(Tổ Quốc) - Theo dữ liệu từ Khảo sát mức sống dân cư 2020, diện tích nhà ở bình quân cao nhất ở nhóm giàu nhất, cao gần gấp đôi nhóm nghèo nhất.
Với tư tưởng “an cư lạc nghiệp”, chất lượng nhà ở có vai trò vô cùng quan trọng quyết định tới chất lượng đời sống dân cư. Đo lường nghèo đa chiều cũng xem xét hai chỉ số đo lường liên quan tới nhà ở là chất lượng nhà ở và diện tích nhà ở bình quân đầu người.
Diện tích nhà ở
Năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người trên cả nước đạt mức 25,2 m2, tăng 7,3 m2 so với năm 2010, tương ứng tăng 40,8%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người lớn nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và thấp nhất khu vực Tây Nguyên.
10 địa phương có diện tích bình quân nhà ở cao nhất
Theo dữ liệu từ Khảo sát mức sống dân cư 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại Bắc Ninh là cao nhất cả nước với 35 m2/người. Đứng thứ hai là Long An với 31,7 m2/người. Vĩnh Phúc và Bến Tre đứng thứ ba và thứ tư với 31,6 m2/người và 31,2 m2/người. Thủ đô Hà Nội đứng thứ năm trong bảng xếp hạng với 30,9 m2/người. Diện tích nhà ở bình quân của người dân Hà Nội cao gấp 1,38 lần so với TP. HCM.
10 địa phương có diện tích bình quân nhà ở thấp nhất
Diện tích nhà ở bình quân đầu người của Bình Dương là 16,8 m2/người - thấp nhất cả nước. Cùng đứng trong danh sách các địa phương có diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp nhất cả nước với Bình Dương là Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Ninh Thuận, Kiên Giang...
Việc Bình Dương - địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước - có diện tích nhà ở bình quân thấp nhất cả nước có vẻ đi ngược với xu hướng chung khi theo báo cáo, diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng dần theo 5 nhóm thu nhập (từ nghèo nhất đến giàu nhất) và có sự chênh lệch đáng kể trong 5 nhóm thu nhập. Nhìn chung, diện tích nhà ở bình quân cao nhất ở nhóm giàu nhất, cao gần gấp đôi (1,8 lần) nhóm nghèo nhất.
Chất lượng nhà ở
Nếu xét theo tiêu chí còn lại, là tiêu chí về chất lượng nhà ở, thì địa phương có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu nhà kiên cố cao nhất lại là Thái Bình với 98,7%. Hà Nội đứng thứ mười với 89,5%, đồng thời gần như không có hộ gia đình sống trong nhà đơn sơ. Tỷ lệ nhà kiên cố ở TP. HCM đạt 36%, còn lại chủ yếu là nhà bán kiên cố. Điều kiện nhà ở không kiên cố cũng không hẳn là do điều kiện kinh tế kém mà đôi khi do điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán lâu đời, ví dụ các hộ gia đình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Trung du và miền núi phía Bắc.
10 địa phương có tỷ lệ nhà kiên cố cao nhất
Chất lượng nhà ở của các hộ gia đình nước ta ở mức khá cao. Năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố lên tới 95,6%, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ hộ gia đình sống trong nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ.
Ngoài nhà ở, sử dụng đồ dùng lâu bền là một tiêu chí cho thấy hộ gia đình có mua sắm tài sản, thiết bị, phương tiện để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hay không. Theo số liệu thống kê, trên cả nước có tới 99,9% hộ gia đình có đồ dùng lâu bền. Tỷ lệ này đã đạt 100% ở khu vực thành thị, một số vùng kinh tế và các hộ gia đình có mức thu nhập thuộc nhóm 2 trở lên.
Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 (viết gọn là KSMS 2020) được tiến hành theo Quyết định số 1261/QĐ-TCTK ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. KSMS 2020 là cuộc điều tra chọn mẫu nhằm thu thập thông tin để tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về mức sống hộ dân cư, đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê cho các cấp, các ngành để đánh giá mức sống, tình trạng nghèo đói và phân hoá giàu nghèo của dân cư theo hướng tiếp cận đa chiều.
KSMS 2020 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng thông tin về chi tiêu chỉ đại diện đến cấp toàn quốc và 6 vùng địa lý. Các thông tin được thu thập trong KSMS 2020 gồm: thu nhập, chi tiêu, nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, đồ dùng lâu bền, nhà ở, điện, nước, điều kiện vệ sinh, tham gia các chương trình trợ giúp của hộ dân cư và các thành viên trong hộ và một số đặc điểm của xã.
Hoàng Hà