(Tổ Quốc) - Rivian là thương vụ IPO xe điện đình đám nhất của năm 2021.
Trong bối cảnh rất nhiều ông lớn trên thế giới đầu tư vào ngành công nghiệp xe điện, thậm chí cả những công ty chưa hề có kinh nghiệm sản xuất ô tô trong quá khứ. Với sức nóng lớn như vậy của ngành xe điện, gã khổng lồ Amazon trong nỗ lực đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng đã bắt đầu để ý tới các start – up về lĩnh vực này. Họ đã lựa chọn Rivian – một công ty xe điện với sản phẩm ô tô bán tải được cho là đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với ông lớn Tesla trong một vài năm tới.
Rivian được thành lập từ năm 2009 bởi ông RJ Scaringe – cựu sinh viên đại học MIT và bắt đầu đi vào nghiên cứu, sản xuất xe điện tự lái 2 năm sau đó. Sản phẩm đầu tiên của hãng là chiếc xe thể thao mang tên Avera dành cho thị trường Mỹ, song không thực sự thành công.
Mặc dù vậy, năm 2015, hãng nhận được một khoản đầu tư lớn và bắt đầu mở cơ sở nghiên cứu tại khu vực Michigan và Bay Area; đồng thời, Rivian cũng đàm phán để để tiếp quản nhà máy của Mitsubishi đã đóng cửa ở Normal, Illinois. Năm 2017, công ty chính thức sở hữu nhà máy này với giá 16 triệu USD và biến nó trở thành công xưởng chính của họ tại khu vực Bắc Mỹ.
Sau khi nhận được khoản đầu tư chiến lược từ tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản vào cuối năm 2017, công ty nhanh chóng gia tăng quy mô với việc thuê thêm nhân sự. Đồng thời, thay vì tiếp tục với xe thể thao, họ chuyển hướng sang làm SUV và xe bán tải. Tại sự kiện ô tô tại Los Angeles cuối năm 2018, Rivian giới thiệu hai sản phẩm mới của mình: một chiếc xe bán tải 5 chỗ và một chiếc SUV 7 chỗ chạy bằng điện, lấy tên là A1T và A1C (mà sau này công ty đổi thành R1T và R1S).
Hai chiếc xe của Rivian được giới thiệu tại LA Auto Show năm 2018 (Ảnh: Ryan Denham)
Hai chiếc xe được mô tả là được đội ngũ của Rivian dồn rất nhiều thời gian và tâm huyết. Đặc biệt, chiếc xe bán tải của họ được cho là sẽ cạnh tranh trực tiếp với Cybertruck – mẫu xe cùng loại nổi bật của gã khổng lồ Tesla.
Theo công bố của hãng, hai chiếc xe có khả năng di chuyển với quãng đường lần lượt là 314 và 316 dặm (hơn 500 km). Giá bán của R1T và R1S rơi vào khoảng 67.500 USD và 70.000 USD đối với phiên bản thấp nhất. Mức giá của chiếc R1T khá cạnh tranh với Cybertruck (69.900 USD), trong khi chiếc SUV rẻ hơn tương đối nhiều khi đặt cạnh Tesla Model S (79.990 USD).
Trong tháng 9 vừa qua, đã có tới 48.390 đơn đặt hàng đối với hai chiếc xe của Rivian tại Canada và Mỹ, cho thấy sức hấp dẫn không hề nhỏ tới từ sản phẩm này. R1T và R1S đã nâng tầm hoàn toàn Rivian với các nhà đầu tư, và chỉ ít lâu sau đó, những khoản tiền khổng lồ đã được đổ vào công ty.
Chiếc R1T được đánh giá là đối trọng hàng đầu của Tesla CyberTruck (Ảnh: InsideEV)
Tính đến thời điểm hiện tại, Rivian nhận được hơn 10 tỷ USD đầu tư từ Amazon, Ford Motor và một số công ty ở phố Wall; số tiền này dùng để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, phát triển và kinh doanh mà theo công ty sẽ tiêu tốn tới 8 tỷ USD đến hết năm 2023. Đồng thời họ cũng nhận được đơn đặt hành 100.000 chiếc xe điện tới dùng để giao hàng tới hết năm 2030 từ chính nhà đầu tư lớn của mình là Amazon.
Công ty của tỷ phú Jeff Bezos đã rót tới 1,8 tỷ USD vào Rivian, biến họ trở thành một trong những nhà đầu tư và khách hàng lớn nhất của hãng xe điện này. Bên cạnh Amazon, Ford cũng đầu tư 1,4 tỷ USD và quỹ Rowe Price rót vốn tới 2,6 tỷ USD cho Rivian trong thời gian vừa qua.
Cuối năm 2020, công ty đã có kế hoạch đưa R1T và R1S tới khách hàng vào giữa năm 2021, sau khi phiên bản thấp nhất của cả 2 chiếc xe đều đã được đặt trước toàn bộ. Tuy nhiên kế hoạch này phải hoãn lại tới tháng 8, và dự kiến tới tháng 1 năm sau mới có thể đến tay người tiêu dùng do tình trạng thiếu chip nhớ trên toàn cầu.
Nhà máy sản xuất xe của Rivian (Ảnh: Lyndon French, The NY Times)
Tuy nhiên, cũng như nhiều start – up xe điện khác, Rivian đang phải chịu mức thua lỗ lớn do việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tiêu tốn rất nhiều tiền. Năm 2020, công ty chịu khoản lỗ lên tới 1,02 tỷ USD. Sang tới năm 2021, hết 6 tháng đầu năm, họ tiếp tục có lợi nhuận âm 994 triệu USD, nâng tổng lỗ lũy kế lên thành gần 2 tỷ USD. Công ty cũng không kỳ vọng đem lại lợi nhuận trong thời gian tới, khi họ vẫn cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu và cạnh tranh cùng nhiều start – up khác trên thị trường sản xuất xe điện.
Đầu tháng 11/2021, Rivian đã chốt mức giá IPO là 78 USD/cp. huy động 12 tỷ USD. Chốt phiên giao dịch, Rivian đóng cửa tại mức giá 100 USD/cp rồi tiếp tục tăng phi mã lên xấp xỉ 180 USD trong 4 phiên sau đó, tương ứng vốn hóa đạt hơn 161 tỷ USD.
Tuy nhiên từ đó đến nay là hành trình sụt giảm liên tục, cổ phiếu Rivian bốc hơi 2/3 giá trị, từng có lúc rơi xuống 50 USD vào chốt tuần đầu tháng Hai tại 60,87 USD với vốn hóa còn 55 tỷ USD - đây cũng là mức định giá kỳ vọng của VinFast khi IPO trong năm nay.
Cũng như nhiều hãng xe điện khác, Rivian đã đưa ra thị trường những sản phẩm có tính đột phá, thu hút được khách hàng. Họ thậm chí nhận được sự tín nhiệm từ Amazon với đơn đặt hàng lên tới 100,000 xe tới năm 2030, cho thấy uy tín của công ty với các nhà đầu tư là không hề nhỏ. Dù vậy, thách thức đặt ra trong những năm tới của Rivian vẫn là lợi nhuận, khi họ chịu sự cạnh tranh lớn từ các đối thủ khác cũng như sức ép từ những nhà đầu tư với kỳ vọng khổng lồ dành cho công ty này.
Rivian hiện vẫn là hãng có vốn hóa lớn thứ 10 thế giới
Phạm Tiến Đạt