(Tổ Quốc) - Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với con số lợi nhuận khủng...
Báo cáo bán niên của Vietcombank cho thấy ngân hàng này đã giành lại vị trí "quán quân" về lợi nhuận trong quý vừa qua. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay đạt tới 14,6%, cao hơn so với mức 9,7% cùng kỳ. Đại diện Vietcombank cho biết, tín dụng hồi phục mạnh mẽ, trong khi huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục tăng ấn tượng, giúp Ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận cao.
Tương tự tại Techcombank, tăng trưởng tín dụng tốt (8,5%) và NIM duy trì ở mức cao 5,6% là động lực cho tăng trưởng lợi nhuận quý vừa qua. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của Techcombank đạt 15,9 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt hơn 14.100 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ.
Tại VPBank, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận "khủng" với thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 31,6 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 37% so với cùng kỳ và đã hoàn thành được 52% kế hoạch lợi nhuận. Tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ là 14,3% cùng với sự đóng góp lớn từ các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong quý 2, hầu hết các hoạt động kinh doanh của ABBank đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó gần 976 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 32% so với cùng kỳ, chủ yếu là tăng thu nhập lãi cho vay khách hàng. Đây cũng là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay khách hàng cao nhất trong 6 tháng đầu năm, tăng 12,6%.
Những ngân hàng khác như VIB, VietBank, MSB cũng có tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, đồng thời cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Như ngân hàng VIB lợi nhuận 6 tháng đạt hơn 5.000 tỷ, tăng 27% so với cùng kỳ trong khi VietBank (VBB) tăng 35,8%...
Nguồn: BCTC của các ngân hàng, tác giả tổng hợp
Nhìn một cách công bằng, dù tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm khá ấn tượng nhưng lại chủ yếu nhờ quý 1. Bước sang quý 2, tăng trưởng tín dụng ở một số nhà băng đã có dấu hiệu chậm lại rõ rệt do đã sử dụng gần hết "room" mà Ngân hàng Nhà nước cấp.
Chẳng hạn tại Techcombank, tăng trưởng tín dụng đến cuối quý 1/2022 đã đạt 7,9% nhưng kết thúc quý 2 mới chỉ nhích lên 8,5%. Ngân hàng phải dịch chuyển cơ cấu tín dụng với dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng mạnh 20% so với quý trước, tỷ trọng chiếm 46,6% trong tổng danh mục tín dụng và tỷ trọng của dư nợ cho vay khách hàng lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) giảm về còn 37,7% từ mức 45,6% cuối quý 1/2022.
Hay tại TPBank, dư nợ cho vay khách hàng đến cuối quý 1/2022 ghi nhận tăng trưởng 6,1% và đến cuối quý 2/2022 nhích lên mức 7%. Danh mục trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng chậm lại.
Song dù tăng nhanh hay chậm trong quý 2 và phụ thuộc thế nào vào quý 1 thì rõ ràng mức tăng trưởng tín dụng cao (nhờ sự hồi phục trong sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp giai đoạn hậu Covid) trong nửa đầu năm vẫn là động lực chính phác họa nên bức tranh đẹp về lợi nhuận ngân hàng 6 tháng qua.
Mặc dù lợi nhuận 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc, song lãnh đạo các ngân hàng cho biết họ đang phải đau đầu tính phương án kinh doanh trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh dư nợ tín dụng tại nhiều ngân hàng đã chạm trần hạn mức mà NHNN cấp hồi đầu năm nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được cấp "quota" mới. Do đó, bức tranh lợi nhuận cuối năm sẽ có sự phân hóa mạnh hơn, tùy theo "room" tín dụng mà NHNN nới thêm cho mỗi nhà băng.
SSI cho rằng NHNN sẽ nới room tín dụng cho các ngân hàng trong nửa cuối năm nay (mức tăng trưởng toàn ngành cả năm có thể đến 15-16%) nhưng cơ quan quản lý sẽ thận trọng hơn trong việc điều hành chính sách này. Theo đó, hạn mức được cấp thêm có thể ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện ngân hàng phải hạn chế giải ngân với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ngoài ra, trong nửa cuối năm nay, nếu NHNN tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng bất động sản và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng, nhiều khả năng các ngân hàng tư nhân sẽ phải "hãm phanh" tín dụng lĩnh vực này.
Thảo Linh