(Tổ Quốc) - Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2022 đạt 486,4 nghìn lượt người, tăng 38% so với tháng trước và gấp 52,3 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Riêng trong tháng 8, Hàn Quốc là quốc gia có đông du khách đến Việt Nam nhất với hơn 173.000 lượt người, chiếm 35,7% tổng du khách quốc tế đến nước ta và tăng 120 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 8 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,44 triệu lượt người, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 1,27 triệu lượt người, chiếm 88,2% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 18,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Khách quốc tế đến bằng đường bộ đạt 170.000 lượt người, chiếm 11,8% và gấp 4,7 lần. Khách đến bằng đường biển đạt 387 lượt người, chiếm 0,03% và tăng 40,7%.
Du khách đến từ châu Á đông nhất với gần 997.000 lượt khách, chiếm 69,18% tổng du khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm. Trong đó, quốc gia trong khu vực có nhiều du khách đến Việt Nam nhất là Hàn Quốc với gần 370.000 lượt khách, tăng 17,61 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quốc gia có lượng du khách đến Việt Nam đông nhất trên thế giới.
Xếp thứ 2 là Mỹ với hơn 139.000 lượt khách, tăng 59,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Quốc gia có lượt khách du lịch đến Việt Nam nhiều thứ 3 là Campuchia với 82.000 lượt du khách, tăng 260 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Nhật Bản và Singapore cũng là 2 quốc gia có lượt khách du lịch đến Việt Nam khá đông với số khách lần lượt là 71.000 và 67.000 lượt người.
Ngoài ra, các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nằm trong top 10 có lượt người đến Việt Nam du lịch nhiều nhất trong 8 tháng đầu năm 2022 gồm có Trung Quốc, Australia, Thái Lan, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).
Theo chiến lược của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong ngắn hạn, ngành du lịch cần khai thác tốt các thị trường đã có kết nối lại hàng không, đã cho phép công dân đi du lịch nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương sau dịch. Trong đó, tập trung thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Úc, ASEAN và linh hoạt, chuyển hướng khai thác thị trường mới, có khả năng tăng trưởng như Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông…
Về trung hạn, toàn ngành tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác phát triển các thị trường trọng điểm, xúc tiến các thị trường khách mới tiềm năng hoặc còn đang chiếm thị phần nhỏ nhưng có cơ hội mở rộng thị phần để đa dạng hóa, tạo thế cân bằng, ổn định các thị trường khách.
Ngoài sản phẩm chủ đạo là nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch khám phá di sản, văn hóa, thiên nhiên, cần đẩy mạnh thu hút một số phân khúc khách theo các loại hình chuyên đề như du lịch golf, MICE, chăm sóc sức khỏe, mạo hiểm.
Anh Ngọc