(Tổ Quốc) - Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên mới đây, Tập đoàn COT (Singapore) cho biết, trong khoảng 5 năm tới, tập đoàn sẽ mở rộng quy mô đầu tư với nhu cầu sử dụng đất khoảng 20ha, tổng vốn đầu tư khoảng 500 - 800 triệu USD.
Mới đây, Tập đoàn COT vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên để tìm cơ hội mở rộng đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long II. Đây là tập đoàn lớn của Singapore về lĩnh vực công nghệ điện tử, điện quang.
Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn COT cho biết, quá trình khảo sát, tập đoàn đã lựa chọn Hưng Yên là địa điểm mở rộng đầu tư. Theo kế hoạch, giai đoạn đầu, Tập đoàn COT sẽ thuê hơn 6,6ha đất tại KCN Thăng Long II để đầu tư xây dựng dự án, dự kiến triển khai trong tháng 11/2023. Lĩnh vực sản xuất là thiết bị điện tử, điện quang và thực tế ảo.
Trong khoảng 5 năm tới, tập đoàn sẽ mở rộng quy mô đầu tư với nhu cầu sử dụng đất khoảng 20ha, tổng vốn đầu tư khoảng 500 - 800 triệu USD.
Phát biểu tại buổi làm việc về kế hoạch đầu tư vào địa bàn tỉnh của Tập đoàn COT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam khẳng định sẽ đồng hành với tập đoàn trong quá trình đầu tư; đề nghị chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Thăng Long II khẩn trương hoàn thành các thủ tục nộp tiền sử dụng đất; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh hoàn thiện các thủ tục pháp lý để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.
Kinh tế Hưng Yên gần đây phát triển ra sao?
Theo số liệu của Cục Thống kê địa phương, Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2011-2020 của Hưng Yên đạt 7,9%, trong đó giai đoạn 2011-2015 đạt 7,5%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 8,3%/năm.
Năm 2020 kinh tế của tỉnh đạt được tăng trưởng ở mức khá cao (6,26%) mặc dù chịu ảnh hưởng củ đại dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2021 ước đạt 6,52%, c o hơn nhiều mức tăng của cả nước là 2,58%. Sang đến năm 2022, GRDP của Hưng Yên tăng 13,4% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.
Nhận định về tình hình thu hút đầu tư trong dự thảo Quy hoạch Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND địa phương cho biết, công tác thu hút, tiếp nhận có chọn lựa các dự án đầu tư đã hướng mạnh vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch; cơ bản dừng tiếp nhận dự án sản xuất rời lẻ ở ngoài KCN, CCN.
Theo đó, giai đoạn 2016- 2020 tỉnh Hưng Yên thu hút được 850 dự án đầu tư mới, tăng 40% so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, 663 dự án trong nước, tăng 57,8% với vốn đăng ký 99.242 tỷ đồng, tăng 122,7% số vốn đầu tư so với giai đoạn 2011 - 2015; 187 dự án đầu tư nước ngoài, bằng số dự án của giai đoạn 2010-2015, vốn đăng ký 2,31 tỷ USD, tăng 39,15% về vốn đầu tư so với giai đoạn 2011-2015.
Tính đến ngày 22/5/2023, toàn tỉnh có 520 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 6,5 tỷ USD. Trong đó từ đầu năm đến nay, có 17 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký 228,8 triệu USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: thứ nhất là Nhật Bản có 169 dự án, vốn đăng ký là 3,7 tỷ USD, chiếm 56,89% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Trung Quốc có 131 dự án, vốn đăng ký 1,05 tỷ USD, chiếm 16,14% tổng số vốn đăng ký. Tiếp theo là Hàn Quốc với 146 dự án, vốn đăng ký 851 triệu USD, chiếm 13,09% tổng vốn đăng ký.
Bên cạnh đó, cơ cấu thu hút đầu tư cũng có sự chuyển dịch tích cực, tập trung nhiều hơn vào dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, như các KCN: Thăng Long II (Sumitomo), Phố Nối A, Phố Nối B, Yên Mỹ, các CCN làng nghề phát triển mạnh. Hiện nay đã có 7 KCN đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư (KCN Phố Nối A, KCN Dệt may Phố Nối, KCN Thăng Long II, KCN Minh Đức, KCN Yên Mỹ II, KCN Minh Quang), với 1.779 h đất KCN được triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng; tổng diện tích đất trong các KCN đã cho thuê đạt gần 70%
Theo dự thảo Quy hoạch Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 8,0%/năm giai đoạn 2021-2025, đạt khoảng 8,5%/năm giai đoạn 2026-2030; tăng bình quân 8,2%/năm thời kỳ 2031-2050.
Đồng thời, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao, theo hướng bền vững và là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, đưa Hưng Yên trở thành một trong những tỉnh có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước, có các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ lớn, hiện đại; phát triển công nghiệp theo chiều sâu trên cơ sở thu hút đầu tư có chọn lọc các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường; tiếp tục phát triển các ngành sản phẩm quan trọng là thế mạnh của tỉnh song song với việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực sản xuất công nghiệp; phát triển CNHT, từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp đã được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.
Phấn đấu đến năm 2030, đầu tư đồng bộ hạ tầng các Cụm công nghiệp (CCN) được thành lập, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư phát triển, sản xuất và kinh doanh dịch vụ với tỷ lệ lấp đầy đạt 75-95% diện tích có thể cho thuê trong các CCN. Hình thành và phát triển Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Lý Thường Kiệt với diện tích quy hoạch khoảng 3.000 ha.
Giang Anh