(Tổ Quốc) - Nền kinh tế toàn cầu chưa từng chứng kiến xu hướng tăng giá trên diện rộng của nhiều loại hàng hóa nguyên liệu thô như hiện nay kể từ đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi cuối năm 2007 và trước đó là cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1970.
Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ vào tháng 5.2021, tăng 40% so với cùng kỳ một năm trước đó.
Theo báo cáo, chỉ số giá lương thực của FAO (FFPI) đứng ở mức 127,1 điểm trong tháng 5.2021. Chỉ số này đã tăng 12 tháng liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ tháng 9.2011, do giá dầu thực vật, đường và ngũ cốc tăng cao. Sang tháng 7, chỉ số này hạ nhiệt nhẹ nhưng vẫn ở mức 123 điểm, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số FFPI giảm trong tháng 7 do ảnh hưởng bởi giá ngũ cốc, giá sữa và dầu thực vật trong khi giá thịt và giá đường tăng.
Chỉ số giá đường FAO Sugar Price Index bình quân 109,6 điểm trong tháng 7, tăng 1,7% so với tháng trước và là tháng tăng thứ 4 liên tiếp, lên mức cao nhất từ tháng 3/2017. FAO cho biết giá đường thế giới tăng liên quan đến sự không chắc chắn về các đợt băng giá gần đây tại Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vốn đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài. Giá dầu thô tăng mạnh cũng có xu hướng thúc đẩy các nhà sản xuất đường ở Brazil chuyển sang sản xuất ethanol thay vì sản xuất đường, điều này hỗ trợ thêm cho giá đường thế giới.
Giá đường cao nhất 4 năm
Reuters đưa tin vụ đường ở Brazil, quốc gia cung cấp khoảng 40% sản lượng đường thế giới, có thể kết thúc sớm hơn nhiều thường lệ, khiến nguồn cung toàn cầu bị hạn chế.
Số liệu của Unica cho biết sản lượng đường ở khu vực trung nam Brazil giảm 11% trong nửa cuối tháng 7, xuống còn 3 triệu tấn, do bị ảnh hưởng bởi các đợt sương giá. Điều này là đòn giáng mới với ngành nông nghiệp của Brazil vốn vừa bị thiệt hại nặng nề bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất 90 năm trước đó.
Theo Unica, sản lượng mía trên mỗi ha giảm 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 7, do sương giá khiến các nhà máy phải cắt mía trước thời điểm thu hoạch lý tưởng. Sản lượng mía nghiền cũng giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 46,69 triệu tấn.
Giám đốc Antonio de Padua Rodrigues của Unica cho rằng trong những tuần tới, ngành mía đường sẽ đưa ra thêm dữ liệu về tác động của thời tiết sương giá với tình hình sản xuất. Theo kết quả khảo sát của công ty S&P Global Platts, sản lượng đường ước giảm 10%.
Những thông tin bất lợi từ quốc gia cung cấp đường lớn nhất thế giới đã khiến giá đường lên cao nhất trong 4 năm qua, và xu hướng này có thể chưa dừng lại.
"Nguồn: tradingeconomics.com".
Ngành đường Việt Nam khởi sắc
Điều kiện thị trường tăng mạnh đã giúp các công ty sản xuất đường trong nước, có một niên vụ khởi sắc hơn hẳn so với các năm trước.
CTCP Mía đường Sơn La (mã chứng khoán SLS) kết thúc NĐTC 2020 – 2021 đạt 801 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 23,6% so với cùng kỳ, LNST đạt 164 tỷ đồng tăng 38% so với cùng kỳ NĐTC 2019 – 2020.
Đường Quảng Ngãi (QNS) vừa công bố 6 tháng đầu năm 2021 đạt 3.689 tỷ doanh thu, tăng 13% và LNST 521,5 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với nửa đầu năm ngoái.
CTCP Thành Thành Công Biên Hoà cho biết lợi nhuận trước thuế niên độ này đạt gần 800 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 675 tỷ đồng, tăng 86% với biên lợi nhuận gộp đạt 14,7%, tăng 30% so với cùng kỳ. Đường vẫn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu của SBT với doanh thu lũy kế đạt 14.100 tỷ đồng, chiếm 95% tổng doanh thu niên độ 2020-2021 (14.902 tỷ). Doanh thu tăng qua các kênh nhờ việc công ty đã xây dựng chính sách bán hàng hiệu quả, mở rộng thị phần ở các kênh, phân khúc bán hàng và tối ưu hoạt động của chuỗi cung ứng, kiểm soát tốt chi phí đầu vào.
Năm ngoái, TTC Biên Hoà đã vượt mốc tiêu thụ 1 triệu tấn đường, nâng thị phần nội địa lên 46% từ 42% của niên độ trước. Niên độ này, mục tiêu của TTC Biên Hoà nâng thị phần nội địa lên 50% với mục tiêu trở thành "Nhà cung cấp giải pháp sản phẩm Nông nghiệp có nguồn gốc và bền vững hàng đầu Đông Dương. Đây là thành quả đánh dấu sự thành công trong chiến lược về mở rộng thị phần mà Ban lãnh đạo Công ty đã theo đuổi suốt thời gian qua.
Không chỉ mở rộng thị trường trong nước, TTC Biên Hoà còn là nhà tiên phong trong hoạt động xuất khẩu khi đưa sản phẩm của mình tới 24 quốc gia, trong đó bao gồm cả những thị trường khó tính như là Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Singapore,... TTC Biên Hòa đã đang cạnh tranh với những ông lớn Mía Đường trên thế giới để đưa những dòng sản phẩm cao cấp, mới lạ và phù hợp thị hiếu Người tiêu dùng tại các thị trường lớn và khó tính.
TTC Biên Hòa hiện sở hữu vùng nguyên liệu rộng lên tới gần 64.000 ha tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, dự kiến tiếp tục mở rộng lên đến 70.000 ha trong thời gian tới.
Đã có những lo ngại cho ngành mía đường trong nước khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ 1/1/2020, thuế nhập khẩu đường từ các nước ASEAN vào Việt Nam chỉ ở mức 5%. Điều này khiến đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng vọt, gây khó khăn cho ngành sản xuất mía đường trong nước, khiến hàng chục nhà máy mía đường phải "đắp chiếu".
Tuy nhiên, cuối năm 2020, Bộ Công thương đã áp thuế chống bán phá giá với đường nhập khẩu từ Thái Lan, với mức thuế 44,88% với đường tinh luyện, 33,88%. Việc áp thuế được kỳ vọng đường lậu được kiểm soát, nguồn cung đường trong nước thiếu hụt sẽ hỗ trợ giá đường nội địa tiếp tục tăng mạnh, hỗ trợ các nhà sản xuất đường gia tăng biên lợi nhuận gộp.
Sau khi các biện pháp phòng vệ chính thức có hiệu lực, lượng đường nhập khẩu đã giảm đáng kể, giá mua mía trong nước niên vụ 2020-2021 đã tăng từ 150.000 – 200.000 đồng/tấn mía so với trước đây, đạt bình quân 1 triệu đồng/tấn mía (tương đương khoảng 44,36 USD/tấn mía). Mức giá này đã tiệm cận với giá mía trong khu vực ASEAN (khoảng trên dưới 50 USD/tấn mía). Giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020.
Theo phân tích của CTCK SSI, đường là thực phẩm thiết yếu và nhu cầu đối với mặt hàng này ít nhạy cảm với dịch Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung đường, khi đường sản xuất trong nước dự kiến niên vụ 2020/2021 của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) chỉ đạt 600 nghìn tấn (giảm 34% so với cùng kỳ). Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước vẫn ổn định với mức tăng trưởng khoảng 3 - 5%/năm và đạt mức 2,2 triệu tấn trong năm 2021. Do vậy, nguồn cung trong nước hiện tại chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu.
Ánh Dương