Dịch Covid - 19 đi qua, Siam Brothers Việt Nam vẫn thu về hàng trăm tỷ đồng

(Tổ Quốc) - Dịch bệnh phức tạp, trong khi nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng thì Siam Brothers Việt Nam vẫn lội ngược dòng và tăng trưởng dương so với 2020.

Chưa kịp phục hồi bởi ảnh hưởng của đại dịch trong 2020, bước sang năm 2021 hầu hết các doanh nghiệp đắm chìm trong khủng hoảng. Biến thể Delta xuất hiện đã khiến GDP theo quý của Việt Nam ghi nhận một quý tăng trưởng âm (quý III, GDP giảm 6,17%).

Hai trong ba trụ cột chính để tính GDP gồm công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đều "ngấm đòn" nặng nề. Quý III - lần đầu tiên có tới 18/19 tỉnh thành phía Nam (bao phủ hơn 44% GDP cả nước) cùng tăng trưởng âm.

Riêng đầu tàu kinh tế TP HCM dẫn đầu với mức giảm GDP tới 24,39%. Cả miền Nam chứng kiến sự đứt gãy hàng loạt chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, một số khác buộc phải phá sản. Những nhóm còn lại trụ vững phải thực hiện "3 tại chỗ" với chi phí tăng đột biến.

Thời điểm ấy, áp lực tài chính đè nặng lên vai doanh nghiệp khi vừa phải chuyển đổi công năng nhà xưởng, lắp đặt thêm khu vệ sinh, ăn uống, ngủ nghỉ cho công nhân vừa trả chi phí xét nghiệm định kỳ mỗi tuần. Để giữ chân người lao động doanh nghiệp còn phải bỏ thêm cả chi phí để bồi dưỡng cho họ.

Là doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất, Siam Brothers Việt Nam (SBV) cũng "căng mình" vừa chống dịch vừa sản xuất theo phương án "3 tại chỗ". Không chỉ chăm lo nơi ăn, chốn ở cho người lao động, doanh nghiệp còn phải chi thêm những khoản phụ cấp để hỗ trợ người lao động có thêm thu nhập trong giai đoạn khó khăn. Nhờ thấu hiểu, chu toàn cho người lao động, lại có kế hoạch phòng dịch an toàn nên hết năm Siam Brothers Việt Nam vẫn báo lãi.

Dịch Covid - 19 đi qua, Siam Brothers Việt Nam vẫn thu về hàng trăm tỷ đồng - Ảnh 1.

Báo cáo mới đây của doanh nghiệp cho thấy, doanh thu thuần năm 2021 đạt 516 tỷ đồng, tăng gần 2% so với 2020. Lợi nhuận trước thuế doanh nghiệp đạt 63,7 tỷ đồng, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sở dĩ doanh thu doanh nghiệp tăng nhưng lợi nhuận giảm là do giá vốn hàng bán tăng cao. Trong đó, chi phí bán hàng và chi phí doanh nghiệp đồng loạt tăng hơn so với năm ngoái do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Dù lợi nhuận Siam Brothers Việt Nam giảm so với năm ngoái, nhưng theo đánh giá của chuyên gia kinh tế TP HCM, trong bối cảnh đại dịch phức tạp doanh nghiệp vẫn có lãi là tín hiệu đáng mừng. Điều này cũng cho thấy nỗ lực lớn từ ban lãnh đạo và người lao động tại doanh nghiệp trước "cơn sóng dữ" của đại dịch Covid-19.

Cũng nhờ vào hoạt động kinh doanh tốt, những phiên gần đây dù thị trường chứng khoán liên tục chao đảo bởi tác động của hàng loạt thông tin xấu nhưng dòng tiền luân chuyển ở cổ phiếu SBV vẫn tạo thanh khoản tốt và duy trì được mức 16.000-17.000 đồng một cổ phiếu.

Theo bà Ngô Từ Đông Khanh, CEO Siam Brothers Việt Nam, trong bối cảnh thị trường chung gặp nhiều bất lợi, việc duy trì hoạt động sản xuất vô cùng khó khăn nhưng nhờ nỗ lực nên công ty đã đạt được "trái ngọt". Điều này một lần nữa cho thấy, khi ban lãnh đạo và người lao động cùng nhau đồng lòng, đồng sức mọi khó khăn đều bị phá vỡ.

"Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng năm nay chúng tôi vẫn duy trì chính sách lương thưởng Tết như mọi năm để tri ân người lao động và động viên họ sau một năm dài cùng doanh nghiệp chống chọi với đại dịch", lãnh đạo Siam Brothers Việt Nam nói.

Dịch Covid - 19 đi qua, Siam Brothers Việt Nam vẫn thu về hàng trăm tỷ đồng - Ảnh 2.

Tính đến ngày 31/12/2021, lãi cơ bản trên cổ phiếu SBV đạt 1.913 đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 912 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 537 tỷ đồng, đồng loạt tăng so với 2020.

Dự báo về năm 2022, các chuyên gia cho rằng, hoạt động của các doanh nghiệp trong nhóm sản xuất nói chung và nhóm chuyên sản xuất sản phẩm cho ngành đánh bắt thuỷ hải sản nói riêng sẽ bứt phá. Bởi lẽ, diễn biến dịch Covid-19 ở miền Nam đã được kiểm soát. Song song đó, tỷ lệ người lao động tiêm 2-3 mũi vaccine ngày càng chiếm tỷ trọng cao sẽ giúp cho hoạt động sản xuất thông suốt và thuận lợi hơn trong 2022.

Ánh Dương

Tin mới