(Tổ Quốc) - Dù các ngân hàng đã và đang đa dạng nguồn thu bên cạnh lãi vay song không thể phủ nhận rằng thu nhập từ lãi vay vẫn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu thu nhập của các TCTD.
Vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) có công văn số 240/HHNH-PLNV V/v báo cáo tổ chức tọa đàm về Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Một trong những nội dung của buổi tọa đàm có đề cập về việc cho vay theo phương thức điện tử. Nếu như đề xuất này của các TCTD và HHNH được NHNN đồng ý, xem xét nghiên cứu và ban hành các hành lang pháp lý cụ thể cho hoạt động cho vay theo phương thức điện tử sẽ mở ra cơ hội mới cho các TCTD trong hoạt động tín dụng. Sự hợp tác giữa các TCTD và các sàn thương mại điện tử (TMĐT) để tạo ra các sản phẩm cho vay trực tuyến dành cho người bán trên sàn TMĐT.
Đây là một hình thức không quá mới tại các nước trên thế giới. Điển hình tại Mỹ, kể từ năm 2011, Amazon đã cung cấp các giải pháp tài chính cho các chủ doanh nghiệp nhỏ thông qua chương trình cho vay của họ. Năm 2018, Amazon đã hợp tác với Bank of America để hỗ trợ thêm cho các sáng kiến cho vay của họ với tên gọi "Amazon Lending". Ứng dụng của Amazon sẽ phân tích hoạt động bán hàng của người bán trên ứng dụng của họ và đánh giá xem những người bán nào sẽ thỏa điều kiện để được cho vay.
Chương trình cho vay của Amazon
Số tiền người bán được cho vay dao động từ 1.000 - 750.000 USD (tương đương khoảng 23 triệu đồng – 17 tỷ đồng). Thời gian vay tối đa là 12 tháng. Amazon sẽ chấm điểm tín dụng người bán để quyết định số tiền mà họ được vay dựa trên một số tiêu chí như: Lịch sử bán hàng trên Amazon ít nhất 12 tháng qua; Tổng doanh số tối thiểu 10.000 USD trong vòng 12 tháng gần nhất; Các chỉ số về mức độ hài lòng của khách hàng; không có khiếu nại nghiêm trọng của khách hàng trong 6 tháng qua,…
Việc tiếp nhận hồ sơ vay vốn, thực hiện thủ tục thẩm định, ra quyết định cho vay và giải ngân cho người bán thực hiện hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến của Amazon.
Để hạn chế rủi ro và kiểm soát mục đích sử dụng vốn của người bán, Amazon chỉ đồng ý cho người bán sử dụng tiền vay vào việc nhập hàng hóa để phục vụ hoạt động kinh doanh, hàng hóa sẽ được lưu giữ tại kho chỉ định của Amazon. Ngoài ra, người bán phải đồng ý cho Amazon trích tiền từ doanh thu bán hàng để thanh toán nợ vay hàng tháng trước khi chuyển trả số tiền còn lại vào tài khoản của người bán. Có nghĩa, việc thu hồi khoản cho vay của Amazon luôn được đảm bảo trừ phi người bán không phát sinh doanh thu trong tháng hoặc doanh thu quá thấp không đủ thanh toán cho Amazon hàng tháng.
Mặc dù trong những năm gần đây, các TCTD tại Việt Nam đã đa dạng nguồn thu bên cạnh thu nhập từ lãi vay. Tuy nhiên, thu nhập từ lãi vay vẫn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu thu nhập của các TCTD.
Những hạn chế của TCTD trong hoạt động cho vay truyền thống
Mất nhiều thời gian để hoàn thiện một khoản vay. Để hoàn thiện một khoản vay, thông thường các TCTD mất khoảng 3 – 5 ngày làm việc từ khâu tiếp nhận nhu cầu vay, tư vấn khách hàng chuẩn bị hồ sơ, thực hiện thẩm định, đánh giá hồ sơ khách hàng, trình ký các cấp có thẩm quyền và thực hiện thủ tục giải ngân. Đối với các TCTD chưa áp dụng mô hình phê duyệt và hỗ trợ tập trung thì quy trình này yêu cầu tối thiểu từ 5 – 6 nhân sự ở các bộ phận tín dụng, hỗ trợ, kế toán – ngân quỹ tham gia. Đối với những TCTD áp dụng mô hình phê duyệt và hỗ trợ tín dụng tập trung thì số lượng nhân sự tối thiểu còn nhiều hơn (7 – 8 nhân sự) và đòi hỏi phải có một quy trình vận hành thống nhất từ cấp Đơn vị kinh doanh đến các bộ phận tái thẩm định, phê duyệt, hỗ trợ tập trung tại Hội sở.
Công tác thẩm định, đánh giá khách hàng gặp khó khăn trong điều kiện dịch bệnh, thiên tai. Trong tình hình giãn cách xã hội hiện tại, chúng ta cũng không thể biết được đến khi nào thì dịch bệnh sẽ suy giảm và Chính phủ sẽ chấm dứt việc giãn cách xã hội. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến công tác cho vay. Nhân sự của các TCTD không thể trực tiếp đến cơ sở kinh doanh để gặp gỡ khách hàng và thực hiện thẩm định.
Thẩm định tín dụng phụ thuộc vào sự trung thực của khách hàng và năng lực của người thẩm định. Người thẩm định sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi thực hiện thẩm định tín dụng đối với những khách hàng có hoạt động kinh doanh phức tạp, không ghi nhận đầy đủ chi phí, doanh thu vào sổ sách hoặc khách hàng cố tình cung cấp thông tin sai lệch để đánh lừa người thẩm định,…Người thẩm định phải có nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức tốt và am hiểu rộng các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế để đưa ra quyết định đồng ý hoặc không đồng ý cho vay đối với khách hàng.
Mất nhiều thời gian tìm kiếm khách hàng có nhu cầu vay vốn. Hoạt động bán hàng luôn được các TCTD quan tâm, việc tìm được khách hàng có nhu cầu vay là không đơn giản trong bối cảnh cạnh tranh hiện tại. Các TCTD phải thường xuyên tổ chức hoạt động bán hàng như tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm, tham gia các cộng đồng, hiệp hội, liên kết với các sàn giao dịch để tìm kiếm khách hàng. Từ việc tiếp xúc một nhóm đối tượng khách hàng, thực hiện tư vấn, bán hàng đến lúc bán được hàng là quá trình chiếm nhiều thời gian trong việc cấp tín dụng thành công cho khách hàng. Mỗi TCTD lại có những khẩu vị rủi ro, đối tượng khách hàng ưa thích riêng vì vậy càng thu hẹp hơn tập khách hàng mà các Chuyên viên Khách hàng phải hướng đến.
Thế mạnh sẵn có của các TCTD:
Được thực hiện hoạt động cho vay hợp pháp và được pháp luật bảo vệ.
Hệ thống quản trị rủi ro tiên tiến. Hầu hết các TCTD đều phải tuân thủ các yêu cầu về năng lực quản trị rủi ro theo yêu cầu của NHNN. Ngoài ra, một số TCTD còn chủ động nghiên cứu, đầu tư hệ thống quản trị rủi ro tiên tiến theo các chuẩn mực quốc tế để đảm bảo an toàn hoạt động.
Hệ thống công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, cải tiến. Các TCTD đều có hệ thống ngân hàng lõi (corebanking) để phục vụ hoạt động vận hành, hệ thống bảo mật luôn được cải tiến, đảm bảo an toàn cho hệ thống.
Nhân sự liên quan hoạt động tín dụng của TCTD được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
Thế mạnh sẵn có của sàn TMĐT
Chưa có một báo cáo cụ thể về số lượng người bán trên các sàn TMĐT tại Việt Nam. Tuy nhiên, dựa trên số liệu thống kê của iprice (Quý I/2021) cho thấy Shoppe, Lazada, Sendo là 3 sàn TMĐT có số lượng truy cập web mỗi tháng dẫn đầu thị trường. Trong đó, số lượng truy cập bình quân mỗi tháng của Shoppe khoảng 60 triệu lượt truy cập, Tiki khoảng 20 triệu lượt truy cập. Nhu cầu mua sắm trên các sàn TMĐT gia tăng sẽ thúc đẩy nhiều người bán gia nhập hơn.
Sàn TMĐT có đầy đủ dữ liệu về hoạt động bán hàng của người bán như doanh thu bán hàng, các đánh giá của người mua đối với hoạt động kinh doanh của người bán, các hành vi khác của người bán cũng có thể được sàn TMĐT ghi nhận vào kho dữ liệu của mình.
Ngoài ra, họ còn có hệ thống kho để lưu trữ hàng hóa (Tiki).
Các ngân hàng thương mại là những đối tác tiềm năng của các sàn thương mại điện tử
Những giá trị mang lại nếu TCTD "se duyên" với sàn TMĐT
Về phía TCTD: Có thể mở rộng thêm được kênh bán hàng và số lượng khách hàng tiềm năng; Mở rộng phạm vi bán hàng khi kết hợp giải pháp bán hàng truyền thống và bán hàng trực tuyến; Giảm tỷ lệ vỡ nợ của khách hàng vay do có đầy đủ thông tin định lượng của khách hàng để xây dựng các mô hình thẻ điểm tín dụng, áp dụng đồng thời mô hình phê duyệt tự động và chuyên gia phê duyệt đối với những khách hàng có điểm số tín dụng trong ngưỡng trung lập (điểm từ chối < điểm trung lập < điểm mặc định chấp nhận); Kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng; Xác suất không thu được nợ thấp; Phát triển các sản phẩm tín dụng trên nền tảng trực tuyến
Về phía sàn TMĐT: Thu hút được nhiều người bán tham gia; Hỗ trợ người bán mở rộng quy mô bán hàng; Gia tăng thu nhập từ hoạt động hợp tác/liên kết với các TCTD; Học hỏi năng lực về quản trị rủi ro từ các TCTD...
Về phía người bán: Dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh; Thủ tục, hồ sơ đơn giản hơn so với tín dụng truyền thống; Chủ động theo dõi khoản vay; Ủy thác thanh toán tự động, không phải ghi nhớ thời gian đến hạn thanh toán định kỳ
Khuyến nghị giải pháp hợp tác giữa TCTD và sàn TMĐT
Giải pháp 1: TCTD và sàn TMĐT ký kết hợp tác toàn diện
Sàn TMĐT thực hiện đánh giá, phân tích người bán dựa vào một số tiêu chí nhất định như doanh thu bán hàng, đánh giá của khách hàng, hoạt động của người bán tại sàn TMĐT,…và gửi đề xuất cho vay đến người bán với số tiền và thời gian vay cụ thể. Các ngưỡng của từng tiêu chí sẽ được TCTD và sàn TMĐT thỏa thuận với nhau dựa trên khẩu vị chấp nhận rủi ro của TCTD và khả năng đáp ứng của sàn TMĐT. Nếu người bán đồng ý nhận khoản vay. Sàn TMĐT sẽ chuyển các thông tin của người bán đến TCTD thực hiện thủ tục thẩm định theo quy trình của TCTD và thực hiện giải ngân. TCTD chỉ giải ngân vốn cho người bán sử dụng để nhập hàng hóa và lượng hàng hóa được bổ sung từ vốn vay sẽ được lưu trữ tại kho của của sàn TMĐT. Mỗi tháng, người bán cho phép sàn TMĐT trích tiền từ doanh thu bán hàng để thanh toán nợ vay cho TCTD trước khi chi trả phần còn lại cho người bán. Với giải pháp này sàn TMĐT và TCTD cùng nhau phối hợp thực hiện, quản lý khách hàng và cùng chia sẻ lợi ích, rủi ro phát sinh.
Nhược điểm của giải pháp này là: Chỉ những người bán đáp ứng được những ngưỡng yêu cầu tối thiểu theo thỏa thuận giữa sàn TMĐT và TCTD mới nhận được đề xuất vay vốn; Sàn TMĐT phải có kho hàng để lưu trữ hàng hóa nhằm kiểm soát mục đích sử dụng vốn của khách hàng.
Giải pháp 2: sàn TMĐT chỉ giới thiệu khách hàng cho TCTD và nhận hoa hồng
Sàn TMĐT chỉ đơn thuần ký hợp đồng hợp tác và cung cấp thông tin của người bán cho TCTD. Khi người bán tại các sàn TMĐT có nhu cầu vay vốn. Họ sẽ đề xuất trực tiếp trên ứng dụng và sàn TMĐT chuyển yêu cầu đó đến TCTD. TCTD thực hiện thẩm định và quyết định khoản vay cho người bán, thực hiện giải ngân và giám sát việc người bán sử dụng vốn và hoàn trả nợ vay. Sàn TMĐT chỉ cung cấp một số thông tin cơ bản về hoạt động bán hàng của người bán cho TCTD theo thỏa thuận hợp tác.
Nhược điểm của giải pháp này là sàn TMĐT chỉ đơn thuần giữ vai trò là đơn vị cung cấp dữ liệu cho TCTD.
Như vậy, nếu NHNN thực hiện điều chỉnh dự thảo Thông tư 39/2016/TT-NHNN theo kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng sẽ mở ra kênh bán hàng mới cho các TCTD tại Việt Nam. Sàn TMĐT được học thêm kinh nghiệm quản lý tín dụng, quản lý rủi ro từ TCTD để chuẩn bị cho sự "bùng nổ" trong tương lai khi hành lang pháp lý về FinTech được cơ quan nhà nước xây dựng và ban hành.
Th.S. Lê Hồng Thái