(Tổ Quốc) - Với số dư tiền gửi lên tới cả tỷ USD, nhiều doanh nghiệp đã thu về cả nghìn tỷ đồng tiền lãi.
Nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều ít nhiều nắm giữ một lượng tiền mặt nhất định (gồm cả tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn). Việc nắm giữ bao nhiêu tiền mặt còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như đặc thù ngành nghề kinh doanh, nhu cầu đầu tư….
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn kéo dài, những công ty đang sở hữu lượng tiền mặt dồi dào và đòn bẩy tài chính thấp sẽ có khả năng chống chịu với thách thức và hồi phục tốt hơn so với các doanh nghiệp khác.
Thực tế là đa số các doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán đã gia tăng đáng kể lượng tiền mặt của mình. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, tính đến 31/12/2021, có 15 doanh nghiệp trên sàn nắm giữ lượng tiền mặt trị giá trên 10.000 tỷ đồng. Số liệu tiền mặt ở đây bao gồm cả tiền mặt tại quỹ, tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm (được phân loại là đầu tư tài chính ngắn hạn). Thống kê này không tính đến các định chế tài chính như ngân hàng, bảo hiểm và công ty chứng khoán.
Những doanh nghiệp nắm giữ tới cả chục nghìn tỷ tiền mặt đều là những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế từ hàng không, năng lượng, hàng tiêu dùng, bất động sản đến sắt thép hay ô tô như ACV, PV GAS, Vingroup, Vinamilk, Petrolimex, Sabeco, FPT, VEAM, Tập đoàn Cao su…
Trong cả chục năm qua, ngôi vị "vua tiền" luôn được nắm giữ bởi Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - PV GAS hoặc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV. Tuy nhiên, đến quý cuối cùng của năm 2021, Hòa Phát đã chính thức soán ngôi sau hành trình bứt phá đầy ngoạn mục.
Nếu như cuối năm 2019, Hòa Phát mới chỉ có chưa tới 6.000 tỷ đồng tiền gửi thì đến cuối quý 2/2021 đạt 32.000 tỷ đồng và đến 31/12/2021 là 40.700 tỷ. Sự khởi sắc của ngành thép đã giúp cho lợi nhuận ròng của Hòa Phát tăng phi mã từ mức 7.500 tỷ năm 2019 lên 13.500 tỷ năm 2020 và đạt 34.500 tỷ đồng chỉ trong nửa đầu năm 2021.
ACV và PV GAS đứng vị trí thứ 2 và 3 với lượng tiền lần lượt là 33.300 tỷ và 30.100 tỷ đồng.
Lượng tiền dồi dào này có thể sẽ còn tăng lên khi Hòa Phát đang là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất nhì trên sàn. Tuy vậy cả Hòa Phát và ACV đều đang có những dự án sắp triển khai cần vốn đầu tư rất lớn là Dung Quất giai đoạn 2 và sân bay Long Thành.
Tương tự như Hòa Phát, FPT cũng chứng kiến khối tiền gửi của mình gia tăng nhanh chóng từ 9.500 tỷ năm 2019 lên 17.100 tỷ năm 2021 và 26.100 tỷ năm 2021.
Với lượng tiền gửi lớn, các doanh nghiệp trong top đầu đều thu về cả nghìn tỷ đồng tiền gửi, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận. Tuy nhiên, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất xuống thấp, thì nguồn thu này sẽ giảm đi nếu lượng tiền gửi không tăng lên đáng kể.
Như với ACV, số dư tiền gửi cuối năm 2020 và 2021 đều hơn 33.000 tỷ đồng nhưng lãi tiền gửi đã giảm mạnh từ 2.147 tỷ xuống 1.742 tỷ đồng.
Trương Lương