(Tổ Quốc) - Trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19.
Theo Báo cáo Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý 2 của Tổng cục Thống kê, trong quý 2 năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…Như vậy, so với quý I năm 2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25-54 với 75% lao động bị ảnh hưởng.
Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.
Lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều so với hơn khu vực nông thôn. Có 21,9% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, trong khi đó con số này ở nông thôn là 14,3%.
Lao động có việc làm trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản ít chịu tác động xấu của đại dịch nhất, chỉ có với 8,9% lao động trong khu vực này cho biết họ chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Đứng thứ hai là lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng với 24,6% bị ảnh hưởng. Lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với tỷ lệ 30,6%.
Đến hết quý 2 năm 2021, tình hình bệnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng cách ứng phó của người lao động và người chủ sử dụng lao động trước đại dịch trong năm nay có nhiều thay đổi so với năm 2020 đã góp phần làm gia tăng đáng kể số người tham gia lực lượng lao động so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2020, đất nước phải trải qua 2 tuần thực hiện "cách ly toàn xã hội" trên phạm vi toàn quốc, hàng loạt các doanh nghiệp yếu kém, không cần thiết buộc phải đóng cửa. Lao động có việc làm phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề và lựa chọn duy nhất của họ là ngừng làm việc vì họ không có ràng buộc gì với nhà tuyển dụng. Họ bị buộc phải rời khỏi thị trường lao động và kết quả là lực lượng lao động năm 2020 bị sụt giảm nghiêm trọng.
Năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng nhưng ảnh hưởng không đồng đều đến các khu công nghiệp. Các lao động chính thức trong khu công nghiệp đã bị ảnh hưởng nhưng hầu hết, mặc dù không phải tất cả, vẫn được chủ sử dụng lao động duy trì hợp đồng công việc. Điều này làm lực lượng lao động quý 2 năm 2021 không giảm như cùng kỳ năm trước.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 2 năm 2021 đạt 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, lực lượng lao động vẫn thấp hơn 304 nghìn người. Nếu so với xu hướng tăng lực lượng lao động hàng năm trước khi chưa có dịch thì lực lượng lao động thực tế quý 2 năm 2021 đang thấp hơn trạng thái bình thường là 1,7 triệu người. Nói cách khác, đại dịch Covid-19 đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của hơn 1,7 triệu dân số từ 15 tuổi trở lên.
So với quý trước, lực lượng lao động tăng chủ yếu ở khu vực thành thị (tăng 354,8 nghìn người) và lực lượng lao động nam (tăng 36,3 nghìn người). So với cùng kỳ năm trước lực lượng lao động tăng chủ yếu ở khu vực thành thị (tăng hơn 1 triệu người) và lực lượng lao động nữ (tăng hơn 1,3 triệu người).
Quý 2 năm 2021 cũng ghi nhận mức độ tăng trưởng mạnh về lao động có việc làm (tăng 1,8 triệu lao động) so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây không thể được coi là thành quả tăng trưởng ấn tượng vì nó được so sánh với nền sụt giảm quá mạnh của lao động có việc làm trong cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, số người có việc làm quý 2 năm 2021 vẫn thấp hơn số người có việc làm cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19, thấp hơn gần 500 nghìn người. Nếu giả định dịch được kiểm soát và nền kinh tế được hồi phục hoàn toàn, để đạt được trạng thái bình thường ban đầu, so với cùng kỳ năm trước quy mô lao động có việc làm năm nay cần phải tăng 3,6 triệu người chứ không phải 1,8 triệu người như đã quan sát được. Rõ ràng, sự bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm.
Trong quý 2 năm 2021, số người có việc làm phi chính thức là 20,9 triệu người, tăng 251,4 nghìn người so với quý trước và tăng 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý 2 năm 2021 là 57,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, quý 2 năm 2021 là quý ghi nhận tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức cao nhất so với các quý khác trong vòng 3 năm trở lại đây. Điều này chứng tỏ những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã không chỉ tước đi cơ hội có việc làm của 1,8 triệu lao động mà còn đẩy 1,4 triệu lao động khác rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương do không có việc làm chính thức.
Hoàng Hà