(Tổ Quốc) - Đó là nhận định của ông John Walsh, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT tại Diễn đàn Kinh doanh quốc tế 2020.
Giữa cuộc suy thoái toàn cầu do tác động của Covid-19, Việt Nam tiếp tục có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực, phản ánh qua báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, theo đó, Việt Nam được dự báo có thể tăng trưởng GDP 2,8% trong năm nay nếu tình hình toàn cầu dần cải thiện.
Kết quả hoạt động kinh tế như vậy có thể được coi là hết sức nổi trội trong bối cảnh toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh thay đổi, do đại dịch và hiệp định thương mại tự do mới với Liên minh châu Âu (EU), cũng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết đối với các doanh nghiệp Việt.
Tại Diễn đàn Kinh doanh quốc tế 2020 mới đây, các chuyên gia từ Đại học RMIT, công ty luật quốc tế Allens và Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã thảo luận về cách doanh nghiệp Việt nên thích ứng với điều kiện bình thường mới như thế nào nhằm gặt hái và duy trì thành công.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị thuộc Đại học RMIT đồng thời là trưởng ban tổ chức diễn đàn, đã nhấn mạnh vào vấn đề cú sốc cung và cầu.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung
"Tại bất cứ nơi nào trên thế giới bị dịch bệnh chạm ngõ, hàng triệu người bị mất việc làm, dẫn đến giảm năng lực chi tiêu, khiến nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu cũng thấp hơn. Điều này ảnh hưởng đến doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, tuy nhiên đặc biệt tạo ra thách thức vô cùng lớn đối với nền kinh tế mở và phụ thuộc nhiều vào giao thương quốc tế như Việt Nam", Tiến sĩ Trung nhận định.
Chuyên gia RMIT cho rằng hoạt động trong tình trạng cầu thiếu một thời gian dài sẽ thay đổi mạnh mẽ cơ cấu thương mại và dịch vụ xuyên biên giới.
Phát biểu tại diễn đàn, Giáo sư Alberto Posso thuộc Trung tâm Phát triển quốc tế của Đại học RMIT ở Úc bổ sung rằng gián đoạn thương mại do COVID-19 đang ảnh hưởng đến cả hàng hóa cuối cùng và trung gian.
"Không phải tất cả hàng hóa nhập khẩu đều là hàng hóa cuối cùng. Trên thực tế, khoảng 70% hàng nhập khẩu trên toàn cầu là hàng hóa trung gian được sử dụng trong sản xuất. Điều này có nghĩa là gián đoạn thương mại toàn cầu có thể khiến việc sản xuất trong nước khó khăn và đắt đỏ hơn", Giáo sư nhận định.
Giáo sư Posso đã trình bày kịch bản về trạng thái bình thường mới, khi vaccine được phổ biến rộng rãi và các doanh nghiệp trên toàn thế giới tìm ra cách thiết lập lại mô hình hoạt động trước khủng hoảng ở một chừng mực nào đó.
"Doanh nghiệp lo sợ những virus mới xuất hiện hoặc các yếu tố khác có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng nên họ sẽ cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng".
"Khi doanh nghiệp mở rộng nguồn cung của mình, nhiều nền kinh tế sẽ có thể tìm thấy thị trường xuất khẩu và cơ hội tăng trưởng mới để hỗ trợ quá trình phục hồi. Việt Nam sẽ không phải là ngoại lệ", Giáo sư Posso cho biết.
Theo dòng thảo luận về đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các chuyên gia từ RMIT đều đánh giá cao Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), và xem đây như nguồn cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt tại thị trường châu Âu và ngược lại.
Theo Tiến sĩ John Walsh, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT, "doanh nghiệp Việt có khả năng tăng xuất khẩu sang EU và đặc biệt là hợp tác với các nhà đầu tư châu Âu, từ đó nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu".
"Doanh nghiệp trong nước nên lường trước rằng con đường phía trước sẽ rất dài và quanh co. Họ phải sẵn sàng trước cơ hội chuyển đổi hàng hóa thô thành sản phẩm có giá trị gia tăng và có thương hiệu. Họ có thể bắt đầu tiếp cận các thị trường nhỏ hơn tại EU trước khi thâm nhập những thị trường lớn như Đức và Pháp", Tiến sĩ Walsh nhận định thêm.
PGS.TS. Trần Đình Thiên (thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ) thì cho rằng Việt Nam hậu Covid-19 sẽ cần một thế hệ doanh nghiệp - doanh nhân mới có những năng lực và lối tư duy nhất định.
Liên quan đến kinh doanh quốc tế, ông khuyên doanh nghiệp nên tích cực tìm kiếm cơ hội trong các hiệp định thương mại tự do và dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời chấp nhận cạnh tranh và nắm bắt tiêu chuẩn cao ở các thị trường nước ngoài.
PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng kêu gọi doanh nghiệp hãy đổi mới sáng tạo và chuyển động cùng Cách mạng Công nghiệp 4.0, đưa ra các giải pháp và sản phẩm mới, song song với việc xây dựng thương hiệu mạnh và thực hành trách nhiệm xã hội.
"Việc ứng xử theo luật pháp và quản trị rủi ro, cũng như khả năng huy động vốn trong hệ thống tài chính phức hợp đều quan trọng không kém nhau".
"Cuối cùng, doanh nghiệp nên đồng hành cùng chính phủ trên hành trình này, đồng nghĩa với việc họ cần nắm bắt các chính sách hiện hành và tham gia đối thoại với chính phủ", ông Thiên kết luận.
H.S