(Tổ Quốc) - Tính chung trong 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 11 ước đạt 464.400 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD), tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng cao 13,2%.
Tính chung trong 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.590.700 tỷ đồng (tương đương 200 tỷ USD), tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với TP. HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện tháng 11 đạt 116.271 tỷ đồng, tăng 2,21% so với tháng trước, nhưng giảm 4,1% so với tháng cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 11 tháng, doanh thu thương mại dịch vụ của TP. HCM ước đạt 1.172.800 tỷ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng của thành phố ước đạt 752.491 tỷ đồng, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 64,16% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Đối với Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 530,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với Đà Nẵng, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố trong tháng 11 đạt 5.284 tỷ đồng, tăng 5,3% so với tháng 10 và giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 35,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và giảm 10,8%.
Tính chung 11 tháng, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa của Đà Nẵng ước đạt 50.370 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số ngành hàng giảm sâu bao gồm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (giảm 15,6%), hàng may mặc (giảm 12,1%), gỗ và vật liệu xây dựng (giảm 7,7%)... Một số mặt hàng có mức tăng doanh thu bao gồm vật phẩm văn hóa, giáo dục (tăng 3,6%), xăng, dầu (tăng 4,9%), hàng hóa khác (tăng 7%)...
Nhìn chung, do tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát tốt trên cả nước, hoạt động thương mại trên địa bàn các tỉnh đều tăng đáng kể. Các hoạt động dịch vụ du lịch, ăn uống, khách sạn, mua bán hàng hóa cũng tăng hơn so với tháng trước.
Trong tháng 11, vận tải hành khách trên cả nước ước đạt 294,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 2,3% so với tháng trước và luân chuyển 13,4 tỷ lượt khách/km, tăng 4,5%. Tính chung 11 tháng năm 2020, vận tải hành khách đạt 3.215,9 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm ngoái và luân chuyển 146 tỷ lượt khách/km, giảm 35,1%.
Đối với vận tải hàng hóa, trong tháng 11 ước đạt 174,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 5,3% so với tháng trước và luân chuyển 30,6 tỷ tấn/km, tăng 2%. Tính chung 11 tháng, vận tải hàng hóa đạt 1.606,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 304,2 tỷ tấn/km, giảm 7,9%.
Bên cạnh đó, trong tháng 11, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,7 nghìn lượt người, tăng 19,6% so với tháng trước và giảm 99% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2020, khách quốc tế ước đạt 3.821 nghìn lượt người, giảm 76,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hà Trần