(Tổ Quốc) - Ông Dũng cho biết bản thân đã trải qua 4 lần khởi nghiệp, trong đó có 2 lần thất bại.
Khởi nghiệp cùng bạn từ lâu vốn là câu chuyện gây tranh cãi trong kinh doanh. Có người quan niệm đó là phương pháp tốt, nhưng với nhiều người, đó là hành động "cõng rắn cắn gà nhà". Nhắc đến chủ đề này, câu chuyện "Tôi đã kiếm 1 triệu USD đầu tiên như thế nào?" kể về những lần khởi nghiệp cùng bạn của ''ông trùm gia vị Việt" Nguyễn Trung Dũng đã thu hút nhiều sự chú ý.
Khởi nghiệp lần đầu: bạn bè thân thời đại học rủ nhau làm chung, thỏa thuận không rõ ràng, xung đột, tan rã rồi âm vốn
Khởi nghiệp lần đầu năm 1990, CEO Dh Foods gặp thất bại do nhóm bạn bè thân thời đại học rủ nhau làm chung, các thỏa thuận không rõ ràng, khi công ty phát triển thì bắt đầu có xung đột nên tan rã. Kết quả là vốn âm sau khi khởi nghiệp lần 1.
Ở tuổi 30, năm 1992, vị doanh nhân này bắt tay khởi nghiệp lần 2 và dồn lực xây dựng công ty mới: về Việt Nam tìm nguồn hàng để nhập khẩu, vay nóng người quen (người Việt) tại Ba Lan với lãi suất cực kỳ cao. Vị CEO không tiết lộ con số lãi suất vì "sẽ gây sốc với 99,99% bạn đọc".
Thời điểm đầu, ông tiếp tục nhập khẩu mì ăn liền của Vifon, sau đó của Thiên Hương, Lucky (Công ty An Thái, Long Xuyên, An Giang). Lúc cao điểm, ''ông trùm gia vị Việt" cho biết đã nhập khẩu khoảng 60 container/tháng.
Ông Dũng cùng bạn khi còn khởi nghiệp ở Đông Âu. Ảnh: FBNV
Sau đó, ông Dũng nhập khẩu bún khô, nước hoa quả đóng lon, dứa đóng hộp, tương ớt, nước tương, gạo (thời gian đỉnh cao mỗi tháng nhập tới 30 container), đồ đông lạnh (chủ yếu là tôm sú đông lạnh).
"Tóm lại là hàng nào bán được ở Ba Lan mà Việt Nam có sản xuất là mình tìm cách liên hệ với nhà sản xuất, ban đầu chấp nhận trả tiền mặt (tiền đi vay lãi nặng) để sau một thời gian tăng được sản lượng (lớn) thì đàm phán trả chậm" - ông chia sẻ.
CEO Dh Foods thời điểm đó thuê 2 người làm đại diện thương mại cho ông tại Việt Nam, phụ trách tất cả mọi công việc: đàm phán với Nhà Sản Xuất, kiểm tra chất lượng hàng hóa, làm thủ tục để xuất khẩu… đỉnh điểm, 2 người đại diện đó đã xuất khẩu cho ông đến 100 container/tháng - con số khủng thời những năm 90. Ông Dũng cho biết, ông đã trả lương rất cao cho 2 người đó (1.000 USD và 800 USD/tháng).
Để có được những thành quả đó ở Ba Lan, ông Dũng làm việc 16 tiếng/ngày, đưa được hàng vào các hệ thống siêu thị và nhà phân phối trên toàn quốc.
Khởi nghiệp lần 2: Tuổi 35 có doanh số 10 triệu đô, trả hết nợ, mua cả nhà lẫn xe nhưng cuối cùng vẫn "đi vào vết xe đổ"
Sau 4 năm tái khởi nghiệp, CEO Dh Foods trả hết nợ, mua nhà, mua xe cho bản thân và cho cả các nhân viên quản lý trong công ty. "Tài sản của mình lúc đó đã vượt triệu USD, mình có thể chi tiêu không cần suy nghĩ, đi chơi khắp thế giới không cần băn khoăn" - ''ông trùm gia vị Việt" nhớ lại.
Ở tuổi 35, doanh số năm ông Dũng đạt được lên tới gần 10 triệu USD trong năm 1997 - một khởi đầu lý tưởng cho startup.
Thế nhưng, dù có được khối tài sản triệu đô, startup thứ 2 của ông Dũng tiếp tục rơi vào tình trạng dần suy yếu do lặp lại lỗi như lần 1. Ông cho biết, rút kinh nghiệm từ lần đầu lập nghiệp, tuy lần này ông đã chặt chẽ về giấy tờ nhưng tính cả nể nên dẫn tới sự hợp tác một lần nữa tan rã.
Ông kể: "Mình khởi nghiệp lần 2 một thời gian, doanh số phát triển, số lượng container nhập hàng tăng nhanh. Tại cảng nhập khẩu, có 1 cậu bạn thân, cùng tham gia vào khởi nghiệp lần đầu của mình (5 người bạn), sau bạn tách ra sớm nhưng chủ yếu đi chợ bán đồ quần áo Tàu, việc khá là vất vả. Dù cùng khởi nghiệp lần đầu và tan rã nhưng mình vẫn giữ quan hệ với bạn này".
Người bạn này thấy ông Dũng sau một thời gian kinh doanh ngắn phát triển tốt tiếp tục ngỏ ý tham gia cùng ông và được đồng ý. Sau khi biết người bạn này cùng tham gia mở công ty và làm ăn tốt, nhiều người bạn của ông Dũng cũng ngỏ ý muốn làm phân phối cho ông tại các vùng khác nhau ở Ba Lan, tổng cộng 5 người. Các công ty đều theo mô hình 75/25.
Ông Dũng cho biết, trong thời gian cùng hợp tác, dù chiếm 75% cổ phần các công ty (riêng công ty nhập khẩu và phân phối tại các tỉnh miền Tây Ba Lan ông nắm 100%) nhưng bản thân đối xử với các bạn rất tử tế với sự tôn trọng, mọi bí quyết làm ăn ông đều chia sẻ.
Vấn đề bắt đầu nảy sinh khi ông Dũng nhận ra việc để bạn là đại diện pháp luật công ty, sổ sách bắt đầu gặp phải những khúc mắc. Một thời gian sau, ông chủ động đề nghị chia lại cổ phần tại các công ty phân phối là 50/50 và thừa nhận đó là sai lầm lớn.
"Mình cảm thấy mệt mỏi vì không kiểm soát được các công ty phân phối nữa nên đi đến quyết định còn tệ hơn: tặng lại 100% cổ phần của mình ở các công ty đó cho các bạn. Các bạn đã rất vui vì từ bây giờ thành chủ công ty, không phải nghe chỉ đạo hay ý kiến từ mình nữa. Và bắt đầu sự kết thúc hợp tác từ đó" - CEO Dh Foods viết.
Mâu thuẫn giữa ông Dũng và bạn ngày càng lớn khi ông biết những người bạn này họp riêng để tìm cách lật đổ ông. "Mình đã xuống gặp trực tiếp họ đó và nói: nếu anh thấy anh giỏi tự làm được thì anh cứ tự nhiên. Và họ đã không thanh toán cho mình tiền hàng còn nợ, khoảng 20.000 USD. Về phía mình, mình đã mở công ty phân phối mới ở vùng đó và tuyển bạn quản lý chứ không chia 25% như ban đầu nữa".
Sau khi kết thúc hợp tác ở nước ngoài, một lần nữa ông Dũng có cơ hội gặp lại người bạn này khi về Việt Nam khởi nghiệp: "Ông anh gọi điện cho mình, muốn xin lỗi và muốn làm Nhà Phân Phối cho Dh Foods ở Hải Phòng nhưng mình từ chối". Các mối quan hệ giữa ông Dũng và những người bạn đều lần lượt chấm dứt.
Cuối cùng, sau 2 lần khởi nghiệp cùng bạn đều thất bại, CEO Dh Foods nhấn mạnh quan điểm: "Chọn Co-Founder nên chọn người cùng tư duy kinh doanh, không nhất thiết là bạn thân, hợp đồng nên chặt chẽ và hợp lý, đừng cả nể".
Nhuận Hoa