Forbes: Đại dịch cũng không thể làm suy yếu thế mạnh về gia công phần mềm của Việt Nam

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức tiềm ẩn, Việt Nam nổi lên là một điểm sáng về sức bật tinh thần cũng như năng lực về công nghệ. Mặc dù cuộc khủng hoảng kép về kinh tế và sức khoẻ đã tác động mạnh mẽ đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm những quốc gia trong khu vực như Ấn Độ và Philippines, ngành công nghiệp gia công phần mềm CNTT của Việt Nam vẫn được coi là lĩnh vực ổn định về năng suất.

Giám đốc Công nghệ Kỹ thuật số tại Harvey Nash, bà Anna Frazzetto cho biết Việt Nam từ lâu đã được đánh giá là khu vực có lực lượng gia công phần mềm công nghệ nhỏ nhưng hùng mạnh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Những yếu tố đưa Việt Nam trở thành tâm điểm về phát triển công nghệ nhanh, giờ đây cũng đang giúp Việt Nam tồn tại và vượt qua đại dịch với sự ổn định và mạnh mẽ trong khi nhiều quốc gia khác phải vật lộn.

Giám đốc Anna Frazzetto chỉ ra lý do mà Việt Nam, một quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé vẫn ổn định, hoạt động hiệu quả và phát triển nhanh về mặt kỹ thuật số bất chấp tình trạng hỗn loạn trên diện rộng là nhờ lòng trung thành, các kế hoạch có hệ thống và khả năng thích ứng linh hoạt.

Lòng trung thành 

Theo bà Anna Frazzetto, lực lượng lao động Việt Nam từ lâu đã được đánh giá cao về lòng trung thành. Hầu hết nhân viên trung thành với tổ chức của họ, rộng hơn là đối với gia đình và cộng đồng. Bà cũng chỉ ra lòng trung thành của người Việt Nam có thể nhìn thấy trong các chiến lược đối phó với đại dịch Covid-19 của đất nước vừa qua.

Bà cũng nhấn mạnh rằng các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc chống dịch đã đạt hiệu quả cao do người dân được tiếp cận thông tin nhanh chóng, chặt chẽ. Điều này là minh chứng rõ nhất cho lòng trung thành và tinh thần cộng đồng của người dân Việt Nam, bà khẳng định.

Lập kế hoạch có hệ thống

Dịch bệnh và thiên tai làm gián đoạn công việc và cuộc sống không phải là điều mới đối với Việt Nam. Trước đó, Việt Nam đã trải qua cuộc đấu tranh với dịch SARS năm 2003, H1N1 năm 2009. Đồng thời, quốc gia này cũng là khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, khi hàng năm Việt Nam phải đối mặt với nhiều cơn bão lớn cũng lũ lụt và lở đất.

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều biết rõ những thách thức này có thể tàn phá sức khoẻ và nền kinh tế quốc gia, do vậy họ cũng đã có những kế hoạch kinh doanh dựa trên những kinh nghiệm trước đó. 

Khi Chính phủ đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng định hình lại hoạt động kinh doanh bằng các phương pháp làm việc tại nhà. 

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công phần mềm, việc chuyển sang làm việc tại nhà không phải là một thách thức như đối với nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin khác trên thế giới. 

Điển hình như nhân viên khu vực thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội của NashTech - công ty công nghệ toàn cầu thuộc tập đoàn Harvey Nash, đã chuyển sang làm việc tại nhà trong vòng chưa đầy 30 ngày theo Kế hoạch liên tục kinh doanh (Business Continuity Plan) của công ty. Bà Anna Frazzetto cho biết đến ngày 24/2, NashTech đạt 90% công suất trong quản lý khối lượng công việc của khách hàng và đạt 100% công suất vào ngày 1/3. 

Khả năng thích ứng linh hoạt trong các môi trường kinh doanh 

Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế cởi mở trong việc chuyển đổi thị trường. Trong 2 thập kỷ qua, những khoản đầu tư vào kinh doanh, giáo dục và cơ sở hạ tầng trên khắp đất nước đã giúp Việt Nam chuyển dịch nền kinh tế và hình thành tầng lớp trung lưu cũng như đạt tốc độ phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. 

Bà Anna Frazzetto cho rằng việc tập trung đầu tư rộng rãi cho giáo dục, từ cấp tiểu học đến đại học nhằm mang lại một lực lượng lao động có tay nghề cao đã thúc đẩy lĩnh vực công nghệ phát triển mạnh mẽ, từ đó nâng cao khả năng đối phó với những thách thức do đại dịch gây ra. 

Trên thực tế, Việt Nam hiện đang đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng Quốc gia số 2020 do công ty tư vấn chiến lược đầu tư Tholons (Hoa Kỳ) xếp hạng. Việt Nam tiếp tục đóng vai trò là điểm đến quan trọng về gia công phần mềm cho những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Google, Apple và Microsoft.

Dù là trong giai đoạn đóng cửa hay mở cửa nền kinh tế, Việt Nam vẫn là đối tác hỗ trợ công nghệ, dịch vụ và sản xuất ổn định, khi các quốc gia toàn cầu đang vật lộn với khủng hoảng. Giám đốc Anna Frazzetto kết luận: "Đại dịch có thể gây nhiễu loạn thế giới, nhưng Việt Nam có đầy đủ các yếu tốt cần thiết để ngăn chặn virus, ổn định nền kinh tế, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo".

Q.L

Tin mới