(Tổ Quốc) - Tỉnh tiên phong tự huy động vốn làm đường cao tốc hiện có tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam.
Cụ thể, theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên tự làm đường cao tốc. Các tuyến cao tốc đều do Quảng Ninh tự làm, khác hẳn với các tuyến cao tốc trong nước do Chính phủ đầu tư. Các tuyến đường đã cho thấy rõ vai trò kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển, liên kết chặt chẽ các khu kinh tế, cực tăng trưởng phía Bắc và các sân bay quốc tế gồm: Nội Bài (Hà Nội) - Cát Bi (Hải Phòng) - Vân Đồn (Quảng Ninh).
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều cửa khẩu, nên việc sở hữu tuyến cao tốc dọc tỉnh kéo dài đến Móng Cái, Quảng Ninh sẽ trở thành trung tâm kết nối thuận lợi của hai hành lang kinh tế (Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nam Ninh - Bằng Tường - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ trong giao thương với các nước Đông Nam Á, khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng với Trung Quốc.
Đây sẽ là cơ hội để Quảng Ninh khai thác những giá trị nổi trội, khác biệt, động lực thúc đẩy kinh tế liên vùng phát triển.
Tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài hơn 60km là tuyến cao tốc đầu tiên Quảng Ninh huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, hoàn thành vào cuối năm 2018. Tỉnh cũng từ chối vốn vay ODA với các ràng buộc ngặt nghèo để huy động nguồn lực mới triển khai cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài gần 90km.
Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80 km, vận tốc thiết kế 120 km/h, có tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng đã chính thức thông xe vào tháng 6/2022. Đây là tuyến cuối cùng được hoàn thành của tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh với tổng chiều dài 176 km, chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước (176 km/1.046 km).
Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối đồng bộ với 3 sân bay quốc tế (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn); hệ thống cảng biển và logistics, các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc và các đô thị lớn; các khu kinh tế ven biển của Hải Phòng, Quảng Ninh và các khu kinh tế cửa khẩu với cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
2 tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Vân Đồn - Móng Cái đã nâng tổng số đường cao tốc tại Quảng Ninh lên gần 180km chạy dọc tỉnh, kết nối các trung tâm kinh tế Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái và hàng chục khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khánh thành và đi vào hoạt động là niềm tự hào của Quảng Ninh trong công tác đầu tư phát triển hạ tầng. Đặc biệt, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hình thành, Quảng Ninh sẽ là tỉnh sở hữu đường cao tốc dài nhất Việt Nam hiện nay.
Điều này phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ của Quảng Ninh là "Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá", mở rộng cánh cửa kết nối Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc, đón nhận nhiều cơ hội mới.
Bên cạnh đó, theo báo cáo về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ nhất trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam. Hơn nữa, Quảng Ninh cũng luôn là tỉnh đột phá, đi đầu về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh khi 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 2/2023, phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh Quảng Ninh được dám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại.
Cùng với đó, Quảng Ninh phát triển hệ thống giao thông thúc đẩy liên kết vùng (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang…), nội vùng (nhất là giữa các khu vực vùng cao, miền núi với các vùng động lực, trung tâm đô thị) gắn với các hành lang phát triển kinh tế (Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế ven biển từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Cà Mau).
Minh Tiến