(Tổ Quốc) - Đồng euro hồi phục khỏi mức thấp nhất 22 tháng so với USD do thị trường kỳ vọng khu vực đồng euro sẽ tăng chi tiêu tài khóa để bù đắp những tác động kinh tế do cuộc xung đột Nga – Ukraine gây ra, đẩy giá năng lượng và các hàng hóa khác tăng vọt. Trong khi đó, USD hạ nhiệt sau chuỗi những phiên tăng mạnh. Vàng trở lại mức trên 2.000 USD và chỉ còn cách 10 USD so với mức "đỉnh" lịch sử.
Đồng tiền chung châu Âu – vốn chịu sức ép nặng nề gần nhất trên thị trường ngoại hối do tác động từ bất ổn chính trị lên thị trường tài chính – cũng tăng so với các đồng tiền khác như yen Nhật, franc Thụy Sỹ và bảng Anh.
"Chúng tôi đã thấy rất nhiều chủ đề đang nổi lên, trong đó vấn đề lớn nhất xoay quanh việc phát hành trái phiếu siêu quốc gia ở khu vực đồng euro, và do đó khả năng sẽ có tăng chi tiêu tài chính trong khu vực đó - là lý do tại sao tỷ giá USD/EUR có phản ứng đảo chiều", Simon Harvey, nhà phân tích thị trường tiền tệ cấp cao của Monex Europe ở London, cho biết.
Sau 5 phiên giảm liên tiếp, đến ngày 8/3, đồng euro đã lấy lại được một phần đã mất so với USD khi tăng vài cent từ mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020, khi đại dịch COVID-19 hoành hành ở châu Âu (là 1,0806 USD hôm 7/3), để kết thúc ngày 8/3 theo giờ Việt Nam ở mức 1,0946 USD.
So với franc Thụy Sỹ, đồng euro ở cùng thời điểm tăng 0,8% lên 1,012 franc, sau khi 2 đồng tiền này ngang giá nhau vào ngày 7/3 - lần đầu tiên trong vòng 7 năm.
Hãng tin Bloomberg hôm 8/3 đưa tin Liên minh châu Âu có kế hoạch trong tuần này phát hành ngay trái phiếu trên quy mô lớn có khả năng tài trợ cùng lúc cho chi tiêu năng lượng và quốc phòng.
Cũng trong ngày 8/3, giá dầu Brent trong khoảng nhiều giờ đã giảm khỏi mức cao nhất 14 năm của phiên trước đó, thúc đẩy tâm lý lạc quan hơn đối với đồng euro. Tuy nhiên, giá dầu Brent nhìn chung vẫn có xu hướng tăng, đã vượt 130 USD/thùng.
Các nhà giao dịch dự báo thị trường châu Âu sẽ còn biến động trong vài tháng tới, với chỉ số đo biến động tỷ giá EUR/USD hiện cao nhất kể từ khi thị trường rơi vào cảnh hỗn loạn vào tháng 3 năm 2020.
Các nhà giao dịch cũng đang hướng tới cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào thứ Năm (10/3), với nguy cơ lạm phát đình trệ khiến các nhà kinh tế cho rằng các nhà hoạch định chính sách có thể phải trì hoãn việc tăng lãi suất cho đến cuối năm nay.
Trong khi euro tăng, chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – giảm nhẹ 0,44% xuống 98,8578 vào lúc kết thúc ngày 8/3 theo giờ Việt Nam, sau khi giữ trên ngưỡng 99 trong suốt nhiều giờ trước đó, cho thấy nhu cầu đối với đồng USD – một tài sản an toàn – vẫn rất cao, bất chấp sự sụt giảm nhẹ trong phiên này.
Kể từ khi Nga triển khai quân sự ở Ukraine vào ngày 24 tháng 2, đồng USD đã tăng khoảng 3,3% do cuộc khủng hoảng ngày càng nóng lên.
Nhu cầu đô la Mỹ càng thể hiện rõ trên thị trường hoán đổi tiền tệ chéo. Theo đó, chi phí huy động vốn bằng đô la Mỹ trên thị trường hoán đổi đồng euro là 17 điểm cơ bản nghiêng về đồng bạc xanh. Tuy nhiên, mức đó đã giảm nhẹ so với khoảng 40 điểm cơ bản hồi tuần trước - mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020. Những con số này càng cho thấy tình trạng thiếu USD trên các thị trường.
Bên cạnh việc giá hàng hóa tăng mạnh, khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt tiếp phương Tây tiếp tục gây áp lực lên tài sản của Nga, khiến đồng rúp lao dốc xuống mức thấp kỷ lục mới, 160 RUB/USD trên thị trường nước ngoài vào hôm 7/3, đến 8/3 hồi phục nhẹ nhưng vẫn ở mức khoảng 130 RUB.
Các tiền tệ liên quan đến hàng hóa giảm khỏi mức cao nhất 4 tháng ở phiên liền trước khi các nhà giao dịch bắt đầu lo ngại rằng về lâu dài, giá hàng hóa cao ngất trời có thể trở thành lực cản đối với tăng trưởng của thế giới.
Theo đó, đô la Australia kết thúc ngày 8/3 theo giờ Việt Nam giảm 0,69% xuống 0,7261 USD; trong khi đô la New Zealand giảm 0,09% xuống 0,6813 USD.
Thị trường tiền điện tử tiếp tục biến động khi tình hình chính trị trên thế giới tiếp tục bất ổn. Ngày 8/3, Bitcoin đi ngang, ở mức khoảng 38.000 – 39.000 USD, với những đánh giá trái chiều, khi một số chuyên gia tin rằng Bitcoin vẫn là công cụ hàng đầu để phòng hộ rủi ro giữa bối cảnh các nền kinh tế tại châu Âu có nhiều khó khăn do khủng hoảng ở Ukraine, song có nguy cơ Mỹ siết chặt lệnh trừng phạt nhắm vào Nga ở lĩnh vực tiền mã hóa.
Giá vàng lấy lại đà tăng chóng mặt trong phiên vừa qua, khi hướng tới mức cao nhất mọi thời đại bởi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn truyền thống vì lo ngại về cuộc khủng hoảng Ukraine và tác động của lệnh cấm dầu Nga có thể đến từ Mỹ và Anh.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 8/3 tăng 3,3% lên 2.062,91 USD/ounce, chỉ còn cách 10 USD so với mức đỉnh cao lịch sử 2.072,50 USD chạm tới vào tháng 8 năm 2020; vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 tăng 3,6% lên 2.068,30 USD.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho biết: "Sự kết hợp của giá năng lượng, giá ngũ cốc, giá kim loại cơ bản đang tăng cao dẫn đến áp lực lạm phát mạnh mẽ tiếp tục là hỗ trợ giá vàng tăng cao", và "Ngoài ra, chúng tôi đang chứng kiến một lượng lớn tiền chảy từ thị trường chứng khoán vào vàng khi cổ phiếu chịu áp lực bởi những lo ngại lớn về mặt địa chính trị."
Giá dầu tăng vọt và cuộc chiến ở Ukraine đã làm giảm sự thèm muốn đối với các tài sản rủi ro cao.
Tham khảo: Refinitiv, Bloomberg
Vũ Ngọc Diệp