(Tổ Quốc)- Tỷ giá USD biến động mạnh trong phiên 23/8, tăng mạnh lúc đầu phiên sau đó quay đầu giảm khỏi mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ so với đồng euro sau khi một báo cáo cho thấy hoạt động của khu vực tư nhân Mỹ tháng 8 giảm tháng thứ 2 liên tiếp, làm gia tăng khả năng Fed sẽ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ.
Chỉ số quản lý sức mua tổng hợp (PMI) tháng 8 của Mỹ - do S&P Global theo dõi – đã giảm xuống 45 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2021, do nhu cầu về dịch vụ và sản xuất suy yếu bởi lạm phát và điều kiện tài chính bị siết chặt dần lại. Chỉ số này dưới ngưỡng 50 điểm thể hiện sự sụt giảm.
Sự sụt giảm nhu cầu chính là điều mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cố gắng để đạt được, sau những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1980. Fed đã tăng lãi suất từ mức gần 0 vào tháng 3/2022 lên phạm khoảng 2,25% đến 2,50% hiện nay, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm nữa trong những tháng tới, nhằm ngăn chặn lạm phát – đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm.
Ed Moya, nhà phân tích cấp cao của Oanda, cho biết: "PMI ngành sản xuất và dịch vụ thấp hơn kỳ vọng làm dấy lên lo ngại về ‘sức khỏe’ của nền kinh tế Mỹ, khơi lại khả năng Chủ tịch Fed, ông Powell, có thể sẽ xoay trục chính sách, giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ".
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 23/8 theo giờ Việt Nam đã giảm 0,523% xuống 108,42 từ mức cao nhất kể từ giữa tháng Bảy đạt được chỉ vài giờ trước đó.
Đồng euro đã trải qua một phiên biến động rất mạnh. Bước sang ngày 23/8, euro lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ, là 0,99005 USD, do lo sợ về nguy cơ xảy ra một cú sốc năng lượng khiến lạm phát vốn đã cao sẽ còn tăng thêm nữa, từ đó gây ra suy thoái ở khu vực này. Tuy nhiên, sau đó, euro hồi phục trở lại, lúc kết thúc ngày 23/8 theo giờ Việt Nam tăng 0,35% lên 0,9977 USD. Mặc dù vậy, euro vẫn dưới mức ngang giá so với đồng bạc xanh.
Đồng euro giảm xuống thấp nhất trong vòng 20 năm so với USD.
Dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh ở châu Âu tháng 8 đã giảm ít hơn so với dự báo, mặc dù triển vọng vẫn ảm đạm.
Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng của Berenberg cho biết: "Những lo ngại mới về châu Âu sau khi giá xăng tăng vọt là lý do chính khiến đồng euro giảm giá".
Giá khí đốt bán buôn tại Anh và Hà Lan tăng mạnh vào đầu tuần này do đường ống chính dẫn khí từ Nga đến châu Âu sắp vào giai đoạn bảo trì, khiến cạnh tranh trên thị trường gia tăng hơn nữa.
Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 trong ba ngày vào cuối tháng 8 này. Đây là lời nhắc nhở mới nhất về tình trạng bấp bênh về nguồn cung cấp năng lượng cho lục địa này.
Ray Attrill, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối của Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) cho biết: "Với thực trạng hiện tại, rõ ràng là có những lo ngại về việc liệu đó sẽ là ba ngày hay sẽ là ba năm?"
Trong khi đó, những đợt nắng nóng vẫn tiếp diễn ở châu Âu, gây căng thẳng cho việc cung cấp năng lượng và làm gia tăng lo ngại rằng bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung (khí gas) nào trong những tháng mùa đông đều có thể sẽ tàn phá hoạt động kinh doanh của khu vực.
Tất cả những điều đó đã làm tổn hại đến đồng euro, vốn đã giảm hơn 12% từ đầu năm đến nay và giảm gần 3% chỉ riêng trong tháng Tám.
Đồng euro năm nay giảm giá mạnh nhất trong lịch sử.
Kenneth Broux, chiến lược gia tiền tệ của Societe Generale ở London, cho biết: "Những gì chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu là mức độ di chuyển của đồng euro, bị điều khiển bởi thanh khoản thấp trong mùa hè". "Nhưng tất nhiên việc giá xăng ngày hôm qua là một tin xấu."
Đồng bảng Anh đã phục hồi một phần sau dữ liệu PMI và tăng 0,56% so với đồng bạc xanh vào lúc kết thúc ngày 23/8 theo giờ Việt Nam, sau khi có lúc chạm 1,1718 USD/GBP trước đó.
Đô la Australia và đô la New Zealand tăng giá so với USD trong phiên vừa qua, trong bối cảnh thị trường dồn sự chú ý vào đồng euro. Theo đó, AUD tăng 0,3% lên 0,6895 USD, trong khi NZD tăng 0,4% lên 0,6189 USD.
Đô la Australia được hỗ trợ bởi đồng euro giảm giá. Australia là nước xuất khẩu ròng năng lượng và giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng cao đã góp phần dẫn đến thặng dư thương mại kỷ lục trong năm nay. Các thị trường đang ngày càng đặt cược rằng Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) sẽ tăng tỷ lệ lãi suất thêm 50 điểm cơ bản từ mức 1,85% hiện nay vào tháng 9 tới để ngăn chặn lạm phát.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm do Bắc Kinh thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Theo đó, nhân dân tệ sáng ngày 23/8 giao dịch ở mức 6,8552 CNY/USD, thấp nhất kể từ tháng 9/2020, sau đó hồi phục lên 6,8499 CNY vào cuối ngày.
Các nhà phân tích dự kiến đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục giảm giá, mặc dù không có dấu hiệu bán ra một cách hoảng loạn.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin hồi phục nhẹ, nhưng vẫn quanh mức 21.000 USD.
Giá vàng tăng trở lại do USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đều giảm giá sau dữ liệu kinh doanh của Mỹ sa sút.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 23/8 theo giờ Việt Nam tăng 0,9% lên 1.750,59 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,9% lên 1.764,20 USD.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA cho biết: "Ngoài việc USD và lợi suất trái phiếu giảm, dữ liệu PMI sản xuất cho thấy sự thu hẹp lớn, chứng tỏ nền kinh tế đã suy yếu nhanh chóng, mở ra khả năng Fed có thể không mạnh tay tăng lãi suất như thời gian qua, và điều đó sẽ hỗ trợ cho thị trường vàng."
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Vũ Ngọc Diệp