(Tổ Quốc) - Giai đoạn một của dự án điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp công suất 830 MWp đang được gấp rút thực hiện, dự kiến hòa lưới điện vào tháng 11 năm nay.
Theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), nhóm 7 doanh nghiệp gồm Ea Súp 1, Ea Súp 2, Ea Súp 3, Ea Súp 5, Xuân Thiện Đăk Lăk, Xuân Thiện Ninh Thuận, Xuân Thiện Thuận Bắc và Năng lượng Sơn La vừa phát hành thành công gần 13.000 tỷ đồng trái phiếu.
Đây đều là các doanh nghiệp có liên quan đến Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình, của ông chủ Nguyễn Văn Thiện. Công ty có vốn điều lệ đăng ký lên tới 6.000 tỷ đồng, theo đó 70% thuộc về ông Thiện, 30% còn lại là của bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, hai người có cùng địa chỉ đăng ký hộ khẩu. Trước đó, ông Thiện từng có thời gian sở hữu gần 96% công ty này.
Ông Nguyễn Văn Thiện chính là anh trai của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), và là con trai cả trong gia đình Xuân Thành – doanh nghiệp nổi tiếng đất Ninh Bình.
Theo tìm hiểu, các công ty Ae Súp 1 – 5 huy động hơn 7.000 tỷ đồng chính là các đơn vị được giao đầu tư vận hành các cấu phần của dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk.
Với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 2.800 MWp, giai đoạn 1 công suất 830 MWp, đây là dự án điện mặt trời nằm trong top lớn nhất Đông Nam Á. Đi kèm là hơn 22 km đường dây 500kV và trạm biến áp 500kV/1.200MVA.
Cập nhật đến cuối tháng 7, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành 90% hạng mục. Giai đoạn 2 đã qua thẩm định và chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng.
Tổng giám đốc Xuân Thiện, ông Nguyễn Huy Hoàng nói rằng dự án Xuân Thiện Ea Súp sẽ có thể hòa lưới điện vào giữa tháng 11, tức là vẫn trong thời hạn hưởng ưu đãi của Chính phủ đối với dự án điện mặt trời.
Như vậy, hàng nghìn tỷ đồng đem về từ kênh trái phiếu trong giai đoạn này có thể giúp Xuân Thiện đẩy mạnh hoàn thành những bước đi cuối cùng.
Ngoài các công ty Ea Súp, Xuân Thiện Đăk Lăk cũng huy động được gần 1.900 tỷ đồng. Đây là chủ đầu tư dự án nông nghiệp trên diện tích hơn 3.300 ha, liền kề với điện mặt trời Ea Súp. Tổng vốn đầu tư dự kiến gần 1.300 tỷ đồng, trong số này hơn 2/3 sẽ từ nguồn đi vay.
Một điểm đáng lưu ý , quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Đăk Lăk nói rằng, theo thời gian diện tích đất nông nghiệp sẽ được chuyển mục đích sử dụng thành điện mặt trời. Đến năm 2028 sẽ chuyển toàn bộ gần 2.000 ha.
Xuân Thiện Ninh Bình hiện cũng đang đầu tư một dự án điện mặt trời lớn khác tại tỉnh Ninh Thuận, tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng thông qua Xuân Thiện Ninh Thuận và Xuân Thiện Thuận Bắc. Hai công ty này huy động gần 3.300 tỷ đồng trái phiếu đợt vừa rồi để rót vào nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc, hai giai đoạn, công suất 250 MWp.
Thực tế, dự án đã hòa lưới điện từ tháng 2 năm nay.
Như vậy, các dự án điện mặt trời của Xuân Thiện Ninh Bình đã và đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc chạy đua năng lượng tái tạo. Nguồn lực hơn 12.000 tỷ đồng mới thu về nhiều khả năng để đáp ứng giai đoạn 2 các dự án. Theo công bố, kỳ hạn các khoản nợ phân bổ từ 2 đến 12 năm.
Năng lượng là một trong những trọng tâm của Xuân Thiện Ninh Bình cấu thành lên hoạt động kinh doanh. Theo bản giới thiệu, công ty này cho biết đầu tư khoảng 20 dự án thủy điện, công suất 3.000 MW trong và ngoài nước. Một số cái tên đáng chú ý gồm: thủy điện Suối Sập (Sơn La), thủy điện Háng Đồng (Sơn La) và thủy điện Mang Thượng (Yên Bái)…
Bên cạnh đó, các lĩnh vực kinh doanh quan trọng khác có xi măng, xây dựng, bảo hiểm tài chính và vận tải.
Theo dữ liệu của chúng tôi, kết quả kinh doanh của Xuân Thiện Ninh Bình biến động khá thất thường trong những năm gần đây. Năm 2019, đạt gần 960 tỷ đồng doanh thu, giảm 36% so với năm trước đó.
Tuy vậy, hiệu quả của công ty này rất kém khi lãi gộp chỉ dao động từ 50 – 70 tỷ đồng. Có những năm 100 đồng doanh thu mới thu về 4 đồng lợi nhuận gộp.
Bạch Mộc