(Tổ Quốc) - Tôi quen rất nhiều bạn bè làm bank, nhưng sau một thời gian thì thấy có "cổ phần" tại các công ty xây dựng, công ty buôn bán về thép... Hoặc có những người vẫn làm bank nhưng mở doanh nghiệp bên ngoài, trở thành đại lý phân phối nước uống, nước đóng bình cho chính doanh nghiệp mà anh ấy cho vay.
Mấy hôm nay, mọi người liên tục chia sẻ cho nhau các thông tin về nhân viên ngân hàng đi bán hàng online, nhân viên ngân hàng kiêm giảng viên đại học, kinh doanh chứng khoán…bàn luận sôi nổi về một hiện tượng tương đối phổ biến là "nghề tay trái" của banker. Cá nhân tác giả cũng xin được chia sẻ thêm một số nhận định và ý kiến trong cuộc của một banker về việc nên hay không nên khuyến khích hiện trạng này.
LỢI THẾ VÔ HÌNH CỦA NHÂN VIÊN NGÂN HÀNG
Khi bạn làm bất kỳ nghề nào, bạn cũng có thể có "nhiều tay", "nhiều vai" ở những nghề hoặc lĩnh vực khác để gia tăng thu nhập cho bản thân và đôi khi "chính - phụ" lại vô tình đổi ngôi cho nhau mà chúng ta không hay biết. Đối với một nhân viên ngân hàng, họ có nhiều lợi thế hơn so với một số lĩnh vực khác khi muốn thay đổi công việc hay chỉ là "kiếm thêm" bằng nghề tay trái. Vậy, những lợi thế đó là gì ?
Thứ nhất: Nghề ngân hàng hay được gọi một cách "xã hội" hơn là nghề "buôn" tiền, sẽ được tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng có ngành nghề kinh doanh rất đa dạng. Một cán bộ tín dụng có thể cho vay từ những chủ cửa hàng tạp hóa nhỏ bé đến các doanh nghiệp "nghìn tỷ", từ các bác nông dân, các chủ hộ kinh doanh thủy hải sản đến các bác sĩ, giáo viên hay nhưng ông chủ sản xuất, thương mại dịch vụ ở tất cả các ngành nghề. Như vậy, ngay bản thân các banker này, sẽ có được những kiến thức từ cơ bản cho đến chuyên sâu về lĩnh vực mà khách hàng của họ đang làm.
Đặc biệt nếu cán bộ đó chỉ chuyên tập trung vào một phân khúc thị trường cho vay có chọn lọc (ví dụ: Chỉ cho vay đối với các Hộ kinh doanh nuôi trồng thủy sản) thì trong quá trình làm việc bản thân họ, ngoài việc am hiểu sản phẩm này, nắm được những thuận lợi về mặt thị trường, những rủi ro trong kinh doanh thì còn mặc nhiên được bổ sung cho mình những mối quan hệ vô hình từ nhà cung cấp, nhà phân phối cho đến đơn vị tiêu thụ. Và ngẫu nhiên, từ một "ông tín dụng" thì banker này có đầy đủ cơ sở về mặt kinh nghiệm và thông tin thị trường để "tự tin" gia nhập vào nghề như chính khách hàng của mình.
Tôi quen rất nhiều bạn bè làm bank, nhưng sau một thời gian thì thấy có "cổ phần" tại các công ty xây dựng, công ty buôn bán về thép... Hoặc có những người vẫn làm bank nhưng mở doanh nghiệp bên ngoài, trở thành đại lý phân phối nước uống, nước đóng bình cho chính doanh nghiệp mà anh ấy cho vay. Như vậy có thể nói, chính nghề ngân hàng đã trao cho banker những cơ hội để họ có thể kiếm thêm thu nhập từ những ngành nghề khác mà do khách hàng của họ mang lại. Đây là một lợi thế "không nhỏ" mà trong thực tế các banker đã và đang tận dụng triệt để theo khả năng của mình nhằm đa dạng hóa "nguồn thu" cũng như "dự phòng" cho bản thân khi nghề ngân hàng không còn hấp dẫn hoặc bản thân "họ" thấy cần thay đổi môi trường.
Thứ hai: "Từ những chuyên gia thẩm định trở thành những ông chủ đích thực".
Những banker nói chung, hay những cán bộ tín dụng nói riêng sau một thời gian được đào tạo, tích lũy kinh nghiệm qua các hồ sơ vay vốn, qua quá trình thẩm định, theo dõi tình hình hoạt động sản xuất của khách hàng, "Họ" đã trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực đó. Bằng các nghiệp vụ ngân hàng, cán bộ thẩm định sẽ nắm được đâu là rủi ro trọng yếu khi kinh doanh sản phẩm đó, nguồn thu chính hình thành từ đâu, chi phí sản xuất sẽ phải tiết giảm ở khâu nào, đồng thời sẽ học được kinh nghiệm về quản lý nhân sự, vận hành từ quá trình theo dõi doanh nghiệp mà mình cho vay. Với những kiến thức về mặt tài chính, thẩm định và am hiểu sản phẩm, các banker có đủ năng lực để đứng ra tự kinh doanh những sản phẩm, mặt hàng đó.
Tôi từng biết một câu chuyện tại chi nhánh ngân hàng L nọ, sau khoảng 2 năm kể từ khi cho vay một doanh nghiệp nuôi trồng thủy hải sản tại Cà Mau, từ anh giám đốc cho đến bạn nhân viên tín dụng, bác lái xe đã nghỉ ngân hàng, xa gia đình ở Hà Nội, lặn lội vào Cà Mau lập nghiệp. Bỏ hẳn phong cách "sang chảnh" của một banker, một vị giám đốc để trực tiếp đào ao, thả bạt, canh chừng mưa bão, xây dựng những đầm tôm công nghệ cao, có giá trị kinh tế cực kỳ lớn. Họ đã trở thành những "ông chủ" thực sự chỉ sau khoảng 2 -3 năm trực tiếp "xắn tay" vào.
Và trong thực tế, vẫn còn rất nhiều anh chị em vừa làm ngân hàng, vừa làm chủ các quán café, các cửa hàng rau sạch, các quán cơm, quán nhậu…bởi cũng xuất phát từ nguyên nhân là "Họ" đã từng có nhiều thời gian thẩm định và cho vay các khách hàng trong lĩnh vực này.
Thứ ba: " Có cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính tốt"
Đây là một nguyên nhân "hiển nhiên" và có lợi thế nhất so với các ngành nghề còn lại mà banker được thừa hưởng. Là những người làm trong lĩnh vực tài chính, các banker đa số đều có được cơ hội tiếp cận với những nguồn vốn vay có lãi suất thấp và ưu đãi về tiến độ thanh toán mà các ngân hàng áp dụng cho cán bộ nhân viên hoặc cho chính đối tượng khách hàng kinh doanh trong một số ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, vì làm việc chính tại ngân hàng, các banker sẽ biết cách xoay vòng vốn vay phù hợp, có nhiều thông tin về các tổ chức tín dụng khác để tận dụng tối đa nhất hạn mức vay vốn hay đơn giản chỉ là "đáo hạn" các chu kỳ kinh doanh cho doanh nghiệp, cửa hàng của mình. Những lợi thế này, nếu là khách hàng đơn thuần hoặc những người làm trong lĩnh vực khác sẽ khó có được hoặc sẽ mất rất nhiều chi phí về thời gian, tiền bạc để đảm bảo nguồn vốn kinh doanh cho doanh nghiệp mình.
TÔI ĐÃ KINH DOANH NHƯ THẾ NÀO VÀ ĐÂU LÀ LỜI KHUYÊN HỮU HIỆU NHẤT?
Trở lại với bản thân tôi, xuất phát từ một cán bộ tín dụng, tôi cũng trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về mặt tài chính, kế toán, cũng được tận mắt chứng kiến những thành công hoặc thất bại của một số khách hàng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bằng các lợi thế như đã nêu ở trên, tôi cũng " tập tọe" thành lập doanh nghiệp, mở cửa hàng kinh doanh, rồi cũng "tham lam" khi tận dụng "vốn vay" để đầu tư nhiều lĩnh vực khác nhau theo hình ảnh "một ông chủ đa ngành".
Và kết quả, tôi đã thất bại một trong ba lĩnh vực mình bỏ vốn làm chủ là lĩnh vực giáo dục, sai lầm về lựa chọn khu chung cư có thu nhập thấp để cung cấp các sản phẩm giáo dục có giá thành cao, cùng với dịch "covid" đã bắt buộc gôi phải buông tay với cái nghề mà bố mẹ tôi đã cống hiến cả cuộc đời. Lĩnh vực thứ hai tôi đã tham gia sau khoảng 5 năm làm ngân hàng, đó là cửa hàng trò chơi giải trí, tôi cũng đã đóng cửa sau thời gian hoạt động khoảng 2 năm. Tuy nhiên nếu xét về mọi mặt thì tôi đã "được" còn nhiều hơn "mất", ngoài thu nhập gọi là "có tý ti" thì cái mang lại nhiều nhất cho bản thân chính là sự sắp xếp thời gian cho công việc "chính" và công việc "phụ", cho " nghề" và cho "đam mê". Khi tôi đóng cửa hàng, là lúc tôi phải lựa chọn một trong hai để tập trung thời gian, trí tuệ, công sức cho lĩnh vực còn lại. Và cho đến bây giờ đó vẫn là sự lựa chọn đúng đắn cho bản thân tôi khi ưu tiên cho "nghiệp" ngân hàng.
Hiện tại, Ngoài Banker chính hiệu, tôi vẫn có cho mình một vài cửa hàng (hoặc có thể gọi là hệ thống) trong lĩnh vực Giặt là sau khoảng 3 năm lao tâm khổ tứ, vừa học vừa làm, vừa áp dụng những kinh nghiệm đúc rút từ các "khách hàng" của tôi trong kinh doanh, vừa tận dụng được những nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng tôi công tác. Với nghề tay trái này, không những mang lại cho tôi một nguồn thu nhập khác ngoài lương tại bank, mà còn mang lại một luồng tư duy luôn phải sáng tạo, linh hoạt, luôn phải xoay chuyển để thích ứng với thị trường khác hẳn với tư duy "quy trình – mẫu biểu – phom mẫu" mà tôi đang làm tại Ngân hàng. Đó chính là những giá trị ngoài "vật chất" để tạo động lực cho tôi mỗi ngày.
Tôi không có bất kỳ một lời khuyên nào cả cho các bạn Banker trong câu chuyện này, bởi tôi biết trong chúng ta, ai cũng luôn có sự lựa chọn tốt nhất cho bản thân về nghề nghiệp vì không ai hiểu chúng ta bằng chính chúng ta. Có rất nhiều banker, nhưng không phải ai cũng làm thêm "nghề tay trái", vì nó phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, từng tính cách, từng mục tiêu của mỗi người. Bạn phấn đấu và đạt vị trí cao trong các ngân hàng, hay bạn thích mình được thử thách, được trải nghiệm với các hoạt động kinh doanh bên ngoài thì tất cả đều là tổng hòa các yếu tố chủ quan, khách hàng dẫn đến sự lựa chọn, thích ứng của các bạn.
Những lợi thế mà tôi đề cập ở trên, có thể đúng ở người này, người kia hoặc có người nhận ra để chớp lấy cơ hội khi nó đến, nhưng cũng có những người nằm đã nằm trong chu trình đó những chưa chắc đã nhận ra. Ai nắm được cơ hội, ai thích thử thách, hay đơn giản là ai khao khát kiếm tiền hơn thì sẽ là những banker có nhiều nghề "tay trái" hay là những banker "khởi nghiệp" thành công ở lĩnh vực mới.
Những banker vẫn còn đam mê công việc chính của mình thì tôi xin được nói lời chúc mừng tới các bạn, chúc mừng các bạn luôn thấy niềm vui trong công việc của mình. Khi bạn còn thấy sự sáng tạo, tươi mới trong tư duy và hành động, bạn còn sự nhiệt huyết cho mỗi sáng mai là bạn đang sống và làm đúng việc mình mong muốn. Dù bạn làm một nghề, hay có "trăm nghề" thì đó là làm cho bạn chứ không phải vì cho người khác, dù mục tiêu của nó là gì thì lựa chọn của bạn vẫn luôn đáng được trân trọng vì giọt mồ hôi và công sức bạn đã bỏ ra. Chúc Bạn luôn thành công khi là Banker hay khi là một người lao động nào khác.
Mời viết bài về NGHỀ TAY TRÁI, những VIỆC LÀM THÊM NGOÀI GIỜ của Banker
Quý độc giả đang và sẽ làm trong ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có những câu chuyện về "nghề tay trái", những việc làm thêm ngoài giờ hành chính, vui lòng đóng góp bài viết cho chúng tôi về địa chỉ email: info@cafef.vn
Độc giả có thể gửi dưới dạng bài viết hoặc tóm tắt ý tưởng, câu chuyện của mình, chúng tôi sẽ hỗ trợ biên tập thành bài báo hoàn chỉnh. Và nếu có hình ảnh của cá nhân hay nhân vật mình viết trong câu chuyện, hãy vui lòng gửi kèm bài viết cho chúng tôi.
Ban biên tập cũng sẽ phản hồi ngay các thông tin quý độc giả gửi và chi trả nhuận bút hấp dẫn cho các bài viết được đăng.
VI KHANH (Ngân hàng K.)