(Tổ Quốc) - Theo lý thuyết tiền tệ trong kinh tế học, sự tăng trưởng kinh tế khiến cung tiền tăng, làm tăng giá cả hàng hoá (CPI) và tỷ lệ lạm phát. Điều này dẫn đến tình trạng tiền tiết kiệm thay vì đưa vào lưu thông sẽ mất đi giá trị theo thời gian.
Tiền được tạo ra với mục đích trao đổi hàng hoá, nhưng càng ngày lượng hàng hoá mà thế giới tạo ra càng lớn. Từ đó, nhu cầu tăng lượng tiền để trao đổi càng cao, chính phủ các nước liên tục phải in thêm tiền mới trong những năm qua. Tính tới tháng 1/2020, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) có khoảng 4.000 tỷ USD, tức là khoảng 40% số USD đang tồn tại chỉ mới được in trong 12 tháng của 2020.
Theo lý thuyết tiền tệ, với lượng tiền lưu hành trong nền kinh tế nhiều hơn, giá trị trên mỗi đơn vị tiền sẽ giảm đi, từ đó lượng tiền mà mỗi người đang sở hữu sẽ mua được ít tài sản hơn. Hiện tượng hàng hoá và dịch vụ tăng giá chính là lạm phát. Lạm phát khiến người dùng mua được ít sản phẩm hơn so với trước đây khi có một số tiền tương tự.
Thời gian càng dài thì ảnh hưởng lạm phát (mất giá) càng lớn. Nếu 29/1/2018, giá vàng thế giới vào 1.327 USD/ounce gần 29 triệu đồng/lượng thì cuối phiên 30/1/2022, vàng thế giới có giá 1.792 USD/ounce tương đương 49,2 triệu đồng/lượng.
Sau 4 năm, tài sản của một người tính theo vàng đã giảm đi gần 40%. Vì vậy, tính toán theo kinh tế học, tiết kiệm đôi khi là sự chi tiêu xa xỉ nhất.
Dưới đây là tốc độ tăng trưởng CPI của thế giới và Việt Nam những năm gần đây. Do ảnh hưởng xấu của Covid-19 và nhiều gói cứu trợ đưa ra liên tục đã gây áp lực tăng lạm phát. Fed và các tổ chức tài chính lớn trên thế giới đưa ra dự báo sẽ tăng lãi suất để kiềm chế và giữ ổn định nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng lạm phát toàn cầu giai đoạn 2016-2020 - theo Statista
Theo Tổng cục thống kê Việt Nam
Thói quen tiết kiệm không chỉ ảnh hưởng xấu đến tài chính cá nhân mà còn cả một nền kinh tế
Phương trình tổng cầu cơ bản: NX=Y-C-G-I=S-I (Y là tổng cầu của nền kinh tế; C là tiêu dùng; I là đầu tư; G là chi tiêu chính phủ, S là mức tiết kiệm của nền kinh tế; NX là xuất khẩu ròng).
Ứng dụng lý thuyết vào tình hình kinh tế mùa dịch bệnh, đại dịch làm tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế giảm đi với 2 lý do. Một là người dân tiết kiệm tiền nhưng không đưa vào đầu tư, sản xuất khi kinh tế kém lạc quan. Hai là chính sự khó khăn của đại dịch làm bào mòn lượng tiền tiết kiệm có sẵn của người dân chẳng còn lại bao nhiêu.
Với một quốc gia mà tỷ lệ tiết kiệm so với GDP thấp hơn tỷ lệ đầu tư so với GDP, quốc gia đó phải dựa vào các luồng vốn từ nước ngoài tài trợ cho nhu cầu đầu tư của nền kinh tế. Những năm vừa qua Việt Nam có xuất siêu và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI.
Trong bài viết "Khi nào tiết kiệm khiến nền kinh tế tệ hơn?", ông Julie Heath, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Đại học Cincinnati đã viết: "Trong cuộc đại suy thoái, nhiều người Mỹ có thu nhập trung bình đã trách nhiệm hơn khi tiết kiệm được nhiều hơn so với trước đây. Thật không may, điều đó đã làm cho cuộc suy thoái kinh tế trở nên tồi tệ hơn.
Mặc dù việc này tốt cho các hộ gia đình cá nhân, thế nhưng sự gia tăng tiết kiệm này lại làm giảm chi tiêu trong toàn nền kinh tế. Đây là một tin xấu vì khoảng 70% hoạt động kinh tế được tạo ra bởi chi tiêu của các hộ gia đình.
Phản ứng này đối với cuộc suy thoái và hậu quả của nó đối với nền kinh tế thường được gọi là 'Nghịch lý tiết kiệm'. Một nghiên cứu của các nhà kinh tế học từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis, Đại học Pennsylvania và Đại học Stockholm cho thấy, hành vi tiết kiệm (và không chi tiêu) này đã bòn rút một lượng lớn tiền có thể chảy qua nền kinh tế vốn đã tồi tệ sẵn do ảnh hưởng của suy thoái".
Ở Mỹ, trước đại dịch, tỷ lệ tiết kiệm của người dân là 10%, tăng lên đến 33% vào tháng 2/2020 và 26,6% vào tháng 3/2021. Tuy tỷ lệ tiết kiệm của năm 2021 giảm so với 2020, nhưng vẫn cao hơn trước đại dịch rất nhiều.
Từ đó để kích thích nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng, 4.500 tỷ USD đã được Chính phủ Mỹ bơm vào nền kinh tế trong chưa đầy 1 năm, tương đương 25% GDP nước này. Nhiều chuyên gia cảnh báo những gói cứu trợ ồ ạt sẽ tạo ra lạm phát khó kiểm soát sau đại dịch.
Còn ở Việt Nam, để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách. Trong đó, chính sách tài khóa và tiền tệ chi ngân sách nhà nước với quy mô khoảng 6,7 tỷ USD. Tính cả hỗ trợ qua các kênh bảo hiểm thất nghiệp, miễn giảm cước viễn thông,… cứu trợ tổng cộng lên đến 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 được tổ chức vào tháng 12/2021, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến kinh tế thế giới năm 2020.
Theo đó, kinh tế thế giới suy thoái sâu, giảm; một số quốc gia phục hồi khá nhanh, nhưng không đồng đều và còn nhiều rủi ro. Lạm phát đượng dự báo sẽ gia tăng trong giai đoạn 2021-2022 và dịu dần từ 2023.
Bên cạnh đó, rủi ro, thách thức từ dịch Covid-19 còn phức tạp (rủi ro địa chính trị; lạm phát tăng, giá cả tăng; thu hẹp các gói hỗ trợ và tăng lãi suất; lợi nhuận biên của doanh nghiệp giảm…).
Thái Phong