua trạng thái bình thường mới hậu dịch bệnh covid.
Hoạt động đấu giá hạn ngạch dù "lợi nhiều hơn hại" nhưng vẫn cần sự điều tiết sát sao của Nhà nước nhằm đảm bảo là chất xúc tác cho ngành mía đường phát triển, góp phần cân bằng lợi ích của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng mía đường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và nông dân cũng cần xây dựng lòng tin và cơ chế hợp tác để phát triển năng lực cạnh tranh cốt lõi trong thời gian sớm nhất để thực sự "tự lập" ngay trên sân nhà trong cuộc chơi toàn cầu hoá.
Ánh Dương