(Tổ Quốc) - Tỉnh có mức sống rẻ nhất Việt Nam đã nỗ lực phát triển từ một tỉnh nghèo thành tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển, cũng như có thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh trong những năm qua.
Theo Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian năm 2021 của Tổng cục Thống kê (TCTK), Trà Vinh là địa phương có chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2021 thấp nhất cả nước, bằng 87,61% so với Hà Nội. Giá bình quân các nhóm hàng của Trà Vinh so với Hà Nội trong khoảng từ 76,58% - 99,63%.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh, thành tựu rõ nét nhất của Trà Vinh trong nhiều năm qua là sự phấn đấu không điểm dừng của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.
Trà Vinh trước đây là một tỉnh nghèo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với kinh tế thuần nông, sản xuất công nghiệp nhỏ bé, thương mại và dịch vụ kém phát triển; điểm xuất phát về kinh tế - xã hội rất thấp và lạc hậu. Không chỉ vậy, tỉnh còn có kết cấu hạ tầng cả thành thị và nông thôn rất yếu kém; trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực thấp, nhưng đến nay tỉnh đã nỗ lực phát triển, đạt được một số thành tựu nhất định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh cho biết, Trà Vinh có tiềm năng phát triển kinh tế và có thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh trong những năm qua. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân tăng 11,22%/năm. GRDP bình quân đầu người tăng từ 35,28 triệu đồng/người năm 2015 lên 65 triệu đồng/người năm 2020, gấp 1,84 lần.
Cùng với đó, trong giai đoạn 2016 - 2019, Trà Vinh liên tục đạt mức tăng trưởng 2 con số và duy trì thứ hạng tăng trưởng đứng đầu khu vực ĐBSCL với mức tăng bình quân cả giai đoạn đạt 12,3%/năm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, ông Lê Văn Hẳn, năm 2021 với nhiều biến động và thử thách khó lường do dịch Covid-19, đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn và phát triển kinh tế Trà Vinh. Tuy nhiên, nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, mặc dù không đạt toàn diện như mục tiêu đề ra, nhưng kinh tế tỉnh Trà Vinh đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2021, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đạt gần 28.000 tỷ đồng, tăng 0,24% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp đến nay đã phát triển vượt bậc trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của tỉnh, chiếm trên 40% tổng sản phẩm GRDP.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, Trà Vinh đã tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống dịch Covid-19 và đạt được một số kết quả nổi bật. Điển hình như thu ngân sách ước đạt 1.070 tỷ đồng, lũy kế quý 1 thu 2.864 tỷ đồng, đạt 27,7% dự toán, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Chi ngân sách 450,54 tỷ đồng, lũy kế quý 1 chi 1.489,94 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng giải ngân vốn đầu tư công.
Để thu hút đầu tư phát triển kinh tế, tỉnh đã cấp mới Quyết định chủ trương đầu tư 3 dự án đầu tư ngoài Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) với tổng vốn đầu tư 5.761 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, thu hút đầu tư được 4 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 13.617,08 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Trà Vinh, Trà Vinh phấn đấu đến 2025 trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm năng lượng của vùng ĐBSCL, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 160.000 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh phấn đấu trong phát triển mạnh về kinh tế biển, cố gắng trở thành tỉnh khá đứng trong nhóm đầu của khu vực ĐBSCL trước năm 2030.
Xét về điều kiện tự nhiên, Trà Vinh vừa có sinh thái nước ngọt, nước lợ lẫn nước mặn, không chỉ nằm ven sông lớn mà còn là một tỉnh duyên hải, tựa lưng vào đồng bằng, nhìn ra biển Đông. Kết quả đầu tư phát triển qua nhiều năm kể từ khi tái lập tỉnh, đặc biệt là 10 năm gần đây, đã tạo cho Trà Vinh một vị thế mới. Hiện nay, Trà Vinh có lợi thế mạnh về kinh tế biển, hệ thống cảng biển, cảng sông, dịch vụ hậu cần logistics tiên tiến, ngành công nghiệp tiềm năng kết hợp với nông nghiệp, thủy sản.
Do đó, UBND tỉnh Trà Vinh nỗ lực phát triển để Trà Vinh có thể trở thành một trung tâm giao thương mới của miền Nam và cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh có thể trở thành là một trung tâm chế biến thủy hải sản, một nền nông nghiệp công nghệ cao có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất trong nước và quốc tế.
Văn Minh