(Tổ Quốc) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,88 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, đầu tư mới có 750 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (tăng 65,2% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD (tăng 11,1% so với cùng kỳ).
Điều chỉnh vốn có 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 19,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 1,66 tỷ USD (giảm 68,6% so với cùng kỳ 1, tăng 1,7 điểm phần trăm so với 03 tháng và tăng 16,5 điểm phần trăm so với 02 tháng đầu năm).
Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp có 1.044 giao dịch GVMCP của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 1,8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỷ USD (tăng 70,4% so với cùng kỳ).
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 46 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 4 tháng đầu năm 2023. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,1 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 20212.
Bắc Giang xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD, chiếm hơn 11,3% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…
Đối với riêng Bắc Giang, trong 4 tháng đầu năm, Bắc Giang được nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư thực hiện dự án. Điển hình là dự án "Nhà máy công nghệ chính xác Fulian" Ingrasys (Singapore) Pte.Ltd do Công ty TNHH Fulian thực hiện tại Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu (Việt Yên).
Theo Ban quản ký các Khu công nghiệp Bắc Giang, mục tiêu của dự án là sản xuất linh kiện điện tử, chi tiết: sản xuất Bo mạch chủ; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính, chi tiết: Sản xuất máy chủ; vỏ máy chủ; sản xuất thiết bị truyền thông, chi tiết: Sản xuất card mạng; thiết bị chuyển mạng; Đầu thu kỹ thuật số; Card hiển thị; Bộ nhớ; Sản phẩm quản chế an ninh; sản xuất, gia công linh phụ kiện dùng cho điện thoại di động, chi tiết: sản xuất, gia công tai nghe, bản mạch, màn hình và hộp sườn.
Quy mô của dự án là sản xuất linh kiện điện tử: 2.185.000 sản phẩm/năm; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính: 3.502.000 sản phẩm/năm, trong đó: Máy chủ: 2.046.000 sản phẩm/năm; vỏ máy chủ: 1.456.000 sản phẩm/năm.
Cùng với đó, Nhà máy công nghệ chính xác Fulian được xây dựng để sản xuất thiết bị thuyền thông 8.264.000 sản phẩm/năm. Trong đó, card mạng 4.487.000 sản phẩm/năm; thiết bị chuyển mạch: 65.000 sản phẩm/năm; đầu thu kỹ thuật số: 352.000 sản phẩm/năm; card hiển thị: 2.673.000 sản phẩm/năm; bộ nhớ: 32.000 sản phẩm/năm; sản phẩm quản chế an ninh: 655.000 sản phẩm/năm.
Dự án đầu tư thực hiện tại Lô CN1, khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, trên diện tích 49,63ha. Tiến độ thực hiện dự án 36 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tổng vốn đầu tư đăng ký của dự án là 621 triệu USD.
Theo đó, tổng vốn đầu tư của dự án chiếm 15,13% tổng vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Cùng với đó, dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian xây dựng tại Bắc Giang hiện là dự án FDI có vốn đăng ký lớn nhất từ đầu năm đến nay.
Ngoài dự án này, nhà đầu tư Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited (Trung Quốc) cũng đầu tư nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời với quy mô công suất 3.500 Mw/năm trong KCN Hòa Phú (Hiệp Hòa). Dự án có vốn đầu tư khoảng 140 triệu USD, dự kiến triển khai từ quý I/2023.
Hơn nữa, Tập đoàn Yadea và Công ty cổ phần Lideco 1 đã trao biên bản ghi nhớ đầu tư thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện tại khu công nghiệp Tân Hưng, Bắc Giang.
Dự án này do Tập đoàn Yadea thực hiện, công suất sản xuất, lắp ráp dự kiến khoảng 2 triệu xe/năm. Tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 100 triệu USD. Dự án triển khai từ quý 2/2023, sử dụng hơn 23ha đất và tạo việc làm cho 3,5 nghìn lao động.
Theo đó, 3 dự án này chiếm 85% tổng vốn FDI đăng ký vào Bắc Giang trong 4 tháng đầu năm 2023.
Minh Tiến