(Tổ Quốc) - Việt Nam là một thị trường tiềm năng với doanh nghiệp logistics. Đây cũng chính là lý do ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn trong ngành logistics gia nhập Việt Nam. Những lưu ý khi xây dựng trung tâm kho vận cho doanh nghiệp dưới đây sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu suất đầu tư.
Trung tâm logistics - Xu hướng mới của ngành
Theo JLL, ngành logistics Việt Nam có viễn cảnh lạc quan khi nhiều nhà đầu tư quan tâm ngay cả dưới tác động của Covid-19 trong ngắn hạn. Chỉ trong 24 tháng qua đã có gần 3 tỉ đô la đầu tư hệ thống kho vận và các trung tâm logistics hiện đại.
"Trước đây các nhà đầu tư và doanh nghiệp không chú trọng tuổi đời của các trung tâm logistics, tuy nhiên khi có yêu cầu ngày càng khắt khe hơn, cơ sở hạ tầng cơ bản sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Do đó, các chủ đầu tư sẽ tính toán tuổi đời, hiệu quả chi phí của trung tâm logistics để phục vụ chuỗi cung ứng, trong đó các chất liệu, vật liệu sẽ được quan tâm nhiều hơn nhằm đảm bảo an toàn cho hàng hóa chứa trong kho." bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam, JLL Việt Nam đánh giá.
Với kinh nghiệm thiết kế một lượng lớn các công trình nhà công nghiệp cũng như hiện đang triển khai khá nhiều các dự án nhà xưởng/kho vận cho các chủ đầu tư quốc tế như BWID, SLP, Boustead, LHC của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Giá trị Kỹ thuật Việt (VEV), ông Lê Thạnh Trị - Giám đốc Dự án cũng cùng chung quan điểm: "Hiện nay có hai xu hướng xây dựng nhà xưởng kho vận. Một là chi phí xây dựng giá thấp hay trung bình đáp ứng người thuê chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước cần thuê trung tâm kho vận/nhà xưởng với chi phí tiết kiệm nhất có thể. Hai là đầu tư chi phí lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài để xây dựng trung tâm kho vận hiện đại theo chuẩn quốc tế, có độ bền vững trên 40-50 năm hay hơn nữa, hoặc đáp ứng những người thuê theo phân khúc riêng. Ví như công trình phải đáp ứng tiêu chuẩn PCCC theo chuẩn FM/UL hay NFPA để người thuê có thể chứa các mặt hàng trung/cao cấp một cách an toàn nhất và chi phí bảo hiểm thấp nhất, hoặc là đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và tiết kiệm năng lượng có giá trị toàn cầu như LEED hay EDGE nhằm đáp ứng yêu cầu chuỗi cung ứng của các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, từ đó nâng cao giá trị của toàn chuỗi kho cung ứng".
"Từ năm 2019-2020, nhiều doanh nghiệp quốc tế chọn hướng đi đầu tư nhà kho bài bản như thế này để đảm bảo an tâm hoặc tạo thêm giá trị riêng cho khách hàng khi sử dụng," ông Trị nhận định.
Vật liệu tốt giúp giảm chi phí vận hành và bảo trì
Tuổi thọ công trình trong tiêu chuẩn thiết kế quy định có thể là 50 năm với vật liệu tốt hoặc 10 – 15 năm nếu sử dụng vật liệu chất lượng thấp hơn. Sau thời gian đó, chủ đầu tư sẽ cần sửa chữa, thay thế và chấp nhận bảo trì.
Theo ông Trị, nhiều chủ đầu tư không chú trọng công tác khai thác công trình hiệu quả theo tuổi thọ dự án, xây lên để bán cho chủ đầu tư thứ cấp và không quan tâm tới tuổi thọ vật liệu. Ngược lại, các chủ đầu tư căn cơ hơn sẽ quan tâm tới việc hoàn vốn đầu tư. Họ sẽ chú trọng tuổi thọ vật liệu cao hơn tuổi thọ kết cấu để giúp giảm chi phí vận hành và bảo trì.
"Tương tự, với các hạng mục như cửa đi, cửa sổ, các nhà cung cấp uy tín sẽ không đi theo xu hướng 1 – 2 năm mà áp dụng giải pháp riêng cho chủ đầu tư như bảo hành công trình không bị bong tróc, uốn cong trong điều kiện hoạt động bình thường 5 – 10 năm. Họ sẵn sàng cam kết, bảo hành thêm không bắc cầu thông qua nhà thầu vì nhà thầu chỉ bảo hành công trình trong một đến hai năm. Nhà cung cấp thì lại khác, họ cần xây dựng uy tín của mình," ông Trị nhấn mạnh.
Năm 2020, thị trường trung tâm kho vận của Việt Nam chứng kiến sự thay đổi trong chất lượng công trình khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường với định hướng đầu tư phục vụ nhu cầu của khách hàng. Điều này đã giúp đổi mới cách nhìn nhận vấn đề của các nhà đầu tư trong nước.
"Tuổi thọ công trình chỉ thực sự có ý nghĩa với chủ đầu tư muốn khai thác dự án lâu dài. Đây là bài toán đầu tư, vòng đời của dự án, quản trị dự án; bảo trì thấp hơn mang lại hiệu quả cao hơn," ông Trị chia sẻ.
Những ưu tiên không thể bỏ qua khác
Cũng theo ý kiến các chuyên gia, ưu tiên đầu tiên với một công trình kiến trúc hay nhà công nghiệp là công năng sử dụng phải đảm bảo dễ dàng và thuận lợi. Thứ hai là đảm bảo tính kinh tế, chi phí hợp lý nhất. Thứ ba là tính thẩm mỹ và bền vững cho công trình thông qua vật liệu, chất lượng, màu sắc... "Ví như nếu các công trình ở vùng biển, vùng có gió lật, nằm trong khu công nghiệp ô nhiễm, hoặc của các chủ đầu tư FDI có yêu cầu khắt khe, tôi ưu tiên chọn tôn Colorbond và Zincalume của BlueScope vì vật liệu chống ăn mòn tốt, có tuổi thọ cao, có khả năng chống bám bụi", ông Trị nhận xét.
Để đảm bảo tính bền vững của công trình, nhà xưởng cho thuê Mapletree Bắc Ninh sử dụng vật liệu tôn Colorbond công nghệ Activate chống ăn mòn vượt trội ngay cả trong môi trường ô nhiễm
"Tôi đã biết đến các sản phẩm tôn của BlueScope trong thiết kế hơn hai mươi năm. Tới giờ tôi rất hài lòng về biên độ của BlueScope, đáp ứng rất rộng từ khách hàng cao cấp tới khách hàng thứ cấp và hầu như các khách hàng sử dụng đều có phản hồi tích cực về độ bền màu, khả năng chịu lực, chống ăn mòn hay chống thấm mái. Ngoài ra, các công trình có yêu cầu phức tạp về kỹ thuật mái/vách thì bộ phận kỹ thuật của BlueScope đều có thể hỗ trợ giải quyết", ông Trị cho biết thêm.
Theo đánh giá của ông Trị, "nói về độ bền màu, trên thị trường Việt Nam việc bảo hành màu 10 hay 15 năm như BlueScope Việt Nam là một chỉ số tin cậy cao. Với góc độ là một kiến trúc sư, tôi rất thích điều đó, vượt trội so với nhiều hãng tôn khác ở Việt Nam".
Thứ tư là công trình cần phải đạt các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng hay môi trường vi khí hậu tốt nhất cho người lao động. "Đơn cử như công nghệ phản xạ nhiệt Thermatech của tôn Colorbond là một chỉ số hữu ích cho các công trình cần bảo ôn tốt bên trong nhà và đáp ứng các yêu cầu của các Hội đồng Công trình Xanh quốc tế," ông Trị cho biết.
Hiện nay, BlueScope đã giới thiệu ra thị trường dòng tôn cao cấp Colorbond, ứng dụng công nghệ Activate với thời hạn bảo hành lên đến 36 năm, có thể đáp ứng tất cả các yếu tố kể trên. Theo đó, công nghệ mạ ma trận bốn lớp Activate chống ăn mòn và rỉ sét, bảo vệ công trình ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt nhất như môi trường sát biển, công nghiệp ô nhiễm. Tôn Colorbond còn có công nghệ phản xạ nhiệt Thermatech giúp giảm nhiệt độ công trình đến 6 độ C. Đồng thời, công nghệ tự làm sạch Clean có khả năng chống bám bụi, giữ gìn màu sắc công trình theo thời gian.
Công nghệ mạ ma trận 4 lớp Activate giúp chống ăn mòn và rỉ sét, bảo vệ công trình ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt nhất
Ánh Dương