(Tổ Quốc) - Trong khi nhiều người “mê tiền” bằng cách chắt chiu, tiết kiệm, dè sẻn trong chi tiêu thì những người giàu có hơn lại có cách định nghĩa khác.
Ôm quyết tâm kiếm tiền, phấn đấu trên con đường công danh sự nghiệp, nhiều người nỗ lực đi làm từ khi còn là sinh viên, sau này ngày ngày tăng ca trong văn phòng công ty tới tối mịt. Tuy nhiên, cuối tháng lĩnh lương, thanh toán đủ loại chi phí xong, họ vẫn chẳng dành dụm được bao nhiêu.
Vài năm sau, nhìn vào số dư “suy dinh dưỡng” trong sổ tiết kiệm của mình, họ bắt đầu hoảng sợ. Lúc này, nhiều người bắt đầu tìm mua những cuốn sách về làm giàu, câu chuyện của những người thành đạt trên khắp thế giới.
Trong vài giờ đầu sau khi đọc cuốn sách, sự khủng hoảng trong lòng giảm đi rất nhiều. Nhưng sau một thời gian dài, câu chuyện thành công trong cuốn sách sau cùng là câu chuyện của người khác, còn cuộc sống của mọi người thì hầu như không có nhiều thay đổi. Mọi người bắt đầu băn khoăn tìm cách gia tăng thu nhập, kiếm một công việc lương cao hơn hoặc bắt đầu tham gia kinh doanh.
Địch Tương, một trong những người lựa chọn con đường kinh doanh khởi nghiệp, đã chia sẻ câu chuyện của mình với Businessweekly.
“27 tuổi, tôi quyết định nghỉ việc để cùng bạn bè mở công ty in ấn và thiết kế. Nhưng làm được vài tháng đã thua lỗ nhanh chóng, bạn bè vội vàng rút vốn. Tôi cố gắng trụ thêm một thời gian nữa nhưng tình hình hoạt động vẫn không hề cải thiện. Cho đến ngày, một chủ xưởng in đã gọi điện và muốn nói chuyện với tôi.”
Địch Tương cho biết, đó cũng là thời điểm mà anh “nản lòng thoái chí”, chỉ muốn thông báo với mọi đối tác rằng công ty chuẩn bị ngừng hoạt động. Khi đi gặp chủ xưởng in đó, anh cũng giãi bày hoàn cảnh và nỗi khổ của mình.
Những quyết định kinh doanh vội vàng có thể dẫn tới kết quả tệ hại. Ảnh: behance
Chủ xưởng in chỉ hỏi: “Anh có mê tiền không?”
Anh trả lời: “Có chứ. Nếu không mê tiền, sao tôi phải tốn nhiều công sức để khởi nghiệp như vậy.”
Chủ xưởng in lắc đầu: “Không hề, tôi lại thấy anh không yêu tiền lắm, cũng chẳng thấy có quyết tâm kiếm tiền mấy.”
Địch Tương sững người một lúc, không biết phải phản bác lại như thế nào.
Thấy vậy, ông chủ xưởng in tiếp tục nói: “Ít nhất thì trong mắt tôi, tiền không phải là vị trí đầu tiên trong danh sách giá trị của anh. Các quản lý của xưởng thường báo lên rằng, bản thảo cuối cùng của bên anh gửi sang lúc nào cũng có khá nhiều vấn đề. Lúc thì thay đổi trong tiểu tiết, lúc thì sai về số lượng với kích cỡ, thậm chí có lần còn gửi nhầm bản thảo. Với chất lượng và thái độ như vậy, anh có thể kiếm tiền được sao?
Không kiếm ra tiền thì mọi công sức, nỗ lực và tiền của đầu tư từ trước đến giờ đúng là đổ sông đổ biển. Vậy mà anh nói là anh mê tiền? Không, tôi thấy anh đang lãng phí tiền thì đúng hơn.”
Lời nói của ông chủ xưởng in đã khiến Địch Tương giật mình và nhận ra nhiều điều.
Thứ nhất, không cân nhắc kỹ ngay từ khi xây dựng sự nghiệp
Địch Tương cho rằng, nhìn lại ngày đầu khởi nghiệp, đáng lẽ anh không nên chọn đối tác đó ngay từ khi bắt đầu. Mặc dù biết rõ anh ta là người rất hay bỏ quên tiểu tiết, có quy trình hoàn thiện tác phẩm không tốt, nhưng lúc đó, bản thân anh chỉ muốn nhanh chóng tìm người chung vốn làm ăn. Lại mang suy nghĩ “chắc anh ta sẽ dần dần cải thiện năng lực khi bắt đầu đi vào thực tế” một cách vô căn cứ.
Đây sẽ là nhân tố đầu tiên mà anh buộc phải thay đổi nếu muốn kiếm ra tiền.
Thứ hai, tiết kiệm quá đà gây ảnh hưởng tới chất lượng
Để đảm bảo giảm thiểu chi phí, anh chấp nhận ăn mì gói, mua đồ cũ về cho văn phòng, giảm được cái gì hay cái ấy. Nhưng không lường trước rằng, tâm lý tiết kiệm quá đà lại gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sản phẩm, nhất là khi liên quan tới giấy in, màu in…
Thứ ba, cần nghiên cứu kỹ các hoạt động kinh doanh
Sau khi điều chỉnh lại suy nghĩ và thái độ của mình, anh bắt đầu nghiên cứu hoạt động kinh doanh lại từ đầu. Trong tất cả mọi khía cạnh từ khâu nhân sự, khâu đầu vào, quy trình làm việc… anh đều cân nhắc kỹ lưỡng từng chi tiết một. Sau quá trình này, anh đã hiểu tường tận từng vấn đề trong hoạt động của công ty.
Thứ tư, thà đắt nhưng “xắt ra miếng”
Nếu trước đây, Địch Tương chỉ thích những thứ “cây nhà lá vườn” cho rẻ thì hiện nay, anh đã hiểu được giá trị của những thứ “đắt xắt ra miếng”. Quan trọng là tìm được định hướng phù hợp nhất với bản thân thì đầu tư sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Còn trong trường hợp sản phẩm làm ra giá rẻ đến mấy, nhưng không đem tới giá trị phù hợp với tệp khách hàng thì cũng vô ích.
Những điều này khiến anh nhận ra, “mê tiền” không có gì là thực dụng. Khi có niềm say mê và yêu thích, chúng ta càng phải trân trọng đồng tiền mình đang có được và tìm cách tận dụng nó vào những việc giá trị hơn. Khi không biết cách yêu quý tiền bạc một cách chân thành, mọi người sẽ không thể nắm bắt được khối tài sản khổng lồ, cũng như không thể phát huy được sức mạnh thực sự của đồng tiền.
Nguyên tắc này có vẻ rất đơn giản, nhưng chỉ khi nào bạn có thể hiểu rõ về điều này thì mới chạm tới chìa khóa thành công trong tương lai. Nói một cách chính xác hơn, khi biết quý trọng đồng tiền, bạn mới biết suy nghĩ chín chắn để tiêu tiền và đầu tư một cách kỹ lưỡng, cũng có thêm sức bền, tính kỷ luật và khả năng chịu đựng áp lực.
Bằng cách này, tiền bạc sẽ theo bạn suốt cuộc đời, là đòn bẩy giúp bạn thực sự thoát khỏi nghèo khó.
*Theo Businessweekly
Thuý Phương