(Tổ Quốc) - Bên cạnh Tp.HCM thì Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ… cũng là các thị trường mà giá cả BĐS rộn ràng trong suốt thời gian qua. Trong đó, một số địa phương có hiện tượng tăng giá cục bộ ở dự án với mức tăng khá mạnh.
Tại Tp.HCM: Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, trong cơ cấu nguồn cung chào bán ra thị trường căn hộ giá thấp không còn xuất hiện, nhiều dự án thuộc phân khúc bình dân trước đó đều bị đẩy giá tương đương phân khúc trung – cao cấp. Đơn vị này đánh giá, trong khoảng thời gian ngắn mặt bằng giá mới tại Tp.HCM đã được thiết lập. Các dự án thuộc phân khúc bình dân biến thành phân khúc trung cấp, phân khúc trung cấp thành cao cấp.
Đặc biệt việc thành lập Thành phố Thủ Đức đã tạo một lực hút rất mạnh về Tp.HCM, cùng với đó giá cả tăng chóng mặt thời gian qua, nhất là ở phân khúc đất nền. Ngay khi có thông tin sẽ sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức giá nhà đất ở các quận này liên tục tăng nhiều đợt. Điển hình như, trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng (quận 9), vị trí đất mặt đường đã lên tới 100 triệu đồng/m2; tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70 - 100 triệu đồng/m2, tăng khoảng 40% so với năm 2019.
Dù giá tăng nhưng theo ghi nhận lực cầu của các khu vực này khá tốt. Làn sóng cầu này hấp thụ nhanh những BĐS có giá tốt ở các phân khúc đất nền, căn hộ trung cấp, căn hộ cao cấp có diện tích nhỏ. Ở những căn hộ có giá trị cao trên 70 triệu đồng/m2 thì hấp thụ yếu hơn.
Ở các tỉnh, thành phố khác: Điểm nóng về giá BĐS cũng xuất hiện lan rộng ra các tỉnh giáp ranh Tp.HCM. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhịp hoạt động của thị trường BĐS có phần giảm nhưng giá cả không có dấu hiệu "giảm nhiệt". Việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành tại Đồng Nai cùng với hàng loạt tuyến cầu đường kết nối không gian các tỉnh miền Đông Nam Bộ với Tp.HCM đã tạo nên làn sóng thực sự cho thị trường BĐS tại một số "điểm nóng" phía Nam.
Tại Bình Dương: giá căn hộ tại đây cũng bị đẩy lên nhanh chóng bất chấp thời kì Covid-19. So với năm 2019 giá căn hộ bình quân từ 25-30 triệu đồng/m2 đã bị đẩy lên mức từ 30 – 35 triệu đồng/m2, thậm chí 37-38 triệu đồng/m2, tăng khoảng 15%.
Tại Đồng Nai, với lợi thế giáp ranh khu Đông Tp.HCM và bản thân đang có sự tăng trưởng kinh tế tốt, đặc biệt là sự đầu tư sân bay Long Thành đã khiến Đồng Nai tăng trưởng phát triển các dự án đất nền. Đồng thời đẩy giá tăng mạnh. Nếu năm 2019, giá đất bình quân tại Đồng Nai dao động khoảng 12-14 triệu đồng/m2 thì năm 2020 bị đẩy mạnh lên bình quân 22 triệu đồng/m2. Đất tại thị trấn Long Thành có nơi tăng giá trên 100 triệu đồng/m2.
Tại Bà Rịa –Vũng Tàu: đây là tỉnh giáp ranh Tp.HCM và có lợi thế phát triển kinh tế, đặc biệt lợi thế phát triển kinh tế du lịch. Đây cũng là địa phương phát triển các dự án BĐS từ rất sớm. Sau nhiều thăng trầm hiện thị trường BĐS tại địa phương này khá ổn định. Do được chính quyền địa phương quản lý hiệu quả nên giá đất tại đây ở mức ổn định, duy trì bình quân trên 10 triệu đồng/m2.
Tại Cần Thơ: Sau khi chính phủ phê duyệt hàng loạt tuyến cao tốc và các cây cầu mới nối Tp.HCM qua đó rút ngắn thời gian đến các tỉnh miền Tây đã tạo ra sự sôi động cho thị trường BĐS nơi đây. Những dự án được đầu tư tốt, hoàn thành hạ tầng và có đầy đủ pháp lý (có sổ đỏ) được các nhà đầu tư quan tâm và giao dịch mạnh. Lượng cung ra thị trường trong năm 2020 khoảng 500 sản phẩm đất nền, tiêu thụ đạt 65%. Các dự án gần trung tâm thành phố gần đường lớn có giá bình quân từ 40-60 triệu đồng/m2. Dự án nằm lớp trong tiếp giáp lộ nhỏ có mức giá từ 19-30 triệu đồng/m2. Mức giá này tăng khoảng 7% so với năm 2019.
Tại Long An: Các dự án tại đây được các NĐT đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Tuy nhiên, cũng bởi dịch nên lượng tiêu thụ chậm, các dự án chỉ đạt tỉ lệ hấp thụ bình quân khoảng 20%.
Một số dự án có tiềm năng tốt có giá dao động từ 21 – 26 triệu đồng/m2; các vùng khác trong tỉnh có giá bình quân đạt 13-15 triệu đồng/m2.
Bảo Anh