Điểm lại loạt chỉ tiêu kinh tế nổi bật của địa phương lần đầu tiên có tăng trưởng GRDP quý I/2023 cao nhất Việt Nam

(Tổ Quốc) - Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhằm sơ kết công tác quý I, triển khai công tác quý II năm 2023, ông Trần Văn Huyến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang cho biết, với tăng trưởng GRDP quý I/2023 đạt 12,67%, đây là lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I của Hậu Giang đứng đầu cả nước.

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước. 

Trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng GRDP cao nhất cả nước gồm Hậu Giang tăng 12,67%; Bình Thuận tăng 9,86%; Hải Phòng tăng 9,65%; Khánh Hòa tăng 9,07%; Cà Mau tăng 9,05%; Ninh Bình tăng 8,45%; Tuyên Quang tăng 8,42%; Bắc Giang tăng 8,40%. 

Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhằm sơ kết công tác quý I, triển khai công tác quý II năm 2023, ông Trần Văn Huyến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang cho biết, với tăng trưởng GRDP quý I/2023 đạt 12,67%, đây là lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I của Hậu Giang đứng đầu cả nước.

Là địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế trong quý I/2023, Cục Thống kê Hậu Giang cho hay, trong quý I/2023 tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang phát triển ổn định,  hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh trong quý đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,05%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 7,31%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,19%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng tăng 0,28%; doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 33,93%. 

Điểm lại loạt chỉ tiêu kinh tế nổi bật của địa phương lần đầu tiên có tăng trưởng GRDP quý I/2023 cao nhất Việt Nam  - Ảnh 1.

Nguồn: Cục Thống kê địa phương

Cụ thể, về tình hình sản xuất công nghiệp, trong quý I/2023, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành ước đạt 3.884,11 tỷ đồng, tăng 26,19% so với cùng kỳ năm trước và đạt 21,45% so với kế hoạch năm.  

Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước có 2 doanh nghiệp đóng góp giá trị sản xuất 3.410,54 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,56% trong toàn ngành và tăng 613,05% so với cùng kỳ. Khu vực kinh tế tư nhân có 339 doanh nghiệp, hợp tác xã và trên 4.288 cơ sở cá thể công nghiệp, đóng góp giá trị sản xuất 8.245,08 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59,39% trong toàn ngành và tăng 6,07% so với cùng kỳ. 

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ,ó 12 doanh nghiệp đóng góp giá trị sản xuất 2.228,48 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,05% trong toàn ngành và giảm 18,99% so với cùng kỳ. 

Cục Thống kê địa phương đánh giá, sản xuất công nghiệp ước thực hiện quý I/2023 trên địa bàn tỉnh có tăng trưởng, nhưng vẫn có một số ngành nghề phát triển chưa bền vững do bị tác động về thị trường xuất khẩu và một số yếu tố khác như: Điện, giá xăng, dầu tăng cao trong những tháng vừa qua. 

Về chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), dự tính quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,05% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chiếm tỷ trọng lớn trên 74,08% trong toàn ngành, tăng 7,17% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 286,05% so với cùng kỳ năm trước. Lý do bởi nhà máy nhiệt điện Sông Hậu I tăng đột biến sản lượng điện sản xuất trong những tháng đầu năm so với cùng kỳ, nên chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2023 tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ năm trước. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 23,34% so với cùng kỳ năm trước. 

Liên quan đến hoạt động thương mại dịch vụ, ước tính quý I/2023, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành được 13.838,69 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 110,19%. Trong đó, doanh thu bán lẻ vẫn là ngành chủ lực đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng, có tỷ trọng chiếm gần 74%, còn lại là các ngành dịch vụ (bao gồm lưu trú và ăn uống) chỉ chiếm khoảng 26%. 

"Nhìn chung, trong quý I/2023, hoạt động kinh doanh của các cơ sở ngành thương mại, dịch vụ có sự chuyển biến tích cực, có sự phục hồi nhanh và phát triển mạnh, thị trường diễn biến giao thương sôi động hơn so với cùng thời điểm năm 2022", Cục Thống kê Hậu Giang nhận định.

Về tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, số liệu của Cục Thống kê Hậu Giang chỉ ra rằng, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện được 4.975,33 tỷ đồng trong quý I/2023,bằng 107,31%  so với cùng kỳ năm trước và đạt 22,20% so với kế hoạch năm. 

Cụ thể, vốn ngân sách nhà n­ước thực hiện được 867,75 tỷ đồng, bằng 166,53% so với cùng kỳ năm tr­ước và đạt 17,52% so với kế hoạch năm.  Vốn tự có của doanh nghiệp nhà n­ước và Trung ương đầu tư trên địa bàn thực hiện đ­ược 586,94 tỷ đồng, bằng 270,67% so với cùng kỳ năm trước và đạt 27,29% so với kế hoạch năm.   

Vốn đầu t­ư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà n­ước có khối lượng thực hiện được 3.520,64 tỷ đồng, bằng 90,31% so với cùng kỳ năm tr­ước và đạt 23,00% so với kế hoạch năm. 

Về hoạt động xuất nhập khẩu, báo cáo cho hay, trong quý I/2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 0,28% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu đã tăng trưởng trở lại so với cùng kỳ năm trước (tăng 10,67%) với các nhóm hàng chủ lực như nông, lâm, thủy hải sản; hàng dệt may, giày da; các sản phẩm giấy và một số mặt hàng khác.

Về nhập khẩu, các mặt hàng nhập chủ yếu là các nguyên liệu phục vụ sản xuất các ngành công nghiệp giấy, thức ăn gia súc, dệt may da giày; xăng, dầu các loại, hóa chất. Giá trị nhập khẩu quý I/2023 giảm 11,46% so với cùng kỳ năm trước, do các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn đều giảm so với cùng kỳ như: Giấy các loại giảm 35,35%; xăng dầu các loại giảm 28,71%; hóa chất giảm 9,41%,... 


Giang Anh

Tin mới