(Tổ Quốc) - Sức khỏe và nhiệt huyết trong công việc luôn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng kiệt sức, lo lắng và căng thẳng ở người lao động, đặc biệt trong đại dịch Covid-19.
Theo kết quả khảo sát Chỉ số Xu hướng Công việc 2021 do Microsoft thực hiện tại 31 quốc gia trên thế giới, cứ 1 trong 5 người tham gia cho rằng công ty của họ đang không quan tâm đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của người lao động, 54% cảm thấy mình làm việc quá sức và 39% cảm thấy kiệt sức.
Người lao động đang gặp khó khăn hơn so với lãnh đạo của mình
Lao động trẻ là nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương. Trên toàn cầu, người tham gia khảo sát thuộc thế hệ Z (sinh năm 1996 đến đầu những năm 2010) gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng công việc và cuộc sống và dễ cảm thấy kiệt sức sau một ngày làm việc hơn so với các thế hệ trước. Xu hướng này có phần rõ rệt hơn ở châu Á - Thái Bình Dương, khi 82% người được hỏi thuộc thế hệ Z nói rằng họ đang vật lộn với cuộc sống vào thời điểm hiện tại, so với mức trung bình toàn cầu là 60%.
Bà Lynn Dang, Giám đốc Nhân sự của Microsoft Việt Nam, doanh nghiệp được HR Asia bình chọn là "Nơi làm việc tốt nhất Châu Á năm 2021", cho biết: "Chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn đến thế hệ Gen Z, họ là tương lai của lực lượng lao động. Các lãnh đạo doanh nghiệp phải triển khai được những biện pháp cụ thể như các chương trình thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển nghề nghiệp để họ cảm thấy được kết nối với doanh nghiệp."
Các chỉ số về sức khỏe của lực lượng lao động không chỉ khác nhau giữa các nhóm tuổi mà còn khác nhau giữa các khu vực địa lý. Nhân viên tại châu Á làm việc tại các công ty đa quốc gia đang phải đối mặt với nhiều áp lực khác nhau, như thường xuyên phải làm việc đến tối do sự chênh lệch múi giờ với trụ sở chính. Tại châu Á - Thái Bình Dương, 40% người tham gia khảo sát cho biết công ty của họ đang đòi hỏi quá nhiều từ họ vào thời điểm này, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 37%.
Người lao động ở châu Á cũng có thể chịu những áp lực tài chính nghiêm trọng hơn so với người lao động ở phương Tây. Việc thiếu các mạng lưới hỗ trợ thất nghiệp khiến cho căng thẳng tài chính trở thành nguyên nhân chính cho các vấn đề tâm lý ở châu Á. Bất bình đẳng giới cũng là vấn đề phổ biến tại đây. Các biện pháp giãn cách nhằm hạn chế tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 đã buộc họ phải gánh vác đồng thời cả trách nhiệm gia đình và trách nhiệm công việc. Cụ thể, 85% phụ nữ cho biết việc nhà đã có tác động tiêu cực đến công việc của họ.
Giải pháp cho vấn đề về sức khỏe của người lao động
Các doanh nghiệp ở châu Á, đặc biệt là các tổ chức đa quốc gia, đã triển khai nhiều thay đổi cho các chương trình phúc lợi. Điều này đã có những tác động tích cực đến các công ty trong nước, khiến họ cũng phải chi nhiều hơn vào các khoản phúc lợi cho nhân viên.
Khi nhận ra các nhu cầu cũng như khó khăn mà các nhóm nhân viên khác nhau phải đối mặt, Microsoft đã đưa văn hóa hòa nhập và đa dạng vào các phương pháp quản lý của mình. Ví dụ, khi nhận thấy một số nhân viên gặp khó khăn trong việc xin nghỉ phép, Microsoft khu vực châu Á đã chọn một ngày cụ thể trong tháng 4 và khuyến khích tất cả nhân viên của một khu vực cùng nghỉ phép vào ngày đó. Microsoft cũng gia tăng tính linh hoạt trong mô hình làm việc kết hợp ở những quốc gia châu Á vì đây là khu vực mà các khối văn phòng quay trở làm việc sớm hơn so với các thị trường khác. Công ty cũng tăng thêm 5 "ngày an sinh" vào tổng ngày nghỉ phép hàng năm cho mỗi nhân viên; tổ chức các chương trình phúc lợi được cá nhân hóa cho nhân viên và gia đình của họ, đồng thời điều chỉnh phương thức làm việc, như rút ngắn và giảm tần suất các cuộc họp để nhân viên có thời gian nghỉ ngơi và cơ hội để đánh giá lại công việc.
Khi triển khai các chiến lược phúc lợi, doanh nghiệp cần phải đảm bảo sự phù hợp với những thay đổi về văn hóa. Theo Chỉ số Xu hướng Công việc của Microsoft, cứ 6 người lao động thì có 1 người đã khóc với đồng nghiệp trong năm ngoái. Các nhà lãnh đạo cần thừa nhận sự thay đổi này trong văn hóa nơi làm việc cũng như các chuẩn mực xã hội. Tại châu Á, dữ liệu cũng cho thấy ranh giới giữa con người trong công việc và con người trong cuộc sống cá nhân đã bớt rạch ròi hơn, với 46% người lao động trong khu vực cảm thấy thoải mái hơn khi thể hiện đúng bản thân tại nơi làm việc so với trước đại dịch và so với mức trung bình toàn cầu là 39%.
Các lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Á cần thu hẹp "khoảng cách" về sức khỏe tinh thần và thể chất giữa ban lãnh đạo và lực lượng lao động. Nếu không, họ có thể gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân tài, đặc biệt là khi mô hình làm việc từ xa mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Bà Lynn Dang cho biết: "Lực lượng lao động ở châu Á đang mấp mé tình trạng kiệt quệ do thế giới số, nhưng các nhà lãnh đạo hoàn toàn có thể xoay chuyển được tình hình bằng cách nhìn nhận lại trải nghiệm tổng thể của nhân viên. Sự đồng cảm phải trở thành yếu tố cốt lõi và lãnh đạo cần phải tương tác một cách chân thành hơn và dành nhiều thời gian hơn để hiểu và trao quyền cho lực lượng lao động từ đó giúp họ vượt qua khó khăn trong giai đoạn đặc biệt này."
Ánh Dương