(Tổ Quốc) - Đại dịch COVID-19 đã gây nên những tác động to lớn đến cuộc sống, đặc biệt là tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp.
Làm thế nào để ứng phó với các biến động, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng trong thời kỳ "bình thường mới" và tận dụng tối đa các yếu tố công nghệ, nền tảng để trụ vững và phát triển là nỗi trăn trở của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.
Facebook vừa chia sẻ những phát hiện mới nhất trong Báo cáo Hành vi mua sắm cuối năm, cung cấp thông tin về xu hướng kinh doanh tại Việt Nam, cũng như các cam kết và hoạt động của Facebook nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau đại dịch. Báo cáo do Facebook hợp tác thực hiện cùng YouGov – công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, dựa trên kết quả khảo sát trực tuyến với người mua sắm tại Việt Nam, trên 18 tuổi từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 2 năm 2020. Ngoài ra, Facebook cũng đã phân tích nhiều nguồn thông tin từ bên thứ ba trên GlobalWebIndex, cũng như dữ liệu về chuyển đổi và trò chuyện trên Facebook từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 4 năm 2020.
Dịch bệnh khiến những ngày hội mua sắm và Tết càng trở nên quan trọng hơn
Báo cáo của Facebook chỉ ra một thực tế: Những ngày hội mua sắm cuối năm và dịp Tết càng ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với người Việt Nam. Các doanh nghiệp ghi nhận thực tế đơn hàng tăng gần 2-3 lần so với ngày thường trong 3 ngày hội mua sắm online tiêu biểu: 11/11, Black Friday (ngày thứ 6 cuối cùng của tháng 11) và 12/12. Có tới 82% người tham gia khảo sát cho biết họ chủ động tìm kiếm các ưu đãi giảm giá trong mùa mua sắm này, 70% tin rằng Tết là thời điểm săn lùng những chương trình ưu đãi tốt nhất.
Điều này được củng cố bởi tâm lý muốn "tự thưởng" cho bản thân sau một năm làm việc hăng say, vất vả của người Việt. Cứ 10 người thì 8 người mong muốn mua sắm để tưởng thưởng chính mình trong mùa lễ hội. Thức ăn, thiết bị gia dụng, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp là các hạng mục mua sắm chính. Điều này mở ra những triển vọng tích cực cho hoạt động thương mại nửa cuối năm nay, đặc biệt là thương mại trực tuyến, bất chấp một năm 2020 đầy khó khăn.
Ông Khôi Lê, Giám đốc kinh doanh của Facebook tại thị trường Việt Nam
Ông Khôi Lê, Giám đốc kinh doanh của Facebook tại thị trường Việt Nam, cho biết: "Nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam đã phải trì hoãn quyết định mua sắm của mình do dịch bệnh COVID-19, và họ sẽ dồn việc mua sắm vào cuối năm, thời điểm diễn ra nhiều hình thức giảm giá, khuyến mại. Nắm bắt tâm lý này, doanh nghiệp cần có những nội dung tiếp cận người dùng phù hợp và xây dựng chương trình tư vấn, chăm sóc khách hàng chu đáo. Doanh nghiệp cũng nên lưu ý chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đón đầu hoạt động mua sắm của người dân, vốn thường rậm rịch trước kỳ giảm giá khoảng 10 ngày."
Nâng cao trải nghiệm mua sắm đa kênh
Trái với suy nghĩ của nhiều người, chính thế hệ X và Boomers (trên 40 tuổi) lại đang là nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng thương mại trực tuyến và trên di động dịp cuối năm tại Việt Nam. Báo cáo của Facebook cho thấy, 62% người dùng trong độ tuổi này quan tâm đến việc "Mua hàng trực tuyến, nhận tại cửa hàng"; 70% thừa nhận mình đã nhắn tin cho ít nhất một cửa hàng trong mùa mua sắm cuối năm. Mua sắm trên di động ngày càng phổ biến, với 80% cho biết mình phụ thuộc vào các thiết bị di động để mua sắm trong kì nghỉ năm 2019. Đặc biệt đối với người tiêu dùng thuộc thế hệ Boomers, xu hướng mua hàng trên thiết bị di động trong năm 2019 đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế này cũng phản ánh trong cách mà người tiêu dùng đánh giá và kỳ vọng ở các thương hiệu. Theo đó, người tiêu dùng mong muốn các thương hiệu trở nên "thông minh" và "đáng tin cậy", hơn là "trẻ trung". Video giới thiệu sản phẩm trở thành công cụ hữu hiệu giúp thương hiệu tiếp cận người mua và giúp họ đưa ra quyết định mua sắm tốt hơn.
Dựa trên các phát hiện mới về hành vi tiêu dùng, Facebook khuyến cáo các doanh nghiệp cần có hướng tiếp cận cá nhân hóa diện rộng, gửi đến từng nhóm đối tượng khác nhau những thông điệp khác biệt và phù hợp, tăng cường thu hút và thúc đẩy chuyển đổi hành vi mua sắm cuối năm và dịp Tết. Các hình thức tiếp thị có tính tương tác cao như livestream, chơi game trúng thưởng, và truyền thông qua người nổi tiếng, KOL trải nghiệm sản phẩm… được xem như những ý tưởng tốt để thương hiệu thể hiện được tính chân thật của mình, đến gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt trên không gian mạng xã hội.
"Nhu cầu mua sắm dịp cuối năm cận Tết, cùng với thực tế dịch bệnh hoành hành, đang cho thấy giá trị của trải nghiệm mua sắm đa kênh. 82% người mua hàng dịp Tết đều chủ động nghiên cứu sản phẩm mình muốn mua trước khi tới cửa hàng, và thậm chí khi đang ở cửa hàng rồi, 39% vẫn có thể chuyển sang đặt mua trên mạng xã hội. Do đó, doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp thị đa kênh thật bài bản, chặt chẽ, tận dụng sức mạnh của mạng xã hội trong cao điểm mùa mua sắm tới đây." – theo ông Khôi Lê.
Mặc dù dịch bệnh tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp và đặt ra thử thách chưa từng có tiền lệ đối với đời sống con người và nền kinh tế thế giới, song có thể nói rằng, COVID-19 là đòn bẩy thần tốc cho tiến trình số hóa, thay đổi hoàn toàn cách thức chúng ta tương tác với nhau và thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp cải thiện hiện diện trực tuyến của mình
Ánh Dương