(Tổ Quốc) - Phân tích thị trường chứng khoán trong thời gian qua, một số nhà đầu tư vẫn tin rằng cổ phiếu tiếp tục là địa chỉ đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới.
Chứng khoán Mỹ đang thu hút sự quan tâm của nhiều người mua sau đợt sụt giảm gần đây. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cho rằng mua vào lúc giá giảm như hiện nay có thể là một cuộc đặt cược với rủi ro lớn hơn nhiều so với trước đây, giữa bối cảnh có hai yếu tố đang tác động rất mạnh: tình hình Ukraine và chính sách của Fed.
Chỉ số S&P 500 đã hồi phục nhanh chóng khỏi mức thấp của tuần trước, song so với đầu năm thì hiện vẫn giảm khoảng 8,5%, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến các nhà đầu tư càng thêm e dè, giữa bối cảnh dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày càng ‘diều hâu’ hơn.
Căng thẳng Nga – Ukraine đã lên đến đỉnh điểm, và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhằm vào các ngân hàng lớn và các thành viên của giới thượng lưu, cũng như bổ sung các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nga. Đặc biệt, các quốc gia phương Tây đồng thuận loại một loạt ngân hàng của Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT.
Mua cổ phiếu trong thời gian giảm giá là một chiến lược hiệu quả cho những người tham gia thị trường trong suốt thập kỷ qua cũng như trong đợt giá cổ phiếu giảm sâu tuần này – đợt sụt giảm mạnh nhất kể tư sau khi mất gần 1/3 giá trị trong lần bán tháo hồi tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát – lúc mà cổ phiếu đã chứng tỏ cơ hội mua lớn đã mang lại lợi nhuận khủng.
Chứng khoán Mỹ tăng gấp gần 3 lần trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, trong khi những người săn lùng món hời trong hai năm qua có cơ sở để làm điều đó bởi tin tưởng vào chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng có trong lịch sử của Fed – yếu tố hỗ trợ đắc lực cho cổ phiếu, thì hôm nay họ đang phải đối mặt với một ngân hàng trung ương được cho là sẽ bắt đầu chuyển hướng sang cuộc chiến chống lạm phát, bắt đầu bằng việc tăng lãi suất, dự kiến sẽ thực hiện ngay trong tháng 3 tới và sẽ tiếp tục trong những tháng tiếp theo.
"Các nhà đầu tư đã được tôi luyện để mua cổ phiếu giá giảm bởi vì họ có sự hậu thuẫn của Fed. Nhưng giờ đây, đang diễn ra một trong những sự kiện địa chính trị quan trọng nhất trong thập kỷ qua và bạn không có Fed ở bên cạnh nữa", Burns McKinney, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao thuộc NFJ Investment Group, cho biết.
Kyle Bass, người sáng lập đồng thời là giám đốc đầu tư của quỹ đầu cơ Hayman Capital Management, tin rằng các nhà đầu tư vẫn chưa tính đến tất cả các kết quả của cuộc khủng hoảng Ukraine, bao gồm cuộc xung đột kéo dài sẽ ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng toàn cầu và khiến lạm phát có thể tăng hơn nữa bằng cách đẩy giá hàng hóa vốn đã cao còn tăng cao hơn hiện tại.
"Điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn", ông Bass cho biết. Theo ông: "Người quản lý tài sản không thể cầm chắc những kết quả này trong quá trình tính toán của mình." Theo ông, các nhà đầu tư nên sở hữu các tài sản có thể giữ giá trị trong thời gian lạm phát, chẳng hạn như hàng hóa và bất động sản.
Ông McKinney đang mua cổ phiếu trả bằng cổ tức mà ông kỳ vọng sẽ chịu được sự biến động của thị trường trong tương lai, và chuyển một số tiền vào các công ty quốc phòng.
Ngoài tình hình diễn biến nhanh chóng ở Ukraine, các nhà đầu tư vào tuần tới sẽ xem xét dữ liệu về số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng Hai của Mỹ, sẽ công bố vào thứ Sáu (4/3) - báo cáo việc làm cuối cùng mà Fed sẽ xem xét trước cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 3.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết ông dự kiến sẽ tăng lãi suất vào tháng 3, lần tăng đầu tiên kể từ năm 2018, và các thị trường đang nhận định nhiều khả năng lãi suất của Mỹ sẽ tăng từ gần 0% hiện nay lên 1,79% vào tháng 2/2023.
Mặc dù tình hình ở Ukraine còn nhiều biến động, song những người ủng hộ việc mua vào khi giá giảm cho rằng sự sụt giảm nguồn cung do các sự kiện địa chính trị trong quá khứ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
Nghiên cứu của LPL Financial về 37 sự kiện địa chính trị lớn kể từ Thế chiến thứ hai cho thấy cổ phiếu tăng trung bình 11% một năm sau đó, miễn là không xảy ra suy thoái.
BlackRock vào đầu tuần qua đã bổ sung thêm cổ phiếu vào chiến lược đầu tư của mình, nói rằng các nhà đầu tư có thể đang đánh giá quá cao mức độ ‘diều hâu’ của các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lạm phát. Trong khi đó, các nhà phân tích của JPMorgan cho rằng "sự biến động ban đầu xung quanh việc nâng lãi suất không kéo dài và chứng khoán sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại vào quý 2 đến quý 4".
Nói chung, phân tích thị trường chứng khoán trong thời gian qua, một số nhà đầu tư vẫn tin rằng cổ phiếu tiếp tục là địa chỉ đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, không ít người lại có cái nhìn bi quan hơn, do thị trường đang nhìn nhận Fed sẽ tích cực thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ trong thời gian tới do lạm phát tăng vọt.
"Chúng tôi không lạc quan", các nhà phân tích thuộc BofA Global Research đã viết trong một thông báo gần đây, rằng họ tin "kỷ nguyên đi lên của các ngân hàng trung ương, lạm phát Phố Wall St, (và) toàn cầu hóa" đang kết thúc, được thay thế bằng "kỷ nguyên đi xuống"của lạm phát và chủ nghĩa biệt lập địa chính trị. Họ khuyên các nhà đầu tư nên bán nhân lúc thị trường chứng khoán tăng điểm.
Charles Lemonides, giám đốc danh mục đầu tư của quỹ đầu cơ ValueWorks LLC đã tăng đặt cược vào một số cổ phiếu, bao gồm nhà sản xuất chất bán dẫn Broadcom Inc và công ty thịt có nguồn gốc thực vật Beyond Meat Inc, hoài nghi rằng các thị trường sẽ có thể duy trì một đợt tăng giá khi mà Fed sẽ ngày càng ‘diều hâu’ hơn.
Ông nói: "Thực tế là thị trường đã có một đợt biến động lớn và chắc chắn bạn sẽ phải trả lại một số lợi nhuận đó".
Tham khảo: Reuters
Vũ Ngọc Diệp