Do ảnh hưởng Covid-19, khách hàng không đi nộp phí được, hợp đồng bảo hiểm có bị mất hiệu lực?

(Tổ Quốc) - Hiện nay, dịch bệnh covid–19 đang hoành hành ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân phải hạn chế đi lại, nhiều Văn phòng Công ty bảo hiểm nhân thọ (BHNT), nhiều điểm giao dịch ngân hàng tạm đóng cửa... Và nhiều khách hàng lo lắng liệu hợp đồng bảo hiểm của mình có bị mất hiệu lực sau khi hết 60 ngày gia hạn hay không?

Quy định pháp luật có liên quan

Theo Luật kinh doanh bảo hiểm, khi đến hạn đóng phí, khách hàng được quyền gia hạn trong vòng 60 ngày. Trong thời gian gia hạn, hợp đồng bảo hiểm vẫn có hiệu lực và khách hàng được công ty BHNT bảo vệ đầy đủ các quyền lợi trong hợp đồng.

Căn cứ khoản 3 điều 23 và điều 35 Luật kinh doanh bảo hiểm, sau thời gian gia hạn 60 ngày, nếu khách hàng không đóng phí đầy đủ thì hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực. Công ty bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng. Trong vòng 2 năm kể từ ngày hợp đồng mất hiệu lực, bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận khôi phục lại hiệu hợp đồng. Tuy nhiên, lúc này khách hàng phải kê khai lại tình trạng sức khỏe và phải chấp thuận quy định tính lại thời gian chờ tính từ ngày khôi phục hiệu lực hợp đồng.

Ví dụ: Khách hàng tham gia bảo hiểm vào ngày 01/06/2020. Tuy nhiên, đến ngày 31/08/2021 (ngày cuối cùng gia hạn đóng phí), khách hàng không nộp phí, hợp đồng mất hiệu lực. Ngày 27/08/2021 khách hàng nộp phí để khôi phục lại hiệu lực hợp đồng. Lúc này thời gian chờ đối với sự kiện bảo hiểm như bệnh hiểm nghèo, hành vi tự tử...và các quyền lợi khác có bắt buộc thời gian chờ sẽ tính lại kể từ ngày 27/08/2021 chứ không phải ngày ký hợp đồng là 01/06/2020.

Như vậy, việc hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi khách hàng, ảnh hưởng nhiều sự kiện bảo hiểm xảy ra sẽ không được chi trả do bị tính lại thời gian chờ.

Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015 quy định: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép". Đối chiếu với quy định của BLDS, dịch bệnh covid-19 và việc áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ làm ảnh hưởng đến việc đi lại và giao dịch bảo hiểm của khách hàng được xem là sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều khách hàng vẫn bị mất hiệu lực hợp đồng bảo hiểm mà không được loại trừ yếu tố dịch bệnh ảnh hưởng đến việc giao dịch như một sự kiện bất khả kháng.

Các công ty bảo hiểm đẩy cái khó cho khách hàng?

Hiện nay, ở nhiều tỉnh/thành các công ty BHNT đóng cửa toàn bộ các văn phòng giao dịch. Thậm chí ở một số nơi, nhiều ngân hàng, bưu điện cũng tạm đóng cửa. Từ đó, khách hàng muốn đóng phí đúng thời hạn cũng rất khó vì không thể tìm được nơi để đóng phí.

Ngoài ra, nhiều khách hàng chẳng may bị F0, F1 phải cách ly tập trung theo quy định. Hoặc khách hàng đang trong vùng phong tỏa không thể đi lại nên cũng không đi đóng phí được.

Theo quy định trong hợp đồng bảo hiểm mà hầu hết công ty áp dụng, khách hàng có quyền lựa chọn nhiều hình thức đóng phí khác nhau như: nộp cho tư vấn viên thu tại nhà, nộp tại văn phòng giao dịch các công ty bảo hiểm, nộp tại ngân hàng, bưu điện,…hoặc thanh toán kênh online. Như vậy, việc phải thanh toán online qua tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, các ví điện tử…không phải là quy định bắt buộc. Chưa kể nhiều trường hợp khách hàng không có tài khoản ngân hàng, không có internet banking và không biết thực hiện thanh toán online.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay các công ty bảo hiểm đều hướng (thực chất gần như là bắt buộc) khách hàng phải thanh toán phí online. Nếu khách hàng không đáp ứng được thì hợp đồng sẽ bị mất hiệu lực khi quá 60 ngày gia hạn. Rõ ràng, trong câu chuyện này khách hàng không vi phạm nghĩa vụ thanh toán mà vì sự kiện bất khả kháng (hạn chế đi lại theo quy định của Nhà nước; và cũng một phần do các công ty bảo hiểm đóng cửa và cũng không có nhân viên phục vụ thu phí tại nhà như thỏa thuận). Dường như các công ty bảo hiểm đang bỏ rơi quyền lợi của khách hàng và đẩy mọi cái khó cho khách hàng?

Để độc giả hình dung cụ thể hơn, tác giả nêu ví dụ như sau: "Ngày 27/08/2021 là ngày cuối cùng gia hạn đóng phí. Nhưng khách hàng không có tài khoản ngân hàng, không biết thanh toán online. Khách hàng chỉ có tiền mặt. Nhân viên công ty bảo hiểm không đi thu được. Khách hàng cũng không đi lại được do giãn cách xã hội. Và các điểm giao dịch thu phí: Văn phòng công ty bảo hiểm, ngân hàng, bưu điện…đều đóng cửa. Khách hàng không đóng phí được và hợp đồng bị mất hiệu lực"

Trong trường hợp này, như đã phân tích, khách hàng hoàn toàn không có lỗi. Khách hàng không đóng phí được không phải vì không có tiền mà vì lý do "sự kiện bất khả kháng". Thiết nghĩ, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và các công ty bảo hiểm cần xem xét lại để có quy định phù hợp, đảm bảo quyền lợi khách hàng trong trường hợp này. Đối với khách hàng nếu rơi vào "sự kiện bất khả kháng" này dẫn đến hợp đồng mất hiệu lực thì có thể khiếu nại hoặc khởi kiện các công ty bảo hiểm. Vì việc hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực, không đơn giản là cứ phục hồi lại. Cũng như đã phân tích, dù có phục hồi thì quyền lợi khách hàng vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

TRẦN HOÀI PHONG

Tin mới