(Tổ Quốc) - Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) về tình hình đầu tư nước ngoài, tính đến 20/4/2023, xét theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 46 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 4 tháng đầu năm 2023.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) về tình hình đầu tư nước ngoài, tính đến 20/4/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ. Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục giảm thì vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần đã tăng trở lại so với cùng kỳ.
Xét theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 46 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 4 tháng đầu năm 2023. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,7 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 4 tháng đầu năm và tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trước đó, lượng vốn FDI rót vào Hà Nội trong 3 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 158 triệu USD. Có thể thấy, chỉ trong vòng 1 tháng, lượng vốn FDI được đầu tư vào Hà Nội là khoảng 1,5 tỷ USD. Với kết quả này, Hà Nội đã vượt Thành phố Hồ Chí Minh và Bắc Giang để trở thành nơi hút vốn FDI nhiều nhất cả nước trong 4 tháng đầu năm 2023.
Trong khoảng thời gian này, Hà Nội đã cấp mới 103 dự án với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 35,2 triệu USD; 50 dự án điều chỉnh vốn, với lượng vốn điều chỉnh đạt hơn 91,8 triệu USD; 113 lượt dự án góp vốn mua cổ phần với giá trị vốn góp khoảng 1,5 tỷ USD.
Sau Hà Nội, Bắc Giang là địa phương xếp thứ hai cả nước về thu hút FDI, với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt khoảng 1 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, chiếm hơn 11,3% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2023, địa phương có 19 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 949,31 triệu USD; 9 dự án điều chỉnh vốn, với lượng vốn điều chỉnh đạt hơn 47,53 triệu USD; 13 lượt dự án góp vốn mua cổ phần với giá trị vốn góp khoảng 10,83 triệu USD.
Với với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt khoảng 979 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thu hút vốn FDI cao thứ ba cả nước. Trong đó, thành phố đã cấp đầu tư cho 307 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 171,32 triệu USD; 95 dự án điều chỉnh vốn, với lượng vốn điều chỉnh đạt hơn 372 triệu USD; 691 lượt dự án góp vốn mua cổ phần với giá trị vốn góp khoảng 1,2 tỷ USD.
Bên cạnh 3 địa phương kể trên, Bình Dương và Đồng Nai cũng nằm trong nhóm 5 địa phương có lượng vốn FDI dẫn đầu cả nước trong 4 tháng đầu năm, với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp lần lượt đạt 892 triệu USD và 645 triệu USD.
Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh vẫn là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (40,9%), số lượt dự án điều chỉnh (24,6%) và góp vốn mua cổ phần (66,2%).
Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút ĐTNN (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc túc đầu tư,…) như Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng,…
Tính lũy kế đến ngày 20/04/2023, cả nước có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,87 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Xét theo địa bàn đầu tư, đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài với gần 56,7 tỷ USD (chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với gần 40 tỷ USD (chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với hơn 39,1 tỷ USD (chiếm gần 8,8% tổng vốn đầu tư).
Giang Anh