(Tổ Quốc) - Hiện nay, cả nước có 22 đô thị loại I. Đô thị loại I có mật độ dân số cao nhất nằm tại khu vực phía Nam.
Theo số liệu của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), tính đến tháng 12/2021, cả nước có 22 đô thị loại I (3 thành phố trực thuộc Trung ương và 19 thành phố thuộc tỉnh).
Cụ thể, 3 thành phố trực thuộc trung ương gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Cùng với đó, 19 thành phố thuộc tỉnh gồm: Thái Nguyên (Thái Nguyên), Nam Định (Nam Định), Việt Trì (Phú Thọ), Hạ Long (Quảng Ninh), Bắc Ninh (Bắc Ninh), Hải Dương (Hải Dương), Thanh Hóa (Thanh Hoá), Vinh (Nghệ An), Huế (Thừa Thiên Huế), Nha Trang (Khánh Hoà), Quy Nhơn (Bình Định), Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Pleiku (Gia Lai), Đà Lạt (Lâm Đồng), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương), Mỹ Tho (Tiền Giang), Long Xuyên (An Giang).
Trong 22 đô thị loại I, Biên Hòa (Đồng Nai) là địa phương có mật độ dân số cao nhất. Cụ thể, dân số thành phố Biên Hào đạt khoảng 1,1 triệu người với mật độ dân số đạt hơn 4.000 người/km2.
Thành phố Biên Hòa là đô thị loại I, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai. Phía Bắc giáp huyện Vĩnh Cửu, Tây giáp quận 9 thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nam giáp huyện Long Thành, Đông giáp huyện Trảng Bom, Tây Bắc giáp huyện Dĩ An, huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thành phố Biên Hòa có một hệ thống giao thông thuận lợi với xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, đường sắt Bắc Nam, đường sông Đồng Nai…
Cục Thống kê Đồng Nai cho biết, Biên Hòa cũng là địa phương có tốc độ gia tăng dân số hằng năm thuộc tốp đầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong 10 năm qua, dân số của Biên Hòa tăng bình quân hơn 30 ngàn người/năm. Dân số tăng nhanh khiến mật độ dân số của Biên Hòa thuộc nhóm cao trong số các đô thị lớn trên cả nước.
Một trong những nguyên nhân khiến cho dân số của Biên Hòa tăng nhanh là sự phát triển kinh tế với nhiều khu công nghiệp. Một số khu công nghiệp lớn tại Biên Hòa điển hình như khu công nghiệp Biên Hòa 2, khu công nghiệp Amata, khu công nghiệp Tam Phước…
Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, trước đây, dân số chủ yếu tăng nhanh tại các phường có hạ tầng phát triển, thu hút người dân đến sinh sống, làm việc. Những năm trở lại đây, khi có thêm các khu công nghiệp mới được thành lập, các phường ngoại ô cũng có tốc độ gia tăng dân số rất nhanh. Bên cạnh đó, chủ yếu là lượng công nhân ngoại tỉnh đến sinh sống để làm việc tại các khu công nghiệp.
Theo quy hoạch chung TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045, phát triển thành phố Biên Hòa trở thành một trong các cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có vai trò quan trọng trong vùng đô thị TP. HCM; phát huy thế mạnh kết nối vùng và quốc tế về dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, thành phố Biên Hòa là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng trong vùng Đông Nam bộ, gắn với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 - TP.HCM và cảng Đồng Nai; là địa bàn trọng điểm chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng cũng như của cả nước.
Quy hoạch cũng yêu cầu phát triển thành phố Biên Hòa theo các tiêu chí: nâng cao chất lượng các khu chức năng hiện hữu là động lực phát triển của đô thị như: các khu công nghiệp Biên Hòa II, Amata, Loteco, Agtex Long Bình, khu du lịch Bửu Long…
Đồng thời, hình thành các trung tâm là động lực phát triển mới của đô thị để đáp ứng các yêu cầu về phát triển dịch vụ, văn hoá, khoa học – công nghệ, giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo, đầu mối logistics…
Bên cạnh đó, hướng phát triển đô thị cần tạo sự kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành; đề xuất kết nối sân bay Biên Hòa với các khu vực chức năng đô thị.
Minh Tiến