(Tổ Quốc) - Nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam nằm tại một tỉnh thuộc Trung du và miền núi phía Bắc.
Cụ thể, Sơn La là địa phương có nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam. Hồ Thủy điện Sơn La và nhà máy Thủy điện Sơn La được xây dựng trên dòng chính sông Đà tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, cách thành phố Sơn La khoảng 40 km về phía tây bắc, cách thủ đô Hà Nội gần 300 km theo hướng tây bắc.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, vào ngày 21/4/2023, nhà máy Thủy điện Sơn La vừa cán mốc sản lượng 100 tỷ kWh phát lên lưới điện quốc gia, góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những năm qua, Thủy điện Sơn La đã giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phối hợp với các hồ thủy điện trên lưu vực sông Đà thực hiện điều tiết hồ chứa, đảm bảo chống lũ cho vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Đặc biệt, hệ số khả dụng của các tổ máy Thủy điện Sơn La đạt mức cao nhất trong các nhà máy thủy điện trực thuộc EVN.
Hiện nay, Thủy điện Sơn La đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong quản lý kỹ thuật vận hành, nhằm giảm tỷ lệ điện năng tự dùng trong sản xuất, đảm bảo tỷ lệ điện tự dùng giảm thấp hơn chỉ tiêu EVN giao. Thực hiện tốt kế hoạch bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị, công trình xây dựng, đảm bảo các tổ máy, hệ thống thiết bị, công trình an toàn, tin cậy.
Công tác sửa chữa lớn trung tu, đại tu các tổ máy đều thực hiện vượt tiến độ đề ra, rút ngắn thời gian dừng máy, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công tác quản trị thủy điện tiếp tục được tăng cường và mang lại hiệu quả.
Thủy điện Sơn La được xây dựng với mục đích cung cấp nguồn điện năng để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, nhà máy thủy điện Sơn La góp phần chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa kiệt cho đồng bằng Bắc Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Trên thực tế, Sơn La là tỉnh có tiềm năng phát triển thủy điện lớn nhất cả nước. Năm 2022, UBND tỉnh Sơn La ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Công ty Thủy điện Sơn La đối với tỉnh Sơn La nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung.
Những đóng góp của Thủy điện Sơn La đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Sơn La khi đóng góp đến 1/4 ngân sách hàng năm của tỉnh. Cụ thể, năm 2022, Thủy điện Sơn là nộp 964 tỷ đồng cho ngân sách của tỉnh Sơn La.
Xét về phát triển kinh tế của tỉnh Sơn La, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 8,71% so với năm 2021 (tăng 1,51 điểm phần trăm so với kịch bản tăng trưởng đã đề ra), GRDP bình quân đầu người ước đạt 48,96 triệu đồng/người/năm (vượt 1,96 triệu đồng so với kế hoạch). Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 4.550 tỷ đồng, vượt 20,5% dự toán Trung ương giao, bằng 100% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì phát triển, đặc biệt công nghiệp chế biến nông sản có mức tăng trưởng cao; giá trị tăng thêm ngành công nghiệp (theo giá so sánh) năm 2022 tăng 22,45% so với năm 2021. Các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; cấp quyết định chủ trương đầu tư cho dự án Nhà máy sữa công nghệ cao Mộc Châu của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; đưa vào vận hành Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc; chuẩn bị đưa vào vận hành Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Sơn La.
Năm 2023, tỉnh tập trung thực hiện 28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu gồm: 8 chỉ tiêu kinh tế; 13 chỉ tiêu xã hội và 7 chỉ tiêu về môi trường. Trong đó, về kinh tế phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt 7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 52,4 triệu đồng/người/năm.
Cùng với đó, Sơn La phát triển cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,4%, công nghiệp - xây dựng chiếm 30%, dịch vụ chiếm 40,8%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,8%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 24.000 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 184 triệu USD, thu ngân sách trên địa bàn (thu nội địa) đạt 4.800 tỷ đồng…
Minh Tiến